Khai thác nước để kinh doanh sẽ phải nộp tiền

Khai thác nước để kinh doanh sẽ phải nộp tiền
Hôm qua (4-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi, sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp QH tới.

> Dự kiến Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam tại kỳ họp tới
> Mực nước ngầm ở các thành phố lớn tiếp tục suy giảm
> Cần có Hội đồng Quốc gia tài nguyên nước

Luật tài nguyên nước (TNN) được QH khóa X thông qua năm 1998, qua 12 năm thực hiện bộc lộ một số hạn chế, bất cập và nhiều vấn đề mới phát sinh… UB Kinh tế của QH, cơ quan thẩm tra dự luật cho rằng, bên cạnh qui định về quản lý, khai thác, bảo vệ, sử dụng TNN, luật cần điều chỉnh cả vấn đề phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Việc này cần gắn kết chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất, đa mục tiêu, khai thác mặt lợi phải kết hợp phòng ngừa mặt hại. Cần điều chỉnh đối với nước biển ven bờ, vì đây là vùng nước liên quan chặt chẽ, có tác động đến nguồn nước trên đất liền.

Tán thành quy định về thu tiền cấp quyền khai thác TNN nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước, UB Kinh tế cho rằng: Cần qui định cụ thể các trường hợp, đối tượng phải nộp tiền, không phải nộp tiền khi khai thác TNN (nhất là nước phục vụ nhu cầu dân sinh) để có tính khả thi.

“Nên qui định theo nguyên tắc, khai thác nước dưới đất hoặc nước mặt ở những nơi khan hiếm nước để kinh doanh thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN”- Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Theo ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc trong các điều cấm phải bổ sung qui định về cấm chuyển đổi hướng dòng chảy tự nhiên của nguồn nước. Bởi điều này không chỉ phù hợp luật pháp quốc tế mà còn có tính thời sự, chẳng hạn như đối với vấn đề sông Mê Kông hiện nay.

Một số ý kiến cho rằng, luật cần qui định về quan hệ hợp tác quốc tế để có thể giải quyết được những vấn để phát sinh như quản lý, sử dụng nguồn nước liên quốc gia. “Sông Mê Kông mấy năm nay có rất nhiều vấn đề đặt ra. Phải qui định rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc xử lý những vấn đề phát sinh đối với các nguồn nước liên quốc gia”- Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai kiến nghị.

Cùng ngày UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đo lường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG