Khánh Ly thời hai mươi ảo mộng, bụi đời, vỉa hè…

Khánh Ly thời hai mươi ảo mộng, bụi đời, vỉa hè…
"Tôi ở Đà Lạt 5 năm, ai kêu ai rủ về Sài Gòn cũng lắc. Nhưng sau cùng tôi phải cắn răng bỏ Đà Lạt ra đi, để bước vào một định mệnh khác. Một hạnh phúc. Một bất hạnh khác".

1. Hạnh phúc thì rõ rồi. Nhưng tại sao lại là bất hạnh? Người ta thường nói, nổi tiếng là một hạnh phúc ghê gớm lắm. Nhưng điều đó chẳng đúng đâu. Tôi tự hỏi đằng sau nụ cười là gì? Cuộc đời trao ta cả hạnh phúc lẫn thương đau. Đâu có cho ai một thứ gì trọn vẹn. Được cái này phải mất cái kia. 

Thật khó để so sánh cái nào nhiều hơn cái nào. Chỉ biết rằng, nếu được để rồi mất, cũng buồn. Nhưng cuộc đời mà. Phải là như vậy. Điều may mắn là tôi không mất tôi thôi. Và vẫn còn Khánh Ly để một ngày trở về Sài Gòn, hát giữa Sài Gòn.

Một đời người đi chừng đó năm mệt mỏi lắm chứ. Tôi có một điều may mắn, đó là càng đi càng cảm thấy mình nắm được hạnh phúc của mình. Tự mình muốn đi, không phải gắng gượng để mà đi. Cái khổ nhất đời người là cố gắng để yêu một cái gì đó. Tại sao phải cố gắng, yêu thì cứ yêu thôi.

Đối với tôi, Sài Gòn là tôi, tôi cũng là Sài Gòn. Tôi chưa bao giờ có cảm giác xa cách mảnh đất này dù tôi đã đi xa 40 năm. Trong tôi, Sài Gòn vẫn là Sài Gòn của 40 năm trước. Khi về, tôi vẫn đi trên những con đường quen thuộc như Duy Tân, Bạch Đằng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Tất nhiên, khung cảnh xung quanh thay đổi nhiều lắm nhưng tôi không có cảm giác xa lạ. 

Trong lòng tôi, nó vẫn là con đường Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Huệ... Sự thay đổi đó không ảnh hưởng gì đến tôi. Chỉ biết rằng, tôi đang ở trong lòng Sài Gòn. Hát giữa Sài Gòn. Hát như ngày xưa vẫn hát.

Có lẽ, vì mình yêu một cái gì đó thì nó sẽ  nằm ở đó, nguyên vẹn trong lòng mình. Cũng giống như mối tình đầu vậy. Không bao giờ thay đổi cả. Lần trở về này, có một chút bồi hồi, xao xuyến, vừa buồn vừa hoang mang. Còn vì sao lại hoang mang ư? Trở về một nơi mình biết sau một thời gian dài như vậy, mình biết mình đã thay đổi, mình đã già rồi. Và những người muốn gặp không gặp được nữa. Ví dụ như ông Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Hoang mang chứ.

Mà đừng nghĩ, người nổi tiếng thì không thể "vỉa hè", "bụi bặm" được. Tôi cũng đã có một thời 20 rất bụi đời, rất vỉa hè. Đến và đi như gió. Từ đâu tới. Không biết đấy thôi. 

Tôi bây giờ vẫn vậy. Lần nào về Việt Nam, tôi cũng ăn canh khoai sọ, canh riêu cua rau rút. Thích ăn mít, thích ăn bánh cuốn, chả cốm, khoai lang, thích ăn đậu bắp chấm tương chao. Tôi không thích những khách sạn lớn, 5-7 sao. Cũng như tôi không thích ăn ở những nhà hàng sang trọng. Ăn chẳng thấy ngon lành. Ăn để sống thôi chứ không phải sống để ăn. Tôi đã ra đi. Rồi lại về.

Cứ như thế. Đi mà chẳng cần biết nơi mình đến trời có xanh? Nơi mình về trời có vui? Những thành phố giống nhau đến nhàm chán. Những khuôn mặt da trắng, tóc vàng, mắt xanh… nhìn hoài thương không vô. Tôi thích ăn những gì thật Việt Nam, thật quê hương mình trong đó. Người ta gọi Khánh Ly là bà mẹ quê cũng đúng. Là bởi, dù ở Mỹ nhưng rất Việt Nam từ cái nhỏ đến cái lớn. Lúc nói chuyện với bạn bè, ít khi tôi bỏ tiếng Mỹ vào.

Mà thử hỏi ăn hột vịt lộn, ăn ốc mà lại ăn tại khách sạn, nó còn ngon nữa không? Vật gì phải đặt đúng chỗ của nó. Tôi về Sài Gòn, là về với những nơi vỉa hè, bình dân, giản mộc như vậy. Về với đúng chỗ của Khánh Ly.

Trong một bài phỏng vấn, tôi có nói rằng quê hương ở trong lòng mình. Nhiều người nói, chúng ta đi mang theo quê hương. Không, mình không cầm được cái gì mang theo cả. Nó ở trong lòng mình, trong trí tưởng của mình. Dẫu mình có đi năm châu, bốn biển, có trở thành ông hoàng, bà chúa, có trúng số 2-3 trăm triệu đô la thì mình vẫn là người Việt Nam. Có lẽ vì thế, trong sáng tác của ông Trịnh Công Sơn, giữa tình khúc và Da vàng, tôi vẫn thích nhạc Da vàng hơn. Bởi Da vàng lớn hơn. Bởi Da vàng có quê hương trong đó.

Bạn hỏi tôi biết điểm phấn tô son năm bao nhiêu tuổi ư? Trễ lắm. Thời từ Đà Lạt về lại Sài Gòn đi hát với ông Trịnh Công Sơn, lúc đó tôi hai mấy tuổi, tôi còn không biết sửa soạn, đánh phấn tô son là gì. Cũng không biết kẻ lông mày đâu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn là một người rất là dở trong chuyện phấn son. 

Bạn bè vẫn gọi tôi là Mai Đen, Mai Voi. Mai Đen là vì tôi đen lắm. Hồi nhỏ, toàn chạy ra nắng chơi không à. Lúc đó, đâu có nghĩ mình phải xấu đẹp như thế nào. Còn biệt danh Mai Voi là vì chân tôi bự nên bạn bè chọc như thế.

Ngoài người bạn gái thân duy nhất, từ nhỏ tới lớn, tôi hầu như không có bạn gái. Bạn bè của tôi chủ yếu là cánh đàn ông, toàn thứ bạn mày tao, không phải bồ. Bạn của anh ruột tôi cũng thành bạn tôi. Bạn của ông Trịnh Công Sơn sau đó rồi cũng thành bạn tôi. Tính tôi cũng là tính đàn ông. Tôi nhận thấy, ở mình không có sự dịu dàng của đàn bà.

Về áo quần, tôi cũng không cầu kì lắm. Một chiếc quần jean, áo sơ mi, tôi có thể mặc như thế đến hết năm. Không cần thay đổi gì. Vì khi mặc như thế, tôi thấy mình đẹp. Tôi thường mua vì nó đẹp, nó có khiến mình vui không, chứ không phải hàng hiệu, mác này mác kia. Một chiếc áo mình mặc - đâu có ai dám mở cổ áo của mình ra để xem nó là hiệu gì. Người ta chỉ biết ồ cô bé này mặc cái áo này đẹp quá thôi.

Về Sài Gòn lần này, lâu lắm mới nhìn thấy một chiếc xích lô. Chủ yếu chở khách thăm thú Sài Gòn. Xích lô ngày xưa khác. Chỗ để chân thấp, người ngồi ngay ngắn chứ đâu có ngửa mặt như bây giờ. Đến xích lô cũng thay đổi. Đến cái cây trên đường ngày xưa giờ cũng thay đổi. 40 năm, cây đó thành cây cổ thụ rồi. Khánh Ly năm nay 72 tuổi. 72 tuổi, còn lại gì? Tôi mong mọi người đón nhận tôi. Một tôi rất là lớn tuổi. Giống như ngày xưa, thế hệ cha anh các bạn đã đón nhận tôi.

2. Về Sài Gòn, lại nhớ ông Trầm Tử Thiêng, ông Phạm Duy, nhạc sỹ Thanh Bình, nhạc sỹ Anh Bằng, nhạc sỹ Ngô Thụy Miên, nhạc sỹ Vũ Thành An, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, danh ca Thái Thanh… Đặc biệt là nhớ ông Trịnh Công Sơn.

Tôi gặp ông lần đầu tại Đà Lạt, vào năm 1964. Ca khúc đầu tiên mà ông tập cho tôi là Xin mặt trời ngủ yên. Trong năm 1965, chúng tôi gặp nhau vài lần nữa rồi bẵng đi 2 năm không gặp nhau, cũng không liên lạc, tôi trở về Sài Gòn do gia đình có chuyện không vui. 

Trong một lần đang đi trên phố Lê Thánh Tôn, tôi gặp lại ông. Lúc đó, ông đang ngồi với một đám họa sỹ trẻ trên bờ tường như khỉ, trước tiệm hủ tiếu Trung Nhuận Hy. Ông nhận ra tôi trước. Ông kêu tôi đi hát. Lúc đó, tôi nghe đi hát là thích lắm. Chẳng nghĩ ngợi, cũng chẳng đòi hỏi gì. Không cần biết mình có tiền để ăn một bữa cơm hay không. Chẳng cần biết có đủ tiền để may một chiếc áo dài hay không. Rồi chúng tôi có buổi hát đầu tiên ở Quán Văn. 

