Kết quả học tập là thông tin đời tư: Bộ Tư pháp nói Bộ GD&ĐT nên bảo mật

Bộ Tư pháp cho rằng cần thiết phải bảo mật thông tin điểm thi để tránh rủi ro (ảnh giaoduc.net.vn).
Bộ Tư pháp cho rằng cần thiết phải bảo mật thông tin điểm thi để tránh rủi ro (ảnh giaoduc.net.vn).
“Thông tin về kết quả học tập là thông tin về đời sống riêng tư, Theo Luật trẻ em 2016, bảo vệ thông tin này theo nguyên tắc những thông tin cá nhân”.

Trong thời gian qua, ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội các thí sinh có thể lên mạng xem điểm thi vào lớp 10 của mình. Các thí sinh không chỉ xem được điểm của mình mà còn xem được điểm của các bạn bè khác.

Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, kết quả thi của các thi sinh cũng được công khai. Thí sinh truy cập vào hệ thống không chỉ xem được điểm của mình mà còn xem điểm của nhiều thí sinh khác.

Chính vì điều này, dư luận đặt ra liệu việc công khai các thông tin về điểm thi của thí sinh như hiện nay có phạm luật. Có xâm phạm đến quyền nhân thân của trẻ em và trẻ vị thành niên.

Ngày 20/7, tại cuộc họp báo công tác tư pháp Quý II của Bộ Tư Pháp, báo chí đã hỏi Bộ Tư pháp về vấn đề này.

Trả lời cho những thắc mắc trên, ông Nguyễn Hồng Hải Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự Kinh tế, thành viên Tổ biên tập Bộ luật Dân sự 2015 cho biết:

“Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền nhân thân như một nguyên tắc bắt buộc. Bộ luật Dân sự quy định tổng thể, các luật khác quy định cụ thể.

Theo quy định của Luật trẻ em 2016 và các kiến nghị, hướng dẫn của Chính phủ đối với trẻ em dưới 16 tuổi thì thông tin về kết quả học tập là thông tin về đời sống riêng tư.

Theo Luật trẻ em 2016, bảo vệ thông tin này theo nguyên tắc những thông tin cá nhân.

Đối với người ở độ tuổi từ 16 tuổi trở lên hiện chưa có quy định rõ ràng, cụ thể liên quan đến việc bảo mật thông tin về kết quả học tập”.

Về việc này, ông Nguyễn Hồng Hải đưa ra quan điểm: “Báo chí có đề cập việc công bố thông tin về kết quả điểm thi của thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia có vi phạm đến quyền riêng tư hay không?

Rõ ràng, hiện không có quy định nào trong các văn bản pháp luật quy định rõ về vấn đề này, theo quy định hiện nay thì luật không cấm.

Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, việc quy định công khai điểm của thí sinh xét tuyển theo nguyên tắc có web riêng, có mã riêng (ID) mà cá nhân nào muốn biết điểm của mình truy cập theo mã riêng của mình để hạn chế rủi ro thông tin”.

Do đó, ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh: “Theo tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu về vấn đề này để có một web riêng nhằm bảo mật tránh rủi ro về thông tin cho thí sinh”.

Theo Theo Giáo dục Việt Nam
MỚI - NÓNG