Khám bệnh vượt tuyến vì y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên giải trình ngày 7/8. Ảnh: LD.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên giải trình ngày 7/8. Ảnh: LD.
TP - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cũng vì chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại một số cơ sở nên bệnh nhân thường vượt tuyến, gây quá tải.

Bệnh nhân viêm họng bị giữ lại 2-3 ngày

Ngày 7/8, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở. Liên quan đến vấn đề đầu tư, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thành tựu lớn nhất trong thời gian qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong các nước có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh. Cùng với đó, chất lượng khám chữa bệnh cơ sở đã có sự đổi mới, đặc biệt bệnh viện tuyến huyện đã có thay đổi lớn về chất lượng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vì chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại một số bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã nên thường vượt tuyến không cần thiết, gây quá tải ở tuyến trên và lãng phí xã hội. Do chưa làm tốt công tác chăm sóc ban đầu nên nhiều người dân còn chưa quan tâm nhiều đến dự phòng, nâng cao sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Cũng tại phiên giải trình, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở có tính chất quyết định đến chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên theo bà Minh, cũng không nên nóng vội, bởi nhân lực không thể ngày một ngày hai mà có sự thay đổi mạnh mẽ được. Khắc phục điều này, bà Minh đồng tình với giải pháp trước mắt là đưa nguồn nhân lực từ tuyến tỉnh xuống huyện, và từ tuyến huyện xuống xã.

Bên cạnh đó, bà Minh cũng phản ánh tình trạng kéo dài ngày nằm viện để tăng số tiền thanh toán bảo hiểm. Tại một số bệnh viện có tình trạng kéo dài ngày điều trị như đối với bệnh nhân phẫu thuật Phaco 5 - 7 ngày, đẻ thường 5 - 6 ngày. Thậm chí, bệnh nhân viêm họng bình thường cũng bị giữ lại ở cơ sở 2 - 3 ngày. Bên cạnh đó, với quy định thông tuyến và điều kiện giao thông thuận tiện như hiện nay, người bệnh BHYT thường lựa chọn khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã. Ðặc biệt là tình trạng chuyển đổi bệnh nhân từ huyện này sang huyện khác trên cùng địa bàn để được thanh toán theo trần, không phải theo quỹ khám chữa bệnh.

Ðề cập đến chất lượng y tế cơ sở, GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đặt câu hỏi: Chúng ta có quan tâm đến y tế cơ sở không? Ông khẳng định là “có”. Tuy nhiên, theo GS. Hùng, mặc dù chúng ta bỏ khá nhiều tiền của, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa bền vững, chưa thấy những chuyển biến rõ nét và tích cực trong thực tế.

Bên cạnh đó, GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng cũng nhìn nhận, y tế cơ sở còn lúng túng, có phần lộn xộn, việc chăm sóc ban đầu chưa được xác định rõ ràng. Mạng lưới y tế cơ sở về tổ chức biên chế cũng thiếu ổn định, luôn thay đổi. Trước thực trạng trên, GS. Hùng cho rằng, phải gắn kết chặt chẽ y tế cơ sở với xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với Bộ Y tế, cần phải nói rõ nội dung hoạt động của y tế cơ sở là gì, đó phải là chăm sóc sức khỏe ban đầu.

“Mơ ước y học gia đình sẽ rộng khắp”

Trước nhiều tồn tại về y tế cơ sở, tuy nhiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên tỏ ra ngạc nhiên, vì chưa thấy bộ, ngành nào đứng ra nhận trách nhiệm. Theo ông Tiên, một thành tích rất đáng tự hào là hơn 10 năm qua, y tế cơ sở đã được đầu tư với nguồn tiền rất lớn mà trong lịch sử chưa bao giờ có. Tuy nhiên, khi các tỉnh áp dụng cơ chế tự chủ, bên cạnh nhiều bệnh viện phát huy hiệu quả, cũng có nhiều bệnh viện gặp khó khăn, rồi sinh ra lạm dụng.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng dịch vụ y tế cơ sở cho lãnh đạo ngành y tế. Ðại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho rằng, năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu từ cơ sở chưa tốt, năng lực nhân viên y tế còn yếu kém, chưa sẵn sàng đáp ứng các dịch vụ khám chữa bệnh. Vậy Bộ Y tế có giải pháp gì về việc này? Giải pháp nào để đạt mục tiêu đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018 - 2020? Nêu thực trạng trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu, đại biểu Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chất vấn bộ trưởng giải pháp về nguồn lực đầu tư ra sao? Nhiều nơi có tỷ lệ hộ nghèo tới 50%, vậy giải pháp của bộ trưởng như thế nào cho nhóm vấn đề này?

Giải trình các băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vấn đề trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan quản lý ngành và các bộ, ngành liên quan, như các Bộ KH&ÐT, Tài chính, BHXH và chính quyền địa phương. Bà Tiến cũng thừa nhận chưa có quan điểm nhất quán, quyết liệt để ưu tiên cho y tế cơ sở. Hơn 10 năm qua mới chỉ đầu tư cho tuyến huyện, địa phương có phát triển y tế, quan tâm đến an sinh xã hội, nhưng ngân sách còn hạn hẹp, thậm chí ngân sách đầu tư cho y tế cơ sở có giai đoạn khủng hoảng, có trạm y tế xã gần như bỏ không.

Theo Bộ trưởng Tiến, tới đây sẽ phấn đấu tại các trạm y tế xã phải có bác sĩ chuyên môn giỏi. Trên cơ sở đó, hàng tuần sẽ có bác sĩ tuyến trên xuống trạm y tế xã, để người dân tin tưởng hơn với các dịch vụ khám chữa bệnh. Về cơ sở vật chất, các trạm y tế nằm trong xã điểm thuộc dự án có nguồn vốn ODA sẽ được nâng cấp toàn bộ, từ bàn ghế khám đến giường chờ, phòng chờ.

Ðặc biệt, những nơi có điều kiện thì có thể làm siêu âm, đảm bảo như phòng khám gia đình theo mô hình quốc tế. Theo Bộ trưởng Tiến, vấn đề này sẽ được đầu tư ra tấm ra món. “Việt Nam có lợi thế mạng y tế rộng khắp. Chúng tôi mơ ước trong 10 năm nữa mô hình y học gia đình sẽ rộng khắp”, Bộ trưởng Y tế bày tỏ.

Ðề cập đến chất lượng y tế cơ sở, GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đặt câu hỏi: Chúng ta có quan tâm đến y tế cơ sở không? Ông khẳng định là “có”. Tuy nhiên, theo GS. Hùng, mặc dù chúng ta bỏ khá nhiều tiền của, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa bền vững, chưa thấy những chuyển biến rõ nét và tích cực trong thực tế.
Hiện nay Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2020, nhưng theo lộ trình điều chỉnh giá khám chữa bệnh BHYT thì cần phải nghiên cứu, đề xuất mức đóng từ sớm để đưa vào kế hoạch tài chính năm 2019 - 2020. Bộ Y tế đề nghị xem xét điều chỉnh mức đóng BHYT (Luật quy định tối đa 6%, hiện nay đóng 4,5% lương) từ 2019 hoặc 2020.
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.