BS Trương Hữu Khanh nói về tình trạng anti vaccine diễn ra trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1- người có hơn 30 năm làm trong lĩnh vực dự phòng và điều trị các bệnh lây nhiễm khẳng định: “Đó là sai lầm chết người. Những ai cố tình anti vaccine là có tội với cả một thế hệ”.
Sai lầm nghiêm trọng
Gần đây, một số bà mẹ bỉm sữa tự nhận từng làm việc và học tập tại Mỹ chia sẻ việc cần hạn chế tiêm vaccine cho con để hệ miễn dịch của trẻ tự hoạt động. Còn có đồn thổi rằng chích vaccine nhiều gây nguy cơ con bị tự kỷ.
Đỉnh điểm là khoảng một tháng nay, khi dịch viêm não Nhật Bản tăng cao, bên cạnh những lo lắng của các bậc phụ huynh về tình trạng quá tải giường bệnh, trẻ phải sống đời sống thực vật, động kinh, thậm chí tử vong mà đa phần do sự thiếu hiểu biết, không tiêm ngừa cho trẻ…đã xuất hiện những luồng thông tin cho rằng, nguyên nhân chính là do tiêm vaccine nên không ít trẻ gặp biến chứng.
Theo BS Khanh "Những ai cố tình anti vaccine là có tội với cả một thế hệ”
Theo BS Trương Hữu Khanh, nguồn gốc của nhóm người này xuất phát từ một vài người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn. Trong gia đình hoặc con của những người này có một khiếm khuyết nào đó. Thông thường những khiếm khuyết đó mang tính bẩm sinh nhưng đa số cha mẹ nghe tới bẩm sinh lại nghĩ tại cha mẹ. Do đó những người cha mẹ này đã tìm cách để đổ thừa, và cái mà trẻ tiếp xúc nhiều nhất chính là vaccine nên họ đổ thừa cho… vaccine.
“Mới đây, tôi tìm hiểu thông tin trên mạng về một trường hợp anti vaccine rất cực đoan thì được biết, người này có 2 người con bị câm. Những người anti vaccine một cách cực đoan, tôi chắc chắn trong gia đình những người này có vấn đề” – BS Khanh chia sẻ.
BS Khanh cho rằng, những người anti vaccine thường lùng sục các thông tin nghi ngờ về đặc tính, những tác dụng không mong muốn của vaccine trên các báo chí để tung lên mạng nhằm tạo hiệu ứng theo ý của họ.
Trong lịch sử cũng đã từng có thông tin làm rúng động những người làm công tác sản xuất và tiêm vaccine. Thông tin này được một tác giả viết, đăng trên một tờ báo lớn ở nước ngoài cho rằng, tiêm vaccine sởi – rubella gây cho trẻ bệnh tự kỷ. Sau đó, chính tác giả viết bài báo đó đã phải rút lại vì đăng sai số liệu.
Những anti vaccine đã lôi kéo thêm một số thành phần khác, nhất là những phụ huynh có con tiêm vaccine bị sốt nhiều, đau nhiều hình thành nên nhóm người anti vaccine. Sự xuất hiện những người này là rất nguy hiểm, họ sẽ làm dao động một số người còn đang lăn tăn, hoài nghi về vắc xin phải bỏ tiêm vaccine.
Việc bỏ tiêm vaccine đã gây ra một thảm dọa về dịch bệnh. Điều này đã chứng minh ở Việt Nam bằng trận “đại dịch” sởi diễn ra vào năm 2014, nguyên nhân chính là do người dân dao động về vaccine này nên không chịu đưa trẻ đi tiêm. Nói không đâu xa, tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có đến 80% các trường hợp mắc bệnh là do chưa tiêm phòng vaccine – BS Khanh dẫn chứng.
“Nếu chúng ta đẩy thông tin anti vaccine mà không điều chỉnh thông tin thì chắc chắn người dân sẽ bỏ tiêm vaccine. Khi bỏ tiêm, người dân sẽ quên luôn, chắc chắn dịch bệnh sẽ quay lại. Nếu cộng đồng anti vaccine đạt đến một mức nào đó sẽ khiến nhiều người dân bỏ tiêm vaccine. Điều này sẽ gây ra một mối đe dọa lớn về dịch bệnh cho xã hội” – BS Khanh cảnh báo.
Hãy là người tiêm vaccine thông minh
Không có chuyện những nước tiên tiến như Mỹ khuyến khích không tiêm vaccine cho trẻ như tin đồn. “Những nước tiên tiến trên thế giới đều bị hiện tượng anti vắc xin nhưng họ biết điều chỉnh. Có những quốc gia tiến tiến quy định rất nghiêm ngặt về việc tiêm vaccine. Nếu trẻ chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ không được đến trường.
Ở Mỹ các trường học khi tiếp nhận trẻ đều bắt phụ huynh phải đưa sổ tiêm vaccine, nếu trường hợp nào tiêm chưa đầy đủ, hoặc chưa tiêm sẽ không cho nhập học. Quan điểm của họ là chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ sẽ mang nguồn bệnh đến trường lây lan cho nhiều trẻ khác, gây nguy hiểm - BS Khanh nói.
Phân tích của bác sĩ Khanh cho thấy, không phải ngẫu nhiên nhà nước bỏ tiền ra để tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho người dân. Nhà nước bỏ tiền ra lo cho dân vì biết rằng, nếu để bệnh đó xảy ra thì sẽ tốn kém nhiều hơn so với bỏ tiền ra để tiêm ngừa vaccine.
BS Khanh cũng khẳng định, hiện tượng anti vaccine chỉ tồn tại khi dịch bệnh hết, hoặc chưa xuất hiện dịch bệnh, còn khi dịch bệnh đang bùng phát chắc chắn sẽ không có hiện tượng anti vaccine.
Cách đây hơn 20 năm, lúc đó ho gà, sốt bại liệt… ở Việt Nam còn rất nhiều, nhưng người anti vaccine này có khuyên người dân không nên bỏ tiêm. Chỉ lúc này, dịch bệnh đang ở mức rất thấp, anti vaccine mới có cơ hội hoạt động. Sau khi anti vaccine hoạt động một thời gian, dịch bệnh quay lại, lúc này người dân mới sợ và quay lại tiêm vaccine. Do đó, điều BS Khanh lo ngại là nếu không hướng truyền thông cho người dân tiêm vaccine thì hàng loạt dịch bệnh sẽ quay lại. Khi dịch bệnh quay lại thì hàng loạt sinh mạng của trẻ sẽ bị trả giá.
Tuy nhiên, người dân cần lưu ý không quá lạm dụng vaccine, tiêm không đúng cách, không cần thiết cũng có thể gây ra tốn kém hoặc không hiệu quả trong miễn dịch.
Hiện nay có một số nhóm lợi ích trong việc sản xuất, tiêu thụ vaccine. Vì muốn tiêu thụ được nên khuyên người dân tiêm này trong khi chưa cần thiết, hoặc không cần tiêm nhắc lại nhưng khuyên phải tiêm nhắc lại.
“Vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không bao giờ dư. Còn vaccine dịch vụ, người dân bỏ tiền ra mua thì phải là người tiêu dùng thông minh, phải chọn thời điểm thích hợp. Không phải thấy vaccine nào ra cũng tiêm hết. Chính những điều này mà người tiêm cảm thấy đau, hoặc không hiệu quả… khiến họ cảm thấy dao động về vaccine” – BS Trương Hữu Khanh giải thích.