Tiếp bài 'Cấp phép đầu tư cho người xây cảng cá lậu': Doanh nghiệp làm ăn chân chính kêu cứu

Cty ông Bình đang kinh doanh ổn định, có đầy đủ hạ tầng, năng lực để đầu tư khu dịch vụ hậu cần nghề cá Mũi Ông.
Cty ông Bình đang kinh doanh ổn định, có đầy đủ hạ tầng, năng lực để đầu tư khu dịch vụ hậu cần nghề cá Mũi Ông.
TP - Việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký cấp phép cho ông Tưởng Văn Thịnh, người từng xây một cảng cá lậu trong khu vực phòng thủ Hòn La, được đầu tư xây dựng cảng cá, đang đe dọa đến cuộc sống hàng trăm lao động của Cty TNHHDV Thủy sản Bình Tâm.

Mới đây, giám đốc Cty này, ông Nguyễn Văn Bình đã phải viết đơn cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và báo Tiền Phong.

Đe dọa cuộc sống của hàng trăm người lao động

Theo đơn của ông Nguyễn Văn Bình: Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Bình giao Trung tâm bán đấu giá, bán cảng cá Hòn La do Nhà nước đầu tư xây dựng cho Cty TNHH Thủ Đô, do kinh doanh không hiệu quả. Nhận thấy nhu cầu người dân rất cần một dịch vụ hậu cần nghề cá, ông Bình đã thuê lại mặt bằng và cầu cảng của Cty Thủ Đô để kinh doanh và phục vụ người dân.

Sau khi ký được hợp đồng, gia đình ông Bình cùng một số hộ dân trong xã Quảng Đông góp vốn thành lập Cty TNHHDV Thủy sản Bình Tâm với số vốn 13 tỷ đồng. Cty Bình Tâm đã đầu tư 4 nhà máy đá có công suất 1.000 khuôn đá/ngày; 12 xe ô tô chuyên chở hàng thủy sản; hệ thống cung cấp miễn phí nước ngọt cho các tàu cá và các thiết bị liên quan phục vụ việc bốc xếp, thu mua và bảo quản thủy hải sản.

Tháng 7/2016, Cty Thủ Đô bán lại cảng cá nói trên cho Cty CPĐT DKC Hòn La và Cty ông Bình vẫn được tiếp tục kinh doanh tại đây theo hợp đồng đã ký.

Sự cố môi trường biển do Formosa gây ra vào đầu tháng 4/2016 khiến Cty của ông Bình lao đao, có nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, nhờ sự đồng lòng, đồng sức, đặc biệt là sự ủng hộ của ngư dân trong vùng mà Cty ông Bình dần vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm hằng ngày cho trên 90 lao động, 35 tiểu thương buôn bán cá và hàng trăm lao động trên các tàu cá.

Đầu tháng 4/2017, sau khi huyện Quảng Trạch thực hiện việc cưỡng chế cảng cá lậu của ông Tưởng Văn Thịnh, nghe tin UBND tỉnh Quảng Bình có chủ trương đầu tư cảng cá tại Hòn La theo hình thức xã hội hóa, ông Bình đã lập hồ sơ gửi cơ quan chức năng xin được đầu tư xây dựng cảng cá với số vốn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 6/9/2017, UBND tỉnh Quảng Bình lại cấp phép cho Cty TNHH TMTH Phước Thịnh, do ông Tưởng Văn Thịnh làm giám đốc, được đầu tư xây dựng cảng cá Mũi Ông.

Theo ông Bình, việc Cty Bình Tâm không được cấp phép xây dựng cảng cá Mũi Ông, đồng nghĩa với việc Cty ông phải đóng cửa sau khi cảng cá Mũi Ông hoàn thành. Toàn bộ dịch vụ hậu cần nghề cá ở Hòn La phải tập trung về Mũi Ông, nơi ông Tưởng Văn Thịnh được cấp phép đầu tư. Mất quyền kinh doanh, vốn liếng hàng chục tỉ đồng bỏ ra không thể duy trì, cuộc sống của hàng trăm lao động sẽ bị đe dọa.

Bị loại một cách khó hiểu

Theo ông Bình, khi hay tin UBND tỉnh Quảng Bình có chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá tại Mũi Ông (Hòn La), ông đã lập hồ sơ gửi các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, lí do mà cơ quan chức năng đưa ra để loại hồ sơ của Cty ông Bình, là do nộp hồ sơ chậm hơn so với ông Thịnh 4 ngày, số tiền ông Thịnh đăng ký đầu tư 45 tỉ đồng, lớn hơn ông Bình 5 tỷ.

Ông Bình cho rằng, việc UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép cho Cty Phước Thịnh đầu tư ở Mũi Ông có dấu hiệu khuất tất. Theo đó, ông Thịnh là người đã xây cảng cá lậu, bất chấp pháp luật, kinh doanh trái phép trong thời gian dài. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng nhiều lần vào cuộc vận động, tuyên truyền, xử phạt hành chính nhưng ông Thịnh không chấp hành. Khi bị báo chí phanh phui, huyện Quảng Trạch tổ chức cưỡng chế, ông Thịnh đã cho người chống đối quyết liệt, đe dọa tính mạng cán bộ thực thi nhiệm vụ.

Trong lúc đó, Cty ông Bình làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước luôn hoàn thành, công tác từ thiện, nhân đạo luôn được quan tâm. Không những thế, sau mấy năm thành lập, cá nhân và Cty của ông Bình luôn được các cấp, các ngành khen thưởng, chưa hề có điều tiếng gì trong làm ăn, kinh doanh.

“Nếu xét về lợi thế, Cty chúng tôi đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng, thuận tiện cho việc đầu tư, nâng cấp khu dịch vụ hậu cần nghề cá Mũi Ông. Sự công bằng, minh bạch trong việc chấp thuận cho ông Tưởng Văn Thịnh được đầu tư ở Mũi Ông nằm ở đâu, liệu có điều gì đó khuất tất?” – đơn ông Bình viết.

Ông Bình cho biết, sau khi ông gửi đơn kêu cứu, UBND tỉnh Quảng Bình có tổ chức một cuộc họp có sự tham gia các cơ quan chức năng và ông Bình. Tại đây, UBND tỉnh yêu cầu ông Bình làm văn bản xin kinh doanh hậu cần nghề cá tại địa điểm đang kinh doanh. Riêng việc cấp phép đầu tư cảng cá Mũi Ông, tỉnh Quảng Bình vẫn giữ nguyên quan điểm cấp cho Cty Phước Thịnh.

MỚI - NÓNG