Đổi mới căn bản phương thức kê khai tài sản
Liên quan đến Luật Phòng chống tham nhũng, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc xây dựng luật này nhằm khắc phục những bất cập của Luật 2005, được sửa đổi năm 2007 và 2012; đảm bảo đồng bộ với các quy định có liên quan trong các đạo luật quan trọng khác mới được Quốc hội thông qua như Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự và từng bước nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, theo ông Thanh, đây là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với luật hiện hành. Luật đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi.
Cùng với đó là quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu tài sản, thu nhập. Qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.
Theo ông Thanh, luật cũng đã bổ sung căn cứ xác minh theo kế hoạch và xác minh tài sản, thu nhập hằm năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản thu nhập; trình tự xác minh tài sản thu nhập, và xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.
Về trách nhiệm người đứng đầu, ông Thanh cho biết, Luật năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, quy định nội dung, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; quy định trách nhiệm người đứng đầu trong áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; quy định xử lý trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Phòng chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước
Điểm mới khác trong luật này là quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại chương 6. Theo ông Thanh, so với luật hiện hành, đây là chương mới, nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.
“Luật này quy định trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng”, ông Thanh cho hay.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định việc áp dụng Luật Phòng chống tham nhũng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân hoạt động từ thiện.
Tại điều 80, quy định các doanh nghiệp, tổ chức này phải áp dụng các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; quy định về thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tại điều 81.