Trong đêm đó, sự nổi tiếng đến với chúng tôi. Tất cả không phải là một sự sắp đặt. Tình cờ thôi. Mà vui. Đâu ai biết được giữa một Sài Gòn rộng lớn như thế, chúng tôi lại gặp nhau. Và cũng làm sao mà hình dung cho được, ngay giữa Sài Gòn lại có một khu đất trống như vậy, để cho mọi người tụ tập lại với nhau? 

Tôi nhớ đó là tháng 11 năm 1967. Ngoài sinh viên đến nghe hát, còn có những khán giả khác nữa. Bây giờ nhìn lại, ở cái tuổi hoàng hôn của đời người, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy mình là một người quá may mắn. Trong cuộc đời này, tôi cũng chỉ có đúng giây phút đó thôi. Không có lần thứ hai. Tôi nhớ những không níu kéo. Thời đó qua rồi. Không có ai trở lại được.

Kỉ niệm thì tất cả ngày tháng ở bên nhau đều thành kỉ niệm. Tình cảm giữa chúng tôi là bằng hữu, là cha con. Tôi dùng chữ "cha con" rất đúng. Với tôi, ông Sơn lớn hơn một người anh, một người bạn. Tuy không nói bằng lời nhưng cách sống, cách hành xử của ông trong đời, tôi học hỏi được rất nhiều. Ông không bao giờ nghĩ mình là thứ gì to tát cả. Ông giản dị, chan hòa với tất cả mọi người. Lúc đó, tôi dẫu không hiểu nhạc của ông nhiều lắm nhưng luôn cảm thấy được chia sẻ, cảm thấy vui, buồn qua nhạc của ông. 

Tôi nghĩ tôi là người may mắn khi có một thời gian quá dài, quá lâu để được đi bên cạnh ông, được hát những ca khúc của ông. Tôi tự nhủ với lòng mình, đó là một người tôi rất trân trọng và là người mà tôi phải giữ sự thủy chung cho đến giờ chót của cuộc đời.

Tôi đã bám theo ông. Ông là hình, tôi chỉ là cái bóng thôi. Tôi hạnh phúc khi được ông chấp nhận. Ông đi đâu tôi đi đó. Ông bảo tôi hát cái gì, tôi hát cái đó. Tôi hát suốt ngày suốt đêm cũng chỉ vì yêu nhạc ông. Vì vẫn còn mơ ước nhạc của ông cũng sẽ chan hòa vào đời sống hôm nay. Và vì mỗi lần hát, là một lần được chia sẻ với nhau nhiều điều. Sống để làm người tử tế. Đó là điều ông Sơn để lại, nhắc nhở tất cả chúng tôi. Tôi nghĩ, ngoài những điều đó, ông không muốn là cái gì khác đâu. Ông chỉ muốn trở thành tấm lòng đó. Chỉ muốn thành sự tử tế đó mà thôi.

Ngày xưa, mỗi lần hát xong, chúng tôi thường ngồi lại hát tiếp. Giờ im ắng hẳn. Khoảng trống mà ông để lại mênh mông quá. Tôi chẳng thể nào biết được, đâu là bến, đâu là bờ. Bây giờ, có đôi lúc, sau khi kết thúc đêm nhạc, tôi ra ngoài ngồi tới sáng. Tôi không biết nghĩ cái gì. Cứ ngồi thế.

Khánh Ly thời hai mươi ảo mộng, bụi đời, vỉa hè… ảnh 1

Khánh Ly và Hồng Nhung trong đêm “Khánh Ly - Live concert in Saigon”.

3. Ca sỹ Khánh Ly ngồi kể chuyện lại một phần đời mình trước đêm nhạc Khánh Ly - Live concert in SaigonỞ một góc Sài Gòn thả đuôi mắt xuống phố, nơi có những chiếc xích lô đang rong ruổi trên đường - mà bà kể đã khác ngày xưa. 

Hơn 40 năm đã trôi qua, tiếng hát nồng nàn tình ái ngày nào lại thắp lửa ở nơi này. Đây là nơi tên tuổi của bà đã chạm đỉnh vinh quang, trở thành một trong những huyền thoại của tân nhạc Việt Nam. Cũng là nơi, Khánh Ly đã ra đi và trở về.

Sau 40 năm, chất giọng xanh xao liêu trai ngày xưa ấy nay đã đục hơn, khàn hơn nhưng vẫn còn mượt mà với một người đàn bà hát ở tuổi 72. Khánh Ly nói rằng, cách hát của bà bây giờ "nhà quê quá, đơn giản và mộc mạc quá, không có kĩ thuật gì trong đó cả. Nhưng thôi. Đời cho ta thế. Mình cứ như vậy thôi. Đừng làm gì khác". 

Danh ca Khánh Ly nói, "đời cho ta thế" (tên một ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn - PV). Tiếng hát của Khánh Ly ở tuổi 72 chính là tiếng hát trộn lẫn hạnh phúc với khổ đau, là tiếng hát của người đã đi qua một dòng sông tuổi trẻ và những khung trời hoa bướm ảo mộng ngày xưa.

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.