Khánh Hoà: Lo ngại kè chắn sóng làm biến dạng bãi biển Dốc Lết

0:00 / 0:00
0:00
Kè chắn sóng phường Ninh Hải gây lo ngại làm biến dạng biển Dốc Lết
Kè chắn sóng phường Ninh Hải gây lo ngại làm biến dạng biển Dốc Lết
TPO - Dự án kè bờ biển phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) nằm sát bờ biển Dốc Lết - một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở địa phương. Không ít ý kiến lo ngại xây dựng bờ kè khiến cảnh quan bờ biển bị thay đổi, thậm chí xóa sổ đường bờ biển đẹp của địa phương này.

Có làm biến dạng bãi biển đẹp?

Những ngày cuối tuần, hàng chục công nhân đã có mặt tại khu vực bãi biển Hòn Khói - sát khu du lịch Dốc Lết, để thi công bờ kè. Các thiết bị cơ giới như máy múc, trộn bê - tông, xe cẩu… được huy động tối đa nhằm vụ việc thi công. Bãi biển vốn yên bình thế nhưng vài ngày nay lại như một đại công trường với các hoạt động đào bới, vận chuyển bê-tông, sắt thép, đá trộn.

Khánh Hoà: Lo ngại kè chắn sóng làm biến dạng bãi biển Dốc Lết ảnh 1

Công nhân thi công kè bờ biển phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hoà

Nằm cách TP. Nha Trang khoảng 55 km về phía Bắc, bãi biển Dốc Lết là điểm du lịch nổi tiếng mà khách khắp nơi tìm đến nghỉ dưỡng. Bãi biển này có chiều dài hơn 10 km, nổi tiếng với những bãi cát trắng phẳng lì kéo dài từ bờ ra hàng trăm mét. Biển nơi đây sóng êm, kín gió khi nằm giữa 2 mỏm đá nên được nhiều du khách chọn làm điểm tham quan.

Ông Nguyễn Bảy (61 tuổi, ở thôn Đông Hải, phường Ninh Hải) cho biết: Hơn 1 tháng qua, các công nhân đã đến khu vực bãi biển Hòn Khói để thi công bờ kè.

Trao đổi với PV, ông Bảy trăn trở, rằng việc thi công bờ kè có ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của thuyền thúng, việc di chuyển của ngư dân ra biển hay không? Nhiều người dân địa phương cũng nghi ngại việc thi công bờ kè ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan vốn có của bãi biển Hòn Khói cũng như nguy cơ xóa sổ đường bờ biển dài thơ mộng nằm sát khu du lịch Dốc Lết.

Trong thư kiến nghị gửi các lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hoà mới đây, PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, bày tỏ lo lắng vì những tác động xấu tới cảnh quan môi trường và sức hấp dẫn du lịch của bãi biển Dốc Lết do công trình kè tạo ra.

“Cát ở bãi Dốc Lết khá mịn nên có khả năng tiêu tán năng lượng sóng tới hơn 90%. Trong khi đó, công trình kè biển thường chỉ tiêu tán được khoảng 20% đến 50% năng lượng sóng. Nếu xây dựng công trình kè biển, khi sóng tới công trình sẽ bị phản xạ và sóng phản xạ kết hợp với sóng tới sẽ tạo ra trường sóng rất mạnh trước công trình, làm hạ thấp bãi, phá hoại bãi cát và trong tương lai sẽ gây xói lở mạnh hơn”, ông Ca cảnh báo.

Theo ông Ca, với các bãi biển như Dốc Lết thì sóng truyền theo hướng vuông góc với bờ sẽ chỉ gây biến động bãi biển theo mùa. Vào mùa đông, sóng lớn tạo nước dâng (do sóng kết hợp với triều cường) sẽ nạo vét cát gần bờ, gây xói bãi. Mùa hè, sóng lừng từ ngoài khơi truyền vào sẽ bồi lại bãi. “Vậy nếu không xây kè thì có sao không? Tất nhiên là vẫn có sạt lở vào mùa mưa bão nhưng cát sẽ được bồi lại vào mùa hè. Đó là quy luật hàng ngàn năm nay về quá trình bồi lấp ở các bãi biển. Chúng ta không thể lấy lý do có sạt lở và sóng cao trong mùa mưa bão để thực hiện một giải pháp can thiệp công trình mà tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là không làm gì”, ông Ca cho hay.

Lãnh đạo địa phương nói gì?

Dự án kè bờ biển phường Ninh Hải có tổng vốn đầu tư 88 tỷ đồng, do UBND thị xã Ninh Hòa làm chủ đầu tư và giao cho Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng thị xã Ninh Hòa triển khai. Mục đích của việc xây dựng bờ kè nhằm chống tình trạng xâm thực của biển, bảo vệ nhà cửa của ngư dân đặc biệt trong mùa mưa bão. Dự án gồm 2 phần, kè bảo vệ bờ biển với chiều dài 727m và công trình trên kè (lan can, bậc cấp, cống thoát nước, mương thu nước thải…). Đến nay, hạng mục chân kè và mái kè thực hiện khoảng 70% khối lượng so với hợp đồng.

“Việc xây dựng bờ kè bê tông kiên cố vừa phá vỡ cảnh quan, vừa làm mất bãi tắm tự nhiên và có nguy cơ sạt lở lớn trong tương lai. Chúng ta đã thấy rõ hậu quả của các kè biển trên nền bờ cát ở nhiều nơi của Miền Trung. Bắt đầu là những bờ kè bảo vệ resort ở Mũi Né, đến bãi biển Cửa Đại và An Bàng của Hội An. Tất cả đều bị sóng lôi đi vì chúng ta xây kè trên nền cát” - PGS.TS Nguyễn Thanh Ca.

Theo ông Trần Hải - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải, địa phương đã lấy ý kiến người dân khi lập dự án và họ rất đồng tình. Hiện bãi biển thuộc địa bàn phường Ninh Hải có nhiều điểm đã quy hoạch chuyên làm du lịch, riêng chỗ xây kè là có khu dân cư, nơi neo đậu tàu thuyền... Trên địa bàn phường có 500 hộ dân sinh sống, mưu sinh sát đường bờ biển nên việc xây bờ kè sẽ đảm bảo được cuộc sống bền vững của người dân, tránh tình trạng xâm thực của biển.

Khánh Hoà: Lo ngại kè chắn sóng làm biến dạng bãi biển Dốc Lết ảnh 2

Lãnh đạo địa phương cho rằng việc xây dựng kè bờ biển Ninh Hải được dân đồng tình

Trước các ý kiến lo ngại của chuyên gia, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho biết việc xây dựng bờ kè nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân địa phương trước biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong nhiều năm qua, người dân địa phương luôn đối mặt với tình trạng nước triều dâng. Từ thực trạng này, tỉnh Khánh Hòa đã lựa chọn khu vực bờ biển Ninh Hải để xây bờ kè nhằm chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chống tình trạng nước biển dâng cao gây xâm thực, xói lở đường bờ biển. “Chúng ta không thể so sánh công trình đang thi công với việc thay đổi hiện trạng vốn có của bờ biển. Hơn nữa, sau khi thi công bờ kè hoàn thành thì sẽ giống như khu vực bờ biển Nha Trang, Đại Lãnh”, ông Thạnh nói.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.