Dẫn suối vào phòng
Cách thành phố Tuyên Quang 15km là suối khoáng nóng Mỹ Lâm. Trên mạng nói có xe buýt từ thành phố đến Mỹ Lâm nhưng chúng tôi tìm không ra, cuối cùng chọn taxi. Nhưng nơi đến không phải suối mà là một khách sạn kiêm spa, thấy bảo to nhất nơi đây. Nó là một tổ hợp bao gồm bể bơi ngoài trời, các phòng massage, xông hơi, bể sục cho hai người trở lên. Chúng tôi đến đúng lúc không đủ nước để bơm lên cao đâm ra đường trượt cảm giác mạnh không hoạt động. Ngâm mình trong bể nước ấm ngoài trời kề bên đồng lúa (thực ra chỉ là một ô ruộng còn sót lại trong khu dân cư) kể cũng dễ chịu. Bên bể bơi có mái che thì lạnh te. Thích riêng tư thì thuê cả phòng nghỉ có bồn tắm nước khoáng. Có cả các phòng không phải để ngủ mà để massage sau khi ngâm bồn.
Tắm táp chán, tôi băng qua đường ăn cơm lam. Gạo nếp nhồi vào ống nứa nướng ngay trước cửa quán. Lớp vỏ cháy đen được vát bằng dao, còn lại những ống cơm trắng tinh tươm dài chừng hai mươi phân dọn ra cho khách. Bà chủ bóp bóp và tước thế nào đó mà lớp lụa trong lòng ống nứa còn bọc nguyên thanh cơm nếp. Cơm lam chấm muối vừng ăn kèm lạp xường gác bếp áp chảo và trứng luộc. Món chính của quán chỉ có thế. Ống cơm lam 10 nghìn cắn ba miếng hết. Bà chủ bảo làm lâu công lắm, xong đến đâu hết đến đấy. Quả nhiên lát sau có mấy người vào mua mấy chục ống về Hà Nội làm quà.
Cạnh hàng cơm là hàng taxi. Nghĩa là tài và xe chỉ việc ngồi nhà chờ khách đến hỏi. Chạy từ Mỹ Lâm về bất cứ điểm nào trong thành phố- trọn gói 150.000 đồng. Bác lái cho hay trước suối Mỹ Lâm chảy lộ thiên nóng hơn bây giờ nhiều. Giờ nhiều điểm bơm hút quá nên nước nóng rút về lòng đất. Lộ thiên chỉ còn là suối mát bình thường.
Lưu luyến Na Hang
Từ thành phố Tuyên Quang đi 120km nữa đến Na Hang. Từ bến xe đi vài bước đến khách sạn, lấy phòng xong, việc đầu tiên là gọi xe ôm chở đi chơi. Men theo hồ thủy điện Na Hang, ngắm đỉnh Pác Tạ (nghĩa là vú của trời) kiêu hãnh nhô lên từ làn nước xanh thẳm. Bỏ qua khu du lịch sinh thái cùng tên, chúng tôi ghé vào khu nghỉ dưỡng Thác Mơ, có vẻ vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Nếu biết trước, hẳn là chúng tôi đã lấy phòng ở đây rồi. Vừa rẻ hơn trong thị trấn vừa được hưởng không khí núi rừng. Nhưng ở Na Hang cũng có cái hay riêng. Vì vắng bóng du khách nên vẫn giữ được những nét sinh hoạt tự nhiên của một thị trấn miền núi nhỏ xinh.
Khu nghỉ dưỡng sở hữu 2 thác Cây Vải và Cây Sung. Cây Vải chỉ để ngó vì hai bên cây cối vẫn còn rậm rịt, chưa có đường xuống. Cây Sung được cải tạo thành một công viên nước mini. Du khách có thể bám dây thừng đu ra giữa thác rồi nhảy xuống, trượt cầu trượt và một số trò khác. Loanh quanh leo trèo và bơi lội ở thác này mấy tiếng không chán. Thượng nguồn của hai con thác chính là nguồn cấp nước sinh hoạt cho thị trấn nên được rào dậu rất cẩn thận. Bắt gặp một biển báo cho biết đi tiếp 2km sẽ gặp một suối nước nóng hoàn toàn nguyên sơ. Rất tiếc chúng tôi không còn thời gian. Buổi chiều kết thúc bằng niềm vui của cánh xe ôm, tự dưng được một khoản kha khá vì khách lên đây thuê xe đi chơi như chúng tôi khá hiếm.
Xe ôm giới thiệu quán bình dân ngon nhất là Hồng Ngọc gần bến xe. Đó là quán cơm bụi thứ ba chúng tôi ăn và xác nhận xe ôm đúng. Điểm chung là hàng cơm nào cũng có món thịt kho trám. Cả thị trấn có một nơi duy nhất sản xuất thịt chua. Thịt lợn mán lọc bớt mỡ ủ men lá và một số phụ gia để độ 3-4 ngày là áp chảo ăn được, không phải bỏ thêm bất cứ gia vị gì. Lưu ý càng để càng chua và ăn nhiều có thể bị say. Ăn cho biết chứ món này có vẻ không hợp khẩu vị đa số dân miền xuôi.
“Đua xe” ở Thượng Lâm
Sáng hôm sau, chúng tôi quyết định thuê xe tự đi Thượng Lâm - cách Na Hang 30km. Nơi này được ví như Hạ Long trên cạn. Bức ảnh Thượng Lâm treo ở sảnh khách sạn cho thấy sự ví von đó không phải không có lý. Lễ tân báo giá thuê xe máy 100 nghìn/nửa ngày, nhưng liên lạc với chủ xe không được. Ông chủ khách sạn ngẫm nghĩ một hồi nói: “Thôi chúng mày lấy xe chú mà đi!” Hí hửng tưởng được miễn phí, nhưng ông tiếp: “Chú vừa đổ xăng nên lấy chúng mày nửa ngày trăm rưởi!” Chấp nhận, vì giá vẫn hời so với xe ôm. “Nhưng nếu đi quá 12h chú tính 300.000 đồng!” Thuê xe mà cứ như thuê phòng khách sạn! Nhưng không sao vì xác định chiều cũng rời Na Hang. Lúc xuất phát, đồng hồ chỉ đã quá 8h.
Mới đầu tính lượn để giết thời gian nhưng hơi lầm. Càng đi, đường càng đẹp. Qua xã Thượng Lâm, bắt gặp các ngọn núi vươn lên trên đồng lúa đang thì con gái. Đặc biệt, các đỉnh núi rủ nhau “nghẹo” về cùng một phía duyên dáng đến lạ. Ngoạn mục nhất là đoạn đường lượn theo vách núi cao, phía dưới là hồ Na Hang với những ngọn núi lô nhô trên mặt nước xanh lục.
Nhiều người mặc áo xô chít khăn trắng cùng tiếng khóc vọng ra từ trong nhà cho biết chúng tôi đang qua một đám tang. Hai bên đường trước cửa nhà, cắm san sát những tấm phướn bằng giấy bồi nền đen đóng khung quanh một mảnh vải sặc sỡ. Mỗi mảnh một kiểu hoa văn. Sau đám tang tất cả được đốt đi và trở thành chăn đắp cho người quá cố ở thế giới bên kia- theo niềm tin của người Tày. Đó là những gì tôi thu lượm được từ khách dự đám tang.
Đích của lượt đi là Bến Thủy- con đường đâm thẳng xuống hồ Na Hang. Chúng tôi khám phá ra từ đây ra Cọc Vài- thắng cảnh núi non nổi tiếng trên hồ Na Hang- chỉ mất mươi phút đi thuyền. Lái thuyền ra giá 150.000 đồng cả đi và về. Nếu đi từ một bến khác gần đập thủy điện Na Hang, khách phải trả bèo nhất cũng 1 triệu cho một chuyến đi về. Đắt hơn đồng nghĩa với việc có cả tiếng thong dong trên lòng hồ, ghé qua một số thác và hang động nữa.
Chúng tôi cán đích cuối khi đồng hồ khách sạn chỉ 12h kém mấy phút. Ông chủ ngồi sẵn ở sảnh, cố không tỏ ra bất ngờ(?) Nhưng rồi ông cũng tròn mắt khi biết chúng tôi tới tận Bến Thủy. Còn tôi thì vẫn tiếc rẻ, vì còn biết bao thứ chưa kịp khám phá nơi đây.