Kế toán ngày càng khó xin việc

Kế toán ngày càng khó xin việc
Kế toán - kiểm toán là ngành có nguồn cung nhiều nhất ở TP HCM trong tháng 7 nhưng nhu cầu tuyển dụng rất thấp.

> Nam sinh đua nhau đi học làm vú nuôi

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, kế toán - kiểm toán chiếm gần một nửa trong tổng nguồn cung nhân lực của cả TP HCM tháng 7, tới 42,58%. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lại gần như đứng cuối bảng, chỉ 4,53%.

Cơ quan này nhận xét, nguồn cung cao chủ yếu ở các vị trí như kế toán trưởng, kế toán tổng hợp và lực lượng có kinh nghiệm, trình độ hiện tăng đến 72,78% so với tháng 6. Đây cũng là ngành ghi nhận tình trạng mất cân đối cung cầu lao động nhiều nhất trên địa bàn thành phố trong tháng này. Cuộc cạnh tranh giữa các ứng viên để có được chỗ đứng trong doanh nghiệp càng trở nên khốc liệt hơn.

Đứng thứ 2 về mức độ dồi dào nhân lực là kinh doanh - bán hàng, chiếm 11,56%. Song khả năng tìm việc của người lao động ở lĩnh vực này "dễ thở" hơn hẳn kế toán - kiểm toán khi rất nhiều doanh nghiệp ráo riết tìm người, đưa ngành này dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng tháng 7, với 30,9%.

Gần 50% nguồn cung nhân lực trong tháng 7 ở TP HCM thuộc ngành kế toán, kiểm toán. Ảnh: Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM
Gần 50% nguồn cung nhân lực trong tháng 7 ở TP HCM thuộc ngành kế toán, kiểm toán. Ảnh: Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM.

Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM nhìn nhận, rất nhiều doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng lao động ở các cập bậc như: đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và lao động phổ thông nhưng vẫn chưa tìm đủ số lượng. Trong khi đó, một nguồn lớn sinh viên ra trường chưa có việc, phải làm trái ngành. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp cần nguồn lao động chất lượng cao, có kinh nghiệm - điều mà các sinh viên mới tốt nghiệp còn hạn chế.

Tháng 7 xuất hiện các nhóm ngành nghề kỹ thuật có nhu cầu tìm việc tăng trên 1,5 lần như: kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, điện - điện lạnh - điện công nghiệp, công nghệ thực phẩm, chủ yếu do nguồn sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường.

Dự kiến trong tháng 8, TP HCM cần khoảng 25.000 lao động. Thị trường cần nguồn lao động phổ thông nhiều nhất, chiếm 35%, kế đến là trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề, trung cấp, cao đẳng - đại học - trên đại học.

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông tiếp tục tăng trong các ngành nghề: dệt may - giày da, nhựa bao bì, bán hàng, dịch vụ phục vụ, nhà hàng - khách sạn…

Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chú trọng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn.

Theo Phương Mai
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG