Kê khai nhiều, kiểm soát chẳng bao nhiêu

Cận ảnh tòa biệt phủ Yên Bái của ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh: Nam Trần.
Cận ảnh tòa biệt phủ Yên Bái của ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh: Nam Trần.
TP - “Để chứng minh tài sản đó bất minh hay không rất khó, vì không kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Nếu ở nước ngoài, nói vay của ông A, người ta biết ngay tài sản của ông A. Nhưng ở ta, bảo tôi vay của ông A, nhưng ông A không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập thì làm sao có thể kiểm tra được? Đây là vấn đề rất khó và đang bí”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trò chuyện cùng PV Tiền Phong.

Là một trong những người luôn theo sát quá trình sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, ông kỳ vọng gì sau lần sửa đổi này?

Qua 10 năm thi hành, Luật Phòng chống tham nhũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tuy nhiên, để phòng chống tham nhũng thì một luật không giải quyết được vấn đề. Phải có cả một hệ thống pháp luật thì mới có thể phòng chống được tham nhũng. Ở các luật khác, chúng ta đã quy định cơ chế minh bạch, rõ ràng, chặt chẽ để phòng ngừa tham nhũng trong từng lĩnh vực. Còn Luật Phòng chống tham nhũng chỉ đề ra những cái chung nhất để các luật khác phải tuân thủ, thực hiện.

Có thể lấy ví dụ, trong công tác phòng ngừa tham nhũng, một trong những nội dung quan trọng mà Luật Phòng chống tham nhũng 2005 đề ra là công khai minh bạch trong hoạt động. Nếu mọi thứ công khai, người dân có thể kiểm soát được hành động của tất cả cơ quan nhà nước, qua đó kiểm soát được tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng đã đề ra nguyên tắc đó thì các luật chuyên ngành phải cụ thể hóa, như công khai minh bạch trong đất đai, quy hoạch, xây dựng, tổ chức cán bộ...

Qua thực tiễn tổng kết, nhiều giải pháp đưa ra cơ bản là đúng, nhưng quy định cụ thể và tổ chức thực hiện còn có điểm hạn chế, không phát huy hiệu quả. Mặc dù luật khẳng định nguyên tắc công khai minh bạch, nhưng trên thực tế nhiều cơ quan tổ chức không công khai minh bạch, người ta lạm dụng quy định liên quan đến bí mật để không công khai, hay chỉ công khai ở phạm vi người dân không tiếp cận được, như công khai trong cuộc họp. Chính vì vậy cần phải sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và các luật chuyên ngành.

Kê khai nhiều, kiểm soát chẳng bao nhiêu ảnh 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Trong dự thảo luật sửa đổi lần này, vấn đề kiểm soát tài sản có những giải pháp mới gì để khắc phục được những hạn chế vừa qua?

Chúng ta đã có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, cũng có quy định về kê khai, quy định trong trường hợp nào thì xác minh. Tuy nhiên, quy định kê khai, xác minh còn hình thức, khó thực hiện.

Thứ nhất, với hơn một triệu đối tượng phải kê khai, trong khi đó quy định về xác minh thì chỉ tiến hành xác minh đối với một số trường hợp mà luật quy định cụ thể như có đơn thư, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền. Không phải cứ kê khai là tiến hành xác minh.

Thứ hai, về cơ quan đứng ra xác minh, đang giao cho bộ phận tổ chức cán bộ của mỗi đơn vị thực hiện. Song cơ quan này khó có thẩm quyền xác minh tài sản này của ai. Chẳng hạn như tài sản nhà của anh, thì đó có thể là nhà của bố mẹ, hoặc anh chị em, hoặc nhà chung của nhiều người…làm sao anh có thể đi kê khai tài sản đó của mình? Mặt khác, nghiệp vụ của người kê khai cũng không có, người ta cũng không có thẩm quyền để xác minh vì đó là tài sản của cá nhân. Điều này còn đang rất vướng mắc.

Hơn nữa, chúng ta lại giới hạn đối tượng kê khai, dẫn đến tài sản có thể bị chuyển dịch rất nhiều, khó có thể kiểm soát được. Ví dụ như vụ ông Phạm Sỹ Quý (Yên Bái) kê khai có nhà, biệt thự như thế, rồi vay của người này, người kia. Nhưng để chứng minh tài sản đó bất minh hay không là vấn đề rất khó, vì không kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Nếu ở nước ngoài, nói vay của ông A, người ta biết ngay tài sản của ông A. Nhưng ở ta, bảo tôi vay của ông A, nhưng ông A không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập thì làm sao có thể kiểm tra được? Đây là vấn đề rất khó và đang bí.

Hiện chúng ta đang áp dụng kê khai với đối tượng có hệ số phụ cấp 0,2 trở lên (từ phó phòng cấp huyện trở lên), như vậy là quá lớn. Tới đây có thể mở rộng các cán bộ từ khi được bổ nhiệm vào ngạch công chức phải kê khai. Có ngành có tới hàng chục ngàn người thuộc diện phải kê khai, trong khi tập trung vào một đơn vị kiểm soát, liệu quản lý như thế có rơi vào hình thức không? Đây cũng là điểm mà Ủy ban Tư pháp rất băn khoăn.

Để khắc phục những hạn chế này, dự thảo sửa đổi theo hướng có điều chỉnh lại người phải kê khai bằng cả hai phương án, mở rộng hết mức và thu hẹp hết mức. Tôi cho cả hai phương án đều bất cập, đang từ điểm giữa thế này, lại đi vào cực hết sức rộng, hay một cực hết sức hẹp. Ủy ban Tư pháp thì đề nghị cân nhắc, có thể thu hẹp đối tượng kê khai ở một mức độ nhất định, còn mở rộng thì phải làm từng bước, để làm sao kiểm soát được tài sản, thu nhập.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp dù con cái chưa thành niên, hoặc chỉ vừa mới đi làm đã đứng tên sở hữu những tài sản khổng lồ. Theo ông, việc sửa đổi luật có khắc phục được bất cập này không?

Dự thảo luật đã đưa ra quy định về giải trình tài sản bất minh, tài sản không giải trình nguồn gốc. Với tài sản không giải trình về nguồn gốc có thể là tài sản tăng lên, hay tài sản giảm đi một cách bất thường.

Trong trường hợp không giải trình được thì có thể bị kỷ luật, ví dụ như trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa kê khai sai, không giải trình, báo cáo. Tuy nhiên, đây mới là xử lý về mặt chính trị. Dự thảo luật chưa đưa ra cơ chế xử lý đối với tài sản bất minh. Đây là vấn đề khó vì liên quan đến sở hữu cá nhân. Người ta không giải trình được, nhưng mình cũng không có căn cứ để thu hồi.

Trên thực tế, cũng phải nhìn nhận, thế nào là giải trình không hợp lý? Tôi bảo đi vay của bạn, đó là hợp lý hay không hợp lý? Người này bảo hợp lý, nhưng đối với người khác thì không. Chẳng hạn cá nhân tôi, cả cuộc đời làm công chức, hoàn toàn không liên quan đến quyền và lợi ích, nhưng mình vẫn có thể có được hai căn nhà, cũng do tiết kiệm, rồi được mua dự án của cơ quan. Bảo tiền ở đâu ra, tiền lương bao nhiêu một tháng mà mua được nhà thế này, thế kia thì cũng rất khó. Người ta có nhiều cách để có thể kiếm tiền một cách chân chính, nhưng không phải cái gì cũng lên bảng thuế để nhà nước kiểm soát đâu. Về sau cũng không có cái gì chứng minh tài sản đó là bất minh hay không.

Hiện chúng ta chưa có quy định về việc xử lý tài sản bất minh. Nó khác với tài sản tham nhũng. Nếu là tài sản tham nhũng thì bị tịch thu. Còn đây là tài sản không giải trình được nguồn gốc. Ông bảo đi “buôn chổi đót, nuôi lợn”, có người bảo hợp lý, nhưng người dân sẽ thấy rất phản cảm…

Vấn đề này đã, đang đặt ra và tìm cách giải quyết. Cũng có phương án đề nghị, đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể kiện đòi ra toà. Do tài sản liên quan đến quyền sở hữu của một người nên việc tước quyền sở hữu của một người chỉ có thể bằng một bản án có hiệu lực của pháp luật. Phải ra tòa, rồi tòa người ta ra bản án, quyết định thu hồi. Đây là phương án đề xuất, tuy nhiên vẫn chưa được thiết kế trong dự thảo luật lần này.

Có những quốc gia đã quy định, nếu không giải trình được thì sau một thời gian sẽ có cơ chế thu hồi. Sao chúng ta không áp dụng được điều này?

Như tôi nói, đây là vấn đề phức tạp, liên quan quyền sở hữu cá nhân được Hiến pháp bảo vệ, nên việc tước đoạt quyền sở hữu của bất kỳ ai cũng phải làm rất chặt chẽ. Nếu không làm chặt chẽ thì nó có thể đi từ cực này, đến cực kia, cũng có thể làm oan cho người ta. Vì vậy phải hết sức cân nhắc, tính toán. Đương nhiên kinh nghiệm của nước ngoài cũng phải được nghiên cứu trong quá trình xây dựng luật.

Cảm ơn ông.

Trong trường hợp không giải trình được thì có thể bị kỷ luật, ví dụ như trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa kê khai sai, không giải trình, báo cáo. Tuy nhiên, đây mới là xử lý về mặt chính trị. Dự thảo luật chưa đưa ra cơ chế xử lý đối với tài sản bất minh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư  pháp Nguyễn Mạnh Cường

MỚI - NÓNG