Trong số đồ bị tịch thu có cả một bức tượng Mao Trạch Đông bằng vàng ròng, một chậu rửa bằng vàng, một chiếc thuyền mô hình bằng vàng và nhiều thùng rượu Mao Đài.
Bài báo mới nhất trên tạp chí Trung Quốc Caixin nêu chi tiết vụ khám xét năm 2012 tại dinh thự của Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc, ông Cốc Tuấn San (Gu Junshan), ở huyện Bộc Dương, tỉnh Hà Nam.
Đây là vụ tham nhũng lớn nhất trong quân đội nước này bị phát hiện trong nhiều năm qua. Hai anh em của ông Cốc cũng có nhà ngay gần khu dinh thự này, và 3 ngôi nhà được kết nối với nhau bằng một tầng hầm dài 30m chất đầy thùng rượu đắt tiền. Theo Caixin, nhiều thùng rượu chưa từng được sử dụng vì ông Cốc không sống ở đây đã nhiều năm.
“Việc đó (chống tham nhũng) cần sự can đảm, giống như người tự chặt tay bị rắn cắn để cứu mạng mình… Chúng ta không được để hệ thống này (kiểm tra, giám sát) trở thành con hổ giấy hoặc bù nhìn”.
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ngày 14/1 tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc
Những chi tiết nêu trên làm sáng tỏ thêm vụ điều tra được giữ bí mật thời gian qua, ngoại trừ có lần một nhà nghiên cứu quân đội đề cập trên báo chí nhà nước hồi tháng 8 năm ngoái rằng ông Cốc đang bị điều tra.
Ông Cốc Tuấn San nắm quyền quản lý bất động sản và cơ sở hạ tầng của quân đội trước khi được đưa lên vị trí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Nhân vật này bị điều tra từ đầu năm 2012 vì “các vấn đề kinh tế” - cụm từ hàm ý tham nhũng. Một tháng sau đó, tên Cốc Tuấn San bị xóa khỏi trang web của Tổng cục Hậu cần.
Cũng trong năm 2012, Caixin đưa tin, các cán bộ điều tra chống tham nhũng của quân đội đã lục soát nhà ông Cốc ở Bộc Dương. Đội cán bộ kỷ luật của quân đội từ Bắc Kinh xuống Bộc Dương cách đây hai năm và trú trong một khách sạn quân đội. Không lâu sau đó, những tin đồn về vụ điều tra ông Cốc bắt đầu bung ra.
Sở hữu hàng chục căn hộ
Ông Cốc sở hữu hàng chục bất động sản, mỗi cơ ngơi có diện tích khoảng 200m2 gần nội đô Bắc Kinh. Ông Cốc được cho là đã khai sẽ dùng những căn hộ này làm “quà biếu”.
Trong khi đó, tại thành phố Thượng Hải, một khu bất động sản thuộc quân đội được bán với giá hơn 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.000 tỷ đồng), và 6% số tiền này chảy vào túi ông Cốc, theo Caixin.
Với quyền quản lý giá bất động sản quân đội, cựu quan chức này đã dùng tài sản quân đội để tậu tài sản cho riêng mình. Không chỉ thế, ông Cốc còn thuê người viết bịa ra những công lao của bố mình trong thời kỳ cách mạng, để bản thân được hưởng lợi từ danh tiếng đó. Vị cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần còn xây một “nghĩa trang cách mạng” cho bố mình ở Bộc Dương.
Caixin cũng đăng tin anh trai của ông Cốc là ông Gu Xiajun bị bắt hồi tháng 8/2013. Anh rể của ông Gu Xiajun, ông Zhang Tao, bị cảnh sát truy nã hồi tháng 3 năm ngoái và sau đó ra đầu thu.
Ngày 15/1, trưởng làng Nanlian ở thành phố tại thành phố Thâm Quyến phải hầu tòa vì bị cáo buộc nhận hối lộ 56 triệu nhân dân tệ (khoảng 195 tỷ đồng) và dùng để mua ít nhất 64 ngôi nhà, báo Trung Quốc West China Metropolis Daily đưa tin.