Mỗi ngày có hàng ngàn du khách Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế để đặt chân tới Mong La thuộc Đông Bắc Myanmar. Chốn đó có gì hay ho? À, bạn có thể tìm thấy mọi thứ cần thiết ở đó, từ một tổ ong rừng thơm phưng phức đầy mời gọi, tới uống thỏa thuê thứ rượu ngâm chung với những con rắn hổ mang và thậm chí có hẳn một xác cá sấu ngâm chung với rượu. Và đó cũng mới chỉ là nhà hàng đầu tiên mà chúng tôi bước tới ở Mong La.
Mong La là một thái ấp rộng cỡ 5.000km2 thuộc khu vực Tam giác vàng, nơi này từng được cai trị bởi các du kích quân mà nay đã trở thành lãnh chúa. Đó là một thấp ấp nhiều tai tiếng bởi nó phồn thịnh như hiện nay là dựa hẳn trên các ngành công nghiệp tội lỗi như mại dâm, buôn bán ma túy cũng như buôn bán động vật hoang dã quý hiếm.
Dọc theo những tuyến phố xá rực rỡ ánh đèn neon lòe loẹt là hàng tá khách sạn diêm dúa, những tụ điểm cờ bạc và hộp đêm, và nằm không xa thái ấp này là sự hiện diện của hàng tá sòng bạc đầy sức gọi mời.
Mọi thứ có mặt ở đây đều ra sức quyến rũ luồng khách du lịch Trung Quốc khi họ không thể đánh bạc tự do ở quê hương mình do luật pháp ngăn cấm: Những biển hiệu đều bằng tiếng Trung, tiền tệ lưu hành và mạng lưới điện thoại đều do người Trung Quốc quán xuyến, thậm chí đồng hồ cũng được chỉnh theo giờ Bắc Kinh.
Những chi tiết kể trên đã phần nào cho thấy có vẻ như vị thế của Mong La như một thế giới nào đó, tách biệt hẳn với lãnh thổ của Myanmar. Mặc dù thị tứ này nằm ngay trong lòng biên giới của Myanmar, nhưng khu vực này được kiểm soát bởi Lực lượng quân đội liên minh dân chủ quốc gia của lãnh tụ Lin Mingxian (biệt danh Sai Lin).
Một nguồn tin từ trang Wikileaks được công bố trên kênh ngoại giao Mỹ năm 2005 đã chỉ đích danh Lin Mingxian là “lãnh đạo vùng và tay buôn lậu ma túy” với “lực lượng cảnh sát tư James Bond” nắm quyền kiểm soát ở Mong La. Người ta thấy đám binh lính này tại tất cả các chốt gác ở thị trấn, đám lính tuần tra ăn vận đồng phục màu xanh lá cây và hông kè kè đeo súng trường AK-47 và các loại súng ngắn.
Năm 2011, Myanmar – từ một thời gian dài chìm trong bể khổ bởi sự cai trị tàn khốc của quân đội – đã chuyển mình thành một chính phủ dân chủ. Một lệnh ngừng bắn đã được ký kết vào năm 2015 này với 8 trong số 15 tổ chức phiến quân tại Myanmar, và trong suốt các kỳ tổng tuyển cử mang tính lịch sử vào ngày 8-11-2015, nhân vật biểu tượng cho đảng Dân chủ - Aung San Suu Kyiy đã giành chiến thắng áp đảo một cách ngoạn mục.
Tuy vậy, những bước phát triển vượt bậc tại Myanmar dường như vẫn không mấy gây ảnh hưởng tại khu vực quanh Mong La; 2 tổ chức phiến quân nắm quyền kiểm soát khu dân tộc ít người Shan và Akha lại không tham gia vào việc ký lệnh đình chiến, lẽ dĩ nhiên không bên nào bỏ phiếu bầu cho bà Aung San Suu Kyiy.
Mặc dù nằm cô lập với Myanmar theo nhiều cách khác nhau, nhưng khu vực thung lũng núi của Mong La vẫn có thể dễ dàng đặt chân tới từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Khách Tàu không cần phải có hộ chiếu và 2 nhóm phiến quân trên đầu có quan hệ hữu hảo với chính quyền Vân Nam, mặc dù giới chức Trung Quốc đã đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn nạn cờ bạc phát sinh từ các công dân của họ.
Nhiều chủ sòng bạc ở Mong La là người Hoa và thậm chí cho phép tổ chức các sòng bạc trực tuyến từ những con bạc “khát nước” ở bên kia biên giới, các đối tượng cờ bạc có thể đặt camera “gian lận” dưới các bàn đánh bài và chuyển trả tiền bạc thông qua các tài khoản ngân hàng Trung Quốc, theo những tiết lộ mới nhất từ cuốn sách “Những lái buôn gàn dở” xuất bản năm 2008 bởi 2 tác giả Michael Black và Bertil Lintner.
Bản thân Trung Quốc thừa sức chặn đứng dòng chảy du khách của họ nhưng nói thì dễ mà làm thì thực khó, bởi vì nền kinh tế Vân Nam gắn chặt chẽ quan hệ với hoạt động thương mại “sống” – chủ yếu là buôn lậu – từ các hàng hóa Myanmar từ Mong La xuất qua biên giới.
Trước đó vào năm 2003, báo chí đưa tin rùm beng về vụ con gái của một quan chức cao cấp trong chính phủ Trung Quốc đã “thổi bay” hơn 150.000USD từ việc đánh bạc ở Mong La, sau vụ đó, biên giới bị phong tỏa, lính Trung Quốc tuần tra và đánh sập vài sòng bạc “ít máu mặt”. Đáp trả với hành động của Trung Quốc, “lãnh chúa” Lin Mingxian đã dời các sòng bạc ra xa khỏi biên giới, tiến về phía Nam Mong La.
Đến năm 2012, Trung Quốc cắt đứt dịch vụ viễn thông với Mong La để đề phòng nạn cờ bạc trực tuyến nhưng các sòng bạc đã nhanh tay hơn trong việc lắp đặt hẳn các hệ thống chảo vệ tinh.
Gái mại dâm đang công khai “bán vốn tự có” trên đường phố Mong La.
Đầy rẫy ma túy và gái mại dâm
Một bí mật dơ bẩn khác ở Mong La đó là hệ thống các sòng bạc và khách sạn chốn này được xây dựng thông qua nạn “rửa tiền” có nguồn gốc từ buôn bán ma túy. Năm ngoái 2014, theo báo cáo của Liên hiệp quốc, hai nước Myanmar và Lào đã sản xuất 762m3 tấn thuốc phiện (đưa tên tuổi khu vực Tam giác vàng trở thành nơi sản xuất heroin đứng hàng thứ 2 thế giới, chỉ sau mỗi Afghanistan), đồng thời Tam giác vàng trở thành nguồn cung methaphetamine lớn nhất châu Á.
Trong suốt một thời gian dài, lãnh chúa Lin Mingxian đã tìm cách giảm thấp “tai tiếng” ở Mong La. Năm 1997, ông ta tuyên bố “không còn thuốc phiện” ở Mong La và một bảo tàng màu hồng kiểu cách đã được mọc lên kế cạnh một ngôi chùa xoay mặt ra thung lũng, trong bảo tàng trưng bày la liệt ảnh, bản đồ và cả những bức tranh rực rỡ đề cập đến các chiến dịch nhổ tận gốc ma túy.
Bất chấp những thứ trưng bày, thì hai tác giả Black và Lintner vẫn khẳng định chắc nịch trong sách của họ rằng lãnh chúa Lin Mingxian vẫn giữ nguyên hoạt động buôn bán ma túy và “sống như vua trong một tòa biệt thự màu hồng mang phong cách biển Miami tại Mong La, nó hao hao như lâu đài của một lãnh chúa phong kiến vươn mình trên thái ấp rừng già”.
Mặc dù việc chụp ảnh tại các sòng bạc đã bị cấm đoán, nhưng chúng tôi vẫn có thể ghé chân tại nhiều tụ điểm cờ bạc tại thái ấp này. Đa phần là khách bình dân tại các tụ điểm ở đây, biểu hiện qua việc họ hút thuốc lá thường và phần đông là quý ông người Hoa trung niên, tất cả đang chăm chú đặt cược thông qua các trò chơi trực tuyến, máy đánh bạc và một trò chơi xúc xắc với những con xúc xắc hình động vật thay vì là con số nằm ở cạnh bên.
Hoạt động “sung sướng” cũng phổ biến không thua kém nạn bài bạc, gái công khai “khoe hàng” trên phố. Ban đêm, trên khắp các tuyến phố kế cạnh chợ Mong La, người ta thấy hàng tá gái mại dâm Trung Quốc trẻ măng ngồi sẵn trên các ghế nhựa kê ngay trước mặt các “lầu xanh”. Khi chúng tôi bước qua, một em gái xinh xinh nhanh chóng đon đả tiếp cận và bập bẹ vài từ tiếng Anh: “Tên anh là gì? Tên em là Sa Sa”. Hỏi cô gái bao nhiêu tuổi, cô ta đáp bằng tiếng Anh: “Em 25”. Nhưng khi chúng tôi nói tiếng Hoa với nhau, lập tức cô ả bẽn lẽn trả lời: “Thật ra, em mới 17”.
Chợ phiên ở Mong La trông rất đỗi quen thuộc, đó là một bức tranh tổng hòa các thương nhân Tàu và cả cánh phụ nữ người dân tộc ít người địa phương, họ bán đủ mặt hàng từ rau củ quả đến thịt, quần áo và đồ điện tử Trung Quốc, nhưng trong một góc nhỏ của chợ là một thế giới buôn bán không kém phần ly kỳ.
Khoảng hàng tá sạp hàng đang công khai bán nhiều loại động vật hoang dã được mổ thịt: da voi khô, ngà voi, sọ và da linh miêu, gạc hươu, một bó lông nhím và da tê tê. Có nhiều lồng đang nhốt khỉ con, một con nhím lớn và nhiều loài chim rừng sặc sỡ màu sắc. Một số thương nhân rỉ tai khách về một cái chân hổ với giá 250USD.
Các binh sĩ của NDAA, tổ chức phiến quân kiểm soát Mong La, đang tuần tra tại một chiếc xe tải nhỏ.
Nếu chịu khó chui luồn vào các ngách chợ Mong La, khách cũng có thể tìm thấy nhiều loài thú nguy cấp và các sản phẩm từ chúng được rao bán công khai. Vài cửa hiệu lớn tại trung tâm thị trấn Mong La có bán đủ các bộ gạc hươu, da cọp và nhiều sản phẩm từ động vật rừng được ngâm chung với rượu. Một số nhà hàng và sòng bạc đã không ngần ngại dâng cho thực khách những món ăn đặc sản rừng bao gồm cả thịt tê tê.
GS Vincent Nijman từ Đại học Oxford Brookes (Anh), người đã dành nhiều năm nghiên cứu về thị trường ở Mong La. Theo GS Nijman, Mong La đích thị là một trung tâm buôn lậu động vật hoang dã mang quy mô toàn cầu đặc biệt là nhu cầu đang không ngừng tăng của ngà voi, gồm ngà voi Phi châu. Trong một thư điện tử (email), GS Nijman viết: “Nhu cầu buôn bán ngà voi là rất lớn, cùng với đó là hoạt động mua bán linh miêu (mèo rừng) và gấu, loài Cu Li cũng là một nạn nhân”.
GS Nijman xác nhận có 60 loài động vật rừng đang được buôn bán công khai ở Mong La, trong đó “khoảng 1/3 là các giống loài nguy cấp trên toàn cầu, và 1/3 giống loài đang được bảo vệ hợp pháp”.
GS Nijman quả quyết tất cả là buôn bán phi pháp nếu chiếu theo luật pháp giữa Myanmar và Trung Quốc, nhưng chính quyền Trung Quốc không thanh kiểm tra các phần động vật của người mua hàng. GS Nijman khẳng định: “Hổ thật được đem bán ở các cửa hàng cao cấp, có “máu mặt” tại Mong La”.
Như bất kỳ khu thị trấn nào tồn tại từ các nền kinh tế “chợ đen”, Mong La đang khoác lên mình một mặt tiền lấp lánh và những thứ giả hiệu. Ngôi nhà cao nhất xứ này là khách sạn Sheraton, nó là một trong nhiều chục ngôi nhà đã mọc lên từ đợt bùng nổ xây dựng ở Mong La, kéo theo đó là các khách sạn khổng lồ, những siêu thị và nhiều khu phức hợp dân cư cao cấp. Thị tứ này cũng có một nhà máy than đá, một sân golf, sở thú và bao bọc xung quanh là những đồn điền cao su bát ngát.
Ông Tom Kramer, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Myanmar cho rằng phần lớn khối tài sản ở Mong La hiện nay đều được hưởng lợi bởi chính lãnh chúa Lin Mingxian và các thuộc hạ của ông ta và không có vé cho người bình dân.
Một ông chủ khách sạn mà chúng tôi gặp ở Mandalay, miền Trung Myanmar, khi chúng tôi hỏi về sự phát triển và triển vọng kinh doanh ở Mong La, thì người này nháy mắt tinh nghịch nói: “Khách Trung Quốc vẫn trên đà gia tăng, nhưng nơi đó không tốt lắm. Nó có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào chí ít là khi chính phủ Trung Quốc thay đổi ý tưởng của họ về Mong La. Nó chỉ là một trò chơi không hơn kém”.