Chiến hạm LCS-2 mới đầu được thiết kế là tàu vận tải tấn công, tuy nhiên nó có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, bằng việc lắp thêm các mô-đun chức năng.
Năm 2010, Hải quân Mỹ đã mở đấu thầu mua tàu chiến ven bờ kiểu mới có sự tham gia của các công ty Lockheed Martin và Austal USA.
Chương trình trị giá 37 tỷ USD nhằm mục đích phát triển và đóng 52 tàu chiến thế hệ mới có khả năng hoạt động hiệu quả gần bờ biển đối phương và dùng cho các nhiệm vụ tác chiến chống hạm, chống ngầm, chống thủy lôi và các nhiệm vụ khác.
Sau khi kết thúc thầu, quân đội Mỹ đã không thể chọn hãng thắng thầu nên đã quyết định đặt hàng cả hai hãng này đóng tàu cho họ.
Thiết kế của LCS-2 dựa theo cấu trúc tàu ba thân tốc độ cao (Benchijigua Express) được Austal (Henderson, Australia) phát triển. LCS-2 có thiết kế dạng ba thân, chiều dài 127,4 m, lượng giãn nước 2.780 tấn, tốc độ đến 44 hải lý/h, dự trữ hành trình gần 4.400 hải lý.
LCS-2 được trang bị pháo 57 mm, súng máy 12,7 mm, pháo 30 mm và các loại tên lửa. Với trọng tải 11.000 tấn, và có thể lắp thêm mô-đun chức năng nên LCS-2 có khả năng thực hiện nhiều sứ mệnh mà không cần phải tái cấu trúc.
Boong bay rộng 1.030m của tàu có thể hỗ trợ hoạt động của 2 trực thăng SH-60 Seahawk, rất nhiều UAV hoặc một trực tăng lớp CH-53 Sea Stallion.
Hồi cuối năm 2013, báo chí đưa tin về quyết định sơ bộ của Lầu Năm góc giảm số lượng tàu LCS xuống còn 32 chiếc, xem đây là một phần trong chính sách tiết giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong các năm tài khóa từ 2014 đến 2020.
Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ không tán thành dự kiến cắt giảm này và đưa ra các đề xuất nhằm duy trì số lượng đóng mới tàu chiến LCS.