Ngày 21/7, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum, cho biết nguyên nhân chính thức khiến cá chết hàng loạt ở lòng hồ Plei Krông tại thôn Long Loi, thị trấn Đắk Hà (huyện Đắk Hà, Kon Tum) là do hàm lượng ô xy hòa tan trong nước thấp, cá bị ngạt thở.
Theo Sở TN&MT Kon Tum, nguyên nhân cá chết là do mực nước lòng hồ thủy điện Plei Kông xuống thấp đột ngột. Báo cáo của Công ty thủy điện IaLy, cũng như quan trắc tự động cho thấy từ 1h00 ngày 10/7 đến 1h00 ngày 11/7/2017 mực nước hồ thủy điện Plei Krông giảm 1,43m, từ lúc 1h00 ngày 11/7 đến 1h00 ngày 12/7/2017, mực nước hồ thủy điện Plei Krông giảm 0,52m.
Bên cạnh đó mưa trong các ngày 11, 12/2017 kéo theo lượng bùn, lòng hồ thu hẹp, nước đục dẫn đến lượng ô xy hòa tan trong nước xuống thấp. Tuy nhiên, việc vận hành hồ chứa thủy điện Plei Krông tuân thủ theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên khu vực sông Sê San theo Quyết định 1182/QĐ-TTg ngày 17/7/2014.
Dư luận cho rằng nước thải của nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên – Đắk Hà xả vào hồ Plei Krông cũng là nguyên nhân khiến cá chết. Về nội dung này, Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu nước kiểm tra, cho thấy: nhà máy này thực hiện xả thải đúng vị trí, lưu lượng, quy chuẩn xả theo giấy phép xả thải vào nguồn nước được UBND tỉnh cấp. Thông số môi trường đặc trưng nhất và có độc tính cao trong nước thải của nhà máy là xyanua, kết quả phân tích nồng độ thấp hơn nhiều so với quy chuẩn cho phép.
Để khôi phục sản xuất, Sở NN&PTNT đã đề nghị Uỷ ban nhân dân Huyện Đắk Hà, Chi cục chăn nuôi và thú y, Công ty thủy điện Ia Ly phải sớm xem xét, có phương án hỗ trợ hợp lý cho người dân. Thống kê từ Sở NN&PTNT cho thấy tổng thiệt hại của 8 hộ dân nuôi cá tại lòng hồ Plei Krông là 62,1 tấn, chủ yếu là cá diêu hồng và trắm đỏ.
Trước đó, Tiền Phong đã đưa tin, ngày 13/7, cá nuôi trong lồng bè của người dân trên lòng hồ Plei Krông thuộc địa phận thôn Long Loi, thị trấn Đắk Hà (huyện Đắk Hà) đột nhiên chết nổi trắng mặt hồ không rõ nguyên nhân.