Bất cập trong quản lý tài sản cán bộ
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) viện dẫn báo cáo với 5 vụ án điển hình thi hành án trong năm qua gồm: Vụ Dương Trí Dũng, Giang Kim Đạt, Hà Văn Thắm, Hoàng Huyền Như và vụ Phạm Công Danh. Tổng số tiền thi hành án trên 16 nghìn tỷ đồng, nhưng mới thi hành được hơn 5 nghìn tỷ đồng. Theo ông Xuyền, nếu trừ vụ Phạm Công Danh có số thi hành cao đạt trên 5 nghìn tỷ đồng cho giải chấp 124 sổ tiết kiệm, còn lại 4 vụ án nói trên thì số tiền thu hồi cũng mới chỉ đạt 2%.
Từ thực tế trên, đại biểu cho rằng, công tác quản lý tài sản của cán bộ, công chức cũng như của công dân nói chung, nhất là về bất động sản nhà, đất còn nhiều bất cập. Khắc phục điều này, theo ông Xuyền, cần ban hành Luật Thuế về tài sản, làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ bất động sản, nhà đất.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng không phải ai có chức, có quyền cũng tham nhũng, nên chức quyền dù to hay nhỏ, cao hay thấp chỉ là điều kiện, còn lương tâm, phẩm chất đạo đức con người là quyết định. “Muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức con người cán bộ là quan trọng hàng đầu. Làm nhiều luật, sửa nhiều luật cũng chỉ góp phần ngăn chặn hành động tham nhũng, nhưng người tham thì họ tìm đủ mọi cách” - ông Sơn nói.
Đồng ý pháp luật công bằng cho tất cả mọi người, nhưng theo ông Sơn, người biết luật, người cầm cân nảy mực, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn. Ông cũng nhắc đến lời ca thán của các cử tri khi nói muốn xin vào làm việc chỗ này, chỗ kia, lên chức này, chức kia, được việc này, việc khác cho nhanh đều có "giá" cả. Giá đó không mặc cả, không cò kè thêm bớt. Không ưng thì có người khác sẵn sàng thay thế. Ông Sơn cho rằng, đây là thách thức lớn trong công tác PCTN hiện nay.
Có lòng tin sẽ có tất cả
Nêu ý kiến về đánh giá của Ủy ban Tư pháp, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, KTNN đã có những đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, việc ngăn chặn những sơ hở trong chính sách từ BT, BOT, về đất đai, cổ phần hóa, đề nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước dừng chuyện không cổ phần hóa các cảng biển và sân bay.
Cũng theo ông Hồ Đức Phớc, trong 10 tháng của năm 2018, KTNN đã cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước 103 thông báo kiểm toán, như vụ đất 246 của Sabeco, vụ BHXH vừa khởi tố, hay vụ ụ nổi của Vinalines trước đây cũng từ kiểm toán phát triển ra. Mong muốn được đánh giá công bằng, ông Phớc nhấn mạnh, sắp tới sẽ tăng cường chuyển cho các cơ quan điều tra khi phát hiện được dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Khi người dân đã phấn khởi, tin tưởng thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta sẽ lan tỏa sâu rộng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân”. ông Nguyễn Thái Học
Phó Ban nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu, tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo có nêu một câu hỏi băn khoăn, lo lắng của cử tri. Cử tri cho rằng với tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng cao như hiện nay thì sắp tới có lắng xuống không?
“Các đồng chí trong Ban chỉ đạo đều khẳng định một tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới rất “rực lửa” và tinh thần này vẫn còn duy trì.
Tôi cho rằng, khi người dân đã phấn khởi, tin tưởng thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta sẽ lan tỏa sâu rộng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Khi người dân có lòng tin thì chúng ta sẽ có tất cả”, ông Học cho hay.