Ít nhất 10 năm tù cho quan tham Lệnh Kế Hoạch

Lệnh Kế Hoạch.
Lệnh Kế Hoạch.
TP - Chiều 13/5, Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc thông báo kết thúc quá trình điều tra và chuyển hồ sơ qua Viện kiểm sát thành phố Thiên Tân. Viện kiểm sát Thiên Tân đã chuyển hồ sơ cho Tòa án số 1 thành phố Thiên Tân để đưa Lệnh Kế Hoạch ra xét xử về 3 tội: nhận hối lộ, thu thập bí mật quốc gia trái phép và lạm dụng chức quyền.

Tháng 12/2014, Ban thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc quyết định điều tra Lệnh Kế Hoạch, nguyên Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc, Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Mặt trận thống nhất TW vì vi phạm kỷ luật, pháp luật. Qua các bước xử lý kỷ luật về đảng, chính quyền, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát tối cao để tiến hành thủ tục khởi tố theo trình tự pháp luật.

Mắt xích quan trọng của Bạc Hy Lai

Theo Tân Hoa xã ngày 13/5, việc xét xử Lệnh Kế Hoạch được giao cho Tòa án số 1 Thiên Tân được thực hiện theo nguyên tắc “dị địa thẩm phán” (phạm tội nơi này xét xử nơi khác) được Trung Quốc áp dụng trong việc xét xử các vụ án tham nhũng để đề phòng bị cản trở, gây nhiễu. Nhưng điều quan trọng hơn là Tòa án Thiên Tân được coi là có bề dày kinh nghiệm, đã được tin tưởng giao xử các vụ án lớn, quan trọng như Chu Vĩnh Khang (nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật TW) và các đệ tử Lý Đông Sinh (đệ tử Thứ trưởng Bộ Công an), Ký Văn Lâm (Phó tỉnh trưởng Hải Nam).

Thêm một lý do khiến Tòa án Thiên Tân được chọn là nơi xét xử Lệnh Kế Hoạch bởi Lệnh được coi là có mối quan hệ chặt chẽ với Chu Vĩnh Khang. Báo chí từng nói về sự tồn tại của “Bè lũ 4 tên mới” bao gồm Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch, trong đó Lệnh là một mắt xích quan trọng.

Theo Đông Phương ngày 13/5, ngay từ 2007, Lệnh Kế Hoạch đã ngang nhiên lập ra “Tây Sơn hội” ở Bắc Kinh, biến nó thành “đế quốc quyền lực và kim tiền” tập hợp các chính khách, doanh nhân quê Sơn Tây mà gia tộc Lệnh Kế Hoạch là trung tâm. Ngoài Lệnh Kế Hoạch, người anh trai Lệnh Chính Sách (Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Sơn Tây), em trai Lệnh Hoàn Thành (đang trốn ở Mỹ) còn có Lưu Thiết Nam (Cục trưởng Năng lượng quốc gia),  Tô Vinh (Phó Chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc), các lãnh đạo tỉnh Sơn Tây là Đỗ Thiện Học, Kim Đạo Minh, Trần Xuyên Bình và Đinh Thư Miêu (“Chị cả đường sắt trên cao”)…

“Tây Sơn hội” duy trì 3 tháng tụ họp một lần, trở thành nơi mua bán quan chức. Trong một thời gian dài, gia nhập vào hội này đã trở thành biểu tượng của sự quyền quý, tấm vé thành đạt ở Bắc Kinh, nhưng cuối cùng đã bị giải thể do tiêu biểu cho tư tưởng cát cứ, cục bộ…

Sau khi Lệnh Kế Hoạch bị điều tra, nhà chức trách đã phát hiện “đế quốc quyền tiền” này liên quan đến khắp các lĩnh vực địa ốc, hầm mỏ, quảng cáo, an ninh mạng, giao thông, các loại quỹ. Cơ quan điều tra niêm phong số tài sản của Lệnh tới 83,7 tỷ NDT, thu giữ số vàng, đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật, thư họa chất đầy 6 xe tải; phát hiện ông ta có nhà ở khắp mấy thành phố lớn: