Kể chuyện đời lính bằng thơ

Ông Nguyễn Thiện Sửu (ngoài cùng bên phải) tại Vũng Tàu tháng 9/1975.
Ông Nguyễn Thiện Sửu (ngoài cùng bên phải) tại Vũng Tàu tháng 9/1975.
TPO - Những con dốc dựng đứng, những trận bom tọa độ, những cơn sốt rét rừng, những tình cảm ấm áp của đồng chí, đồng đội, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, nhận thua thiệt về mình… Ký ức về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước được một chiến sỹ tái hiện chân thực bằng những câu thơ mộc mạc, chân chất.

Với 17 chương, 5.736 câu thơ lục bát, ông Nguyễn Thiện Sửu mất hơn bốn năm để “gieo vần” như ông tự nhận khi viết đề dẫn cho tập hồi ký cuộc đời của mình. Ngoài tập thơ, ông Sửu còn viết cuốn hồi ký thứ hai bằng văn xuôi, phần lớn ghi lại những mốc thời gian, sự việc xảy ra từ lúc nhập ngũ, đi B, trực tiếp chiến đấu với nỗi ám ảnh khôn nguôi về sự khốc liệt của cuộc chiến và tinh thần lạc quan của người chiến sỹ. Ông kể: “Tôi nhập ngũ cuối năm 1969, quyết tâm lắm mới được cấp trên cho đi B. Tôi được phiên về tiểu đoàn 46, phòng 2 Quân báo, Bộ tư lệnh B2, Trung ương Cục miền Nam”.

Bốn tháng hành quân gian khổ vượt Trường Sơn, sang nước bạn Lào rồi Campuchia, hứng bom tọa độ B52… đi vào hồi ký thơ của ông:

Bên nắng núi, bên mưa nhiều/Đông Trường Sơn ấy sớm chiều gió mây/Vắt ngang sang mạn phía Tây/Khô cằn sỏi đá, nắng đầy lửa thiêu…

Có đoạn dốc quá phải bò/Rừng khuya trăng lặn tối mò khó đi. Núi cao, cao đến ngút trời/Rừng già che hết khoảng trời xanh cao/Máy bay từng lũ ào ào/Mảnh bom, mảnh đạn rào rào trên cây…

Hết bom đạn lại đến những cơn sốt rét rừng ác tính. Đã có không ít người lính trở về vẫn ám ảnh về những chiếc võng dù nằm im lìm giữa rừng Trường Sơn, bên trong là thi hài chiến sỹ bị sốt rét rừng quật ngã.

Gian truân, khắc nghiệt là thế nhưng  tình đồng đội thấm đẫm: Gian lao mà ấm tình thương/Miếng cơm, hạt muối ta nhường cho nhau. Hồi ký còn thể hiện tinh thần lạc quan của người lính: Mưa bom lúa vẫn xanh đồng/Sông Gianh sóng vỗ mênh mông sớm chiều. Và trên hết vẫn là sự khắc khoải, nỗi nhớ mẹ khôn nguôi: Giờ đây xa mẹ, xa quê/Bao giờ con mới được về mẹ ơi. Hai xuân con đã đi xa/Những giây phút ấy nhớ nhà làm sao.    

Nhắc đến mẹ, ông Nguyễn Thiện Sửu chạnh lòng: “Quê tôi ở Thái Bình. Bố  mất sớm, mẹ tôi ở vậy tần tảo nuôi ba con, chắt chiu từng hạt thóc, đến lúc chúng tôi lớn khôn thì lại rời xa bà. Đứa lên biên giới phía Bắc mở đường chiến lược, đứa vào chiến trường Trị Thiên khói lửa. Còn tôi vào tận chiến trường Đông Nam bộ”.

Không lãng quên quá khứ

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Thiện Sửu chuyển ngành, được tổ chức phân công làm việc tại một số lâm trường thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc, rồi chính thức nghỉ hưu năm 1993. May mắn trở về với thân thể lành lặn, khi nói về những đồng đội thân thiết đã nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn, trên đất bạn Lào, Campuchia hay còn đâu đó trên đất nước này, ông Sửu bảo, họ đã hy sinh để ông và nhiều người khác được sống.

Ông Sửu kể: “Ngày ấy, dù sống và chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, nhưng người lính sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, chia nhau từng viên thuốc, nhận thay nhiệm vụ khó khăn, nhận cái chết về mình, chỉ cốt sao giành chiến thắng. Các cấp chỉ huy luôn là tấm gương cho chiến sỹ với tinh thần: quyền lợi nhường trước, hưởng sau”.

Những toan tính nhỏ nhen đời thường, nhiều bạn trẻ thuộc lịch sử nước ngoài hơn lịch sử nước nhà, nhận thức sai lệch về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc… luôn làm ông Sửu trăn trở. Lời ru hời ngày xưa của mẹ đánh thức và giúp ông nhận ra, những vần thơ về tình yêu thương con người, yêu quê hương, đất nước dễ dàng lay động, thấm sâu trái tim mỗi người.

Đại tá Nguyễn Bạch Vân, Trưởng Ban liên lạc Quân báo miền, nói: “Hồi ký bằng thơ, được viết ra bởi một chiến sỹ thì có lẽ đây là trường hợp đầu tiên. Công bằng mà nói, giá trị nghệ thuật của tập thơ không cao. Nhiều câu còn thô, vụng… nhưng, tôi đã đọc cuốn hồi ký một cách thích thú bởi tôi biết những gì Nguyễn Thiện Sửu viết là chân thực”. 

MỚI - NÓNG