Khắc phục ngay tình trạng né tránh, nể nang, đùn đẩy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 16/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) để thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm 2023 và nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay; xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm và thời gian tới.

Kịp thời, nhịp nhàng hơn nữa

Tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, hoạt động của Ban Chỉ đạo tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và phương thức, ngày càng nền nếp, bài bản, càng làm càng có nhiều kinh nghiệm, hiệu quả, uy tín ngày càng cao. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, đạt nhiều kết quả toàn diện, có bước đột phá mới cả ở Trung ương và địa phương. “Từ những thực tiễn hàng chục năm, có thể xây dựng một lý luận về chủ trương, đường lối, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho các thế hệ sau”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, công tác PCTN, TC phải luôn luôn tổng kết, rút kinh nghiệm, tinh thần là làm kịp thời, quyết liệt, nhịp nhàng hơn nữa; kiên quyết, kiên trì, không nể nang, không chịu bất cứ sức ép nào. Các cơ quan chức năng làm công tác PCTN, TC phải xây dựng những chính sách, thể chế, cơ chế chặt chẽ, thiết thực và có sự phối hợp ăn khớp. Trước hết, thành viên Ban Chỉ đạo gương mẫu đi đầu, giữ mình trong sạch.

Khắc phục ngay tình trạng né tránh, nể nang, đùn đẩy ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, các cơ quan chức năng làm công tác PCTN, TC phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng thêm một số quy chế cần thiết khắc phục ngay tình trạng né tránh, nể nang, đùn đẩy. Ban Chỉ đạo chỉ đạo về mặt đường lối, tư tưởng, phương pháp, cách làm, chứ không làm thay các cơ quan bên dưới.

Ban Chỉ đạo đề nghị khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã được chỉ ra qua rà soát và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất; hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản và các dự án luật khác liên quan đến PCTN, TC; khẩn trương ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030.

Đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý

Tại cuộc họp báo chiều 16/8, Phó Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Con số này tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII.

Theo ông, điểm mới trong nhiệm kỳ này là thực hiện chủ trương của Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách. Trên cơ sở đó, khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Từ nay đến hết năm 2023 phấn đấu kết thúc điều tra 7 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 11 vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Nhất là tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố xét xử các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC, giai đoạn II vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

Đến nay, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó, có 2 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 4 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 5 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 7 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 2 trợ lý phó thủ tướng Chính phủ và 9 sĩ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang.

Đặc biệt, theo ông Dũng, vừa qua chúng ta đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn, mở đường xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở các vụ án khác. Đây là cơ sở dẫn độ tội phạm và tới đây sẽ nghiên cứu ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về xét xử đối tượng bỏ trốn. “Đây là điểm mới, nổi bật trong phòng, chống tham nhũng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi liên quan đến vụ án AIC và những đối tượng đang bỏ trốn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên khẳng định quyết tâm của Ban Chỉ đạo, các cơ quan bảo vệ pháp luật là rất cao, quyết liệt. Đồng thời, đã thống nhất chủ trương không chỉ trường hợp này, mà tất cả các trường hợp trốn đều quyết tâm truy bắt.

Ông Yên lý giải, khi chỉ là đối tượng truy nã thôi, chưa có bản án thì rất khó khăn trong hợp tác tư pháp quốc tế. Nhưng khi đã là tội phạm, vì bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật, nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế thì “thế giới này không nước nào dung tha”. Theo ông, không chỉ lực lượng điều tra của công an mà các cơ quan khác đều có sự phối hợp trong việc truy bắt các đối tượng này. “Chúng ta sẽ cố gắng, quyết tâm và chúng tôi tin rằng sẽ có kết quả”, ông Yên nói.

MỚI - NÓNG