Ngày 3-7, liên quan tới vụ việc nhiều y, bác sĩ và người dân tham gia cấp cứu cho các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở xã Đăk Hrinh, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (trong số này có 1 nạn nhân bị nhiễm HIV) nhưng không biết nên đã không thực hiện phòng hộ với HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã có hướng dẫn Sở Y tế tỉnh Kon Tum và các đơn vị y tế chức năng của địa phương tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến ca cấp cứu người nhiễm HIV theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng yêu cầu Sở Y tế Kon Tum tổ chức thăm hỏi, động viên những người dân và các cán bộ y tế đã tích cực, dũng cảm tham gia cấp cứu người bị nạn.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, theo thông tin ban đầu từ Sở Y tế Kom Tum báo cáo cho thấy, trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên có 4 nạn nhân tử vong trong đó có 1 người bị nhiễm HIV và hơn 10 người khác bị thương. Tuy nhiên trong quá trình đưa đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, 17 y bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của người này mà không biết nên đã không thực hiện phòng hộ, nghi ngờ phơi nhiễm với HIV.
Tất cả 24 người gồm 17 y, bác sĩ và 7 người dân nghi phơi nhiễm HIV đều đã được xét nghiệm HIV và cho kết quả âm tính. 24 người này ngay lập tức cũng đã được Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho uống thuốc ARV để điều trị phơi nhiễm. Theo đó tất 24 trường hợp này được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV liên tục trong 28 ngày, sau 3 tháng xét nghiệm lại và sau 6 tháng xét nghiệm lần 2. Đồng thời các trường hợp này cũng được khuyến cáo không được cho máu, quan hệ tình dục an toàn, thực hành tiêm chích an toàn và không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV.
Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị dự phòng HIV đúng quy định với việc sử dụng thuốc kháng ARV ngay trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV. Trong khi đó, Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế chỉ rõ các quy trình xử lý khi bị phơi nhiễm HIV, trong đó việc đầu tiên cần xử lý tại chỗ, rửa ngay vết thương dưới vòi nước; để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch; Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc; Xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm.
Nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính ngay sau khi phơi nhiễm chứng tỏ người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV từ trước, không phải do phơi nhiễm; Tư vấn cho người bị phơi nhiễm; Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ.
Trước đó vào trưa 30-6, tại Km1522 thuộc đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk Hrinh, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, xe khách 16 chỗ mang BKS 82B - 002.45 của nhà xe Vạn Thành lưu thông theo hướng từ huyện Đắk Tô về TP Kon Tum đã đâm vào xe khách mang BKS 82B-002.23 của nhà xe Mạnh Tiến lưu thông hướng ngược lại.
Vụ va chạm giữa 2 xe đã khiến 2 người tử vong tại chỗ, 2 người tử vong sau 1 ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum và hơn 10 người khác bị thương. Trong số 4 nạn nhân tử vong có nạn nhân Trần Thị M. (51 tuổi) đã bị nhiễm HIV trước đó, nhưng khi đưa đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, các y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa huyện Đắk Hà không hay biết nên không chuẩn bị các phương án phòng hộ. Tuy nhiên đáng chú ý, nạn nhân Trần Thị M. nằm trong danh sách điều trị do Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum quản lý và được điều trị ARV thường xuyên nên tải lượng virus HIV trong máu thấp hơn những trường hợp không dùng, khả năng lây nhiễm có thể thấp hơn cho người khác.