'Khai quật' vỉa hè để giám định chất lượng
Hai tháng sau khi thi công, một đoạn vỉa hè đường Hoàng Sa (Q.1, TP.HCM) đã bị khoan lấy mẫu để giám định chất lượng bêtông.
Khoan thẩm định chất lượng bêtông vỉa hè đường Hoàng Sa. Ảnh: M.Trường |
Đầu tháng 6-2012, một công nhân thi công công trình cải tạo mặt đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã gửi đơn kiến nghị đến UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP phản ảnh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dầu khí IDICO-CONAC - đơn vị thi công gói thầu N2 - đã ăn xén vật tư xây dựng công trình cải tạo mặt đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Người trong cuộc tố cáo
Ông Lê Ngọc Huệ cho biết vì không làm theo chỉ đạo cắt xén vật tư nên ông bị cho nghỉ việc. Trong khi đó, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 lại khẳng định ông Huệ bị cho nghỉ việc vì vi phạm quy trình lao động. |
Theo đơn của ông Lê Ngọc Huệ - công nhân gửi đơn, khoảng giữa tháng 4-2012, ông Huệ có nhận đổ bêtông bó vỉa, xây triền lề và lát gạch vỉa hè đường Hoàng Sa đoạn từ cầu Kiệu đến cầu Trần Khánh Dư (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM).
Khi bắt đầu thi công, ông Khoa - đại diện kỹ thuật nhà thầu thi công gói thầu N2 - hướng dẫn đổ bêtông lót đúng mác, đúng quy định.
Cụ thể là một mẻ bêtông gồm 1 bao ximăng + 4 thùng cát + 6 thùng đá. Thế nhưng, từ ba tuần cuối tháng 5-2012, ông Khoa lại hướng dẫn: 1/2 bao ximăng + 5 thùng cát + 7 thùng đá nhưng trộn với cát san lấp nền chứ không phải là cát xây dựng.
Như vậy, đơn vị thi công đã “rút ruột” mỗi mẻ bêtông là nửa bao ximăng và hưởng chênh lệch giá cát khoảng 60.000 đồng/m3 cát (giá cát xây dựng khoảng 160.000 đồng/m3, cát san lấp nền 100.000 đồng/m3).
Ngày 7-6, có mặt ở đường Hoàng Sa (Q.1), chúng tôi chứng kiến Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam kiểm định lại chất lượng bêtông lót vỉa hè trên đường này do Công ty IDICO-CONAC thuê.
Là người trực tiếp thi công lót bêtông vỉa hè nên ông Huệ đưa tay chỉ ngay 10 điểm đoạn vỉa hè dài 700m đã được nhóm công nhân của ông thi công không đạt chất lượng.
Đoàn kiểm tra đưa máy khoan lấy mẫu bêtông vỉa hè trước số nhà 212/127 Nguyễn Văn Nguyễn (nay là đường Hoàng Sa, P.Tân Định).
Trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ thuộc đoàn kiểm tra và người dân, ông Huệ dùng tay bóp vụn cục bêtông vừa mới được khoan lên.
Ông Huệ nói: “Bêtông đổ được gần hai tháng, nếu có chất lượng thì không dễ bóp vỡ vụn như vậy”.
Khi mũi khoan khoan sâu 5cm xuống lớp bêtông, bột bêtông bay lên có màu bạc.
Theo ông Huệ, nếu xây dựng đúng mác 150 thì khi khoan lên bột sẽ có màu xanh nhạt chứ không phải màu bạc như vậy.
“Đẻ” ra việc để ăn bớt
Công trình cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa (hai đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) giai đoạn 2 thi công đoạn từ cầu Lê Văn Sĩ (Q.3) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.BìnhThạnh) có tổng chiều dài 10km với tổng vốn đầu tư 407,5 tỉ đồng. Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - TP.HCM làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành ngày 2-9-2012. |
Giãi bày về đơn phản ảnh của ông Lê Ngọc Huệ, ông Đỗ Văn Cường - phó phòng kế hoạch kỹ thuật IDICO-CONAC, chỉ huy trưởng công trình gói thầu N2 - cho biết đơn vị đã thuê Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam, một đơn vị độc lập, đến thẩm định, đánh giá chất lượng công trình có đạt tiêu chuẩn hay không.
Ông Cường khẳng định công trình được thi công đúng hồ sơ thiết kế và tuyệt đối không sử dụng cát san lấp để đổ bêtông lót nền vỉa hè.
Ông Phạm Sanh - một chuyên gia về các công trình giao thông ở TP - cho rằng việc xác định công trình có đảm bảo chất lượng hay không thì chỉ có Sở Xây dựng tổ chức giám định mới mang tính độc lập và khách quan.
Theo ông Sanh, việc rút ruột ximăng trong lớp bêtông lót vỉa hè không ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ công trình mà thể hiện ở sự tiêu cực và lãng phí. Bởi vì ở các nước, người ta chỉ cần trải lớp cát làm lớp đệm để lát gạch vỉa hè, còn ở VN “đẻ” ra việc làm lớp bêtông lót vỉa hè để lát gạch vừa gây lãng phí và là điều kiện để nhà thầu ăn bớt ximăng, đang là một thực tế diễn ra ở nhiều công trình.
Theo Mậu Trường – Ngọc Ẩn
Tuổi Trẻ