Kêu gọi đầu tư PPP, vì sao chỉ thu hút BOT giao thông?

Bất cập về BOT giao thông được nhiều đại biểu nêu ra khi đề cập đến dự án công tư
Bất cập về BOT giao thông được nhiều đại biểu nêu ra khi đề cập đến dự án công tư
TPO - “Tại sao thu hút BOT chủ yếu là giao thông, còn lĩnh vực khác thì không thu hút được? Có thể do ta quản lý kém nhưng có lý do nào khác nữa không?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu băn khoăn khi cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 24/3.

Đồng tình chia sẻ rủi ro khi làm các dự án công tư, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải xác định rõ mức độ nào thì Nhà nước mới hỗ trợ doanh nghiệp. Ông lưu ý, nếu Nhà nước chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp giảm doanh thu thì nguy hiểm, thậm chí không cẩn thận Nhà nước lại trở thành “con nợ”.

Ông Hiển đề nghị Nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp lỗ, mất vốn, còn giảm doanh thu thì chỉ coi là rủi ro đầu tư, doanh nghiệp phải chấp nhận.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, Nhà nước không nên “bao sân” quá nhiều. Doanh nghiệp đầu tư phải tính toán, có trách nhiệm. Điều này những nhà đầu tư lớn, tính toán dài hạn, họ đã lường trước rồi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư bị giảm doanh thu lại được chia sẻ rủi ro thì không ổn. Trên cơ sở đó, bà đề nghị xác định rõ các căn cứ hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, công trình tạm khi triển khai các dự án.

Quản lý yếu kém, hay còn lý do nào khác?

Một vấn đề khác được nêu ra là lĩnh vực đầu tư, dự thảo đưa ra 6 lĩnh vực gồm: Giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; trụ sở cơ quan Nhà nước; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, trường hợp phát sinh dự án ngoài các lĩnh vực nêu trên thì báo cáo Thủ tướng quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn, không hiểu căn cứ nào để lựa chon 6 lĩnh vực như vậy. Quy định như dự thảo là quá rộng và điều quan trọng khác là dựa vào căn cứ nào để lựa chọn. Mặt khác ở đây lại có yếu tố ngoại lệ, căn cứ vào đâu để xác định dự án đó khả thi hơn khi đầu tư công?

“Trước đây tôi hỏi, tại sao thu hút BOT chủ yếu là giao thông, còn lĩnh vực khác thì không thu hút được? Có thể do ta quản lý kém nhưng có lý do nào khác nữa không? Câu chuyện lời lãi rất nhiều, Nhà nước bị đưa vào tình thế rất khó xử. Nhà đầu tư cũng kêu mà người dân hưởng thụ cũng kêu, nên cần phải đánh giá kỹ. Nước ngoài có đi theo hướng nửa công, nửa tư không? Sự ưu việt, hấp dẫn của nó là cái gì?”, bà Nga nêu.

Về việc này, ông Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn, nếu quy định lĩnh vực rộng như thế này dễ đi theo hướng ngân sách tham gia nhiều. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đầu tư trụ sở cơ quan Nhà nước, nếu cũng làm theo hình thức đối tác công tư thì sẽ quá rộng.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.