Họa sĩ Nguyễn Văn Chung, sinh năm 1936 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1969 và được giữ lại làm giảng viên tại trường.
Nổi tiếng là họa sĩ có nghệ thuật vẽ lụa truyền thống điêu luyện và sang trọng, ông cũng có thời gian vào tuyến lửa Quảng Bình - Quảng Trị, để cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị: Bà mẹ Gio Linh, Làm việc dưới hầm, Dưới cồn cát, O Thúy Hồng.
Ông có nhiều tác phẩm nằm trong sưu tập tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng các dân tộc Phương Đông (Nga), Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương (Ba Lan) như: Trăng trên cồn cát, Trong lán dân quân, Khâu nón, Trăng về sáng. Họa sĩ Đào Thành Dzuy (con rể), sinh năm 1959, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Slovakia, là họa sĩ được đào tạo bài bản về hội họa sơn dầu, từng tham gia nhiều triển lãm trong, ngoài nước từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1974, con trai của họa sĩ Nguyễn Văn Chung, là họa sĩ trình bày tại báo Tiền Phong.
Triển lãm tranh 36-59-74 diễn ra từ 17 đến 21/10, cơ hội để công chúng yêu hội họa thưởng thức thành quả lao động tuyệt vời của nghệ sĩ, họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Văn Chung và các con
của ông.