Bệnh nhi H.P.L (3 tuổi, ở TPHCM) được phát hiện đa dị tật từ giai đoạn trước sinh. Sau sinh trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng Pierre Robin - thiểu sản xương hàm dưới 2 bên, lưỡi tụt ra sau, khe hở vòm và gây khó thở. Bệnh lý Pierre Robin khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong chăm sóc trẻ. Điều trị phẫu thuật là biện pháp triệt để nhất nhưng đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao.
Đa phần bệnh nhi Pierre Robin chỉ được xử lý ban đầu bằng các biện pháp không xâm lấn bao gồm đặt trẻ ở tư thế nằm sấp, cho trẻ thở qua đường mũi họng, thở qua mặt nạ, qua nội khí quản, khâu đính môi lưỡi… Các biện pháp này thường tỏ ra kém hiệu quả, buộc thầy thuốc phải mở khí quản để đảm bảo đường thở cho trẻ. Tuy nhiên can thiệp này để lại nhiều di chứng nặng nề và lâu dài nên nhiều gia đình chọn giải pháp giữ con ở nhà và tự mình chăm sóc trẻ.
Ngay từ sơ sinh, gia đình đã phải chăm sóc đặc biệt cho bé vì trẻ luôn trong tình trạng khó thở, nuốt kém, ăn uống bằng sonde dạ dày đến 3 tuổi do vùng hầu họng bị lưỡi đè vào, khuôn mặt bị biến dạng. Bố mẹ trẻ cũng từng đưa con tới khám tại một số bệnh viện nhưng vẫn chưa có giải pháp can thiệp.
Năm 2015, biết thông tin Khoa Sọ mặt và Tạo hình (Bệnh viện Nhi T.Ư) đã mổ thành công cho 3 bệnh nhi sơ sinh mắc hội chứng Pierre Robin kèm tắc nghẽn đường thở, gia đình liên hệ với các bác sĩ tại đây và được hướng dẫn làm các thủ tục, xét nghiệm cần thiết. Theo lịch hội chẩn chuyên gia Mỹ tại Bệnh viện ngày 6/3/2016, gia đình đưa trẻ ra Hà Nội để khám và được tiến hành phẫu thuật ngày 8/3.
Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, Khoa Sọ mặt và Tạo hình cho biết, dự đoán trước những khó khăn đặc biệt trong quá trình đặt nội khí quản gây mê cho trẻ, kíp gây mê hồi sức đã mời chuyên gia nội soi khí phế quản của bệnh viện tham gia cùng. Trong ca mổ kéo dài hơn 3 giờ, các bác sĩ đã tiến hành cắt xương hàm 2 bên và đặt dụng cụ kéo giãn xương MDO cho bệnh nhi. Sau mổ, trẻ được điều trị và chăm sóc đặc biệt.
Khoảng 24 giờ sau mổ bác sĩ bắt đầu tiến hành xoay phương tiện giãn xương. Quá trình kéo giãn xương dự kiến kéo dài 10-12 ngày, mỗi ngày xoay kéo giãn dụng cụ 2 lần, mỗi lần 1mm. Sau 10 ngày điều trị, thể trạng trẻ đã ổn định, xương hàm dưới được kéo ra phía trước 18mm. Trẻ thở dễ dàng hơn, tự ăn uống, hàm vững, hình dạng khuôn mặt đã trở nên cân đối, không còn tình trạng cằm tụt.
Thành công của ca mổ này một lần nữa cho thấy tiềm năng lớn lao của phương pháp phẫu thuật kéo giãn xương hàm điều trị cho các bệnh lý thiểu sản hàm dưới ở trẻ em. Có thể coi đây là một giải pháp thay thế cho phương pháp phẫu thuật thường quy trong quản lý và điều trị tình trạng tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng do thiểu sản xương hàm dưới, ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ của khuôn mặt trên bệnh nhân Pierre Robin sơ sinh.
Được biết, với sự hỗ trợ của GS Jojeph Rosen và đoàn bác sĩ Mỹ, gần 30 bệnh nhi mắc các dị tật tai, mặt, môi… (trong tổng số 112 bệnh nhân được khám sàng lọc) đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư phẫu thuật tạo hình thành công. Phía Mỹ đã cử đến Việt Nam các chuyên gia hàng đầu về tạo hình sọ mặt, vi phẫu, phẫu thuật bàn tay, gây mê hồi sức. Đây là hoạt động thường kỳ của Tổ chức Phẫu thuật tạo hình Mỹ (RICE) nhằm phối hợp cùng một số bệnh viện Việt Nam phẫu thuật cho các em nhỏ bị dị tật phức tạp.
Bác sĩ Thơm cho hay, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã có dịp học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ, tạo hình sọ mặt, vi phẫu bàn tay, từ đó không ngừng tăng cường chất lượng chuyên môn, góp phần mở ra những cơ hội mới cho trẻ em Việt Nam.