Chị Trần Gia Minh Châu - chủ cơ sở Xứ Phan với các đặc sản của Ninh Thuận như nước mắm, hải sản, cho biết, cơ sở mới hoạt động được 1 năm, đang trong quá trình tìm đối tác. “Mấy ngày qua cũng có nhiều siêu thị, cửa hàng đến liên hệ nhưng cuối cùng vẫn chưa thể ký hợp đồng. Lý do là điều khoản thanh toán, giao nhận, nhiều nơi còn yêu cầu mình phải có kho hàng ngay tại TPHCM. Kèm với điều kiện “bán hàng trước, nhận tiền sau”, chị Châu cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quê (Đà Nẵng), bức xúc cho rằng, cần phải bình đẳng mối quan hệ giữa bên mua và bán, chứ không phải là “xin - cho”.
Đại diện nhiều Sở Công thương các tỉnh thành thừa nhận, sau nhiều năm làm “mai mối” cho chương trình vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là trong việc cung ứng hàng hóa vào siêu thị. Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An phản ánh, hàng hóa vào siêu thị phải chôn vốn từ 50-60 ngày trong khi thời hạn thanh toán theo hợp đồng là 30 ngày. Bên cạnh đó, chi phí đưa hàng vào siêu thị cao, chiếm khoảng 20% - 30% giá bán…
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, hiện nay, 22 tỉnh thành phía Nam chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, sản phẩm gần giống nhau nên việc kết nối không thuận lợi. Vì vậy, cần tính toán sản xuất để ưu tiên cung cấp, phân phối các sản phẩm mang tính độc đáo theo thế mạnh của từng địa phương.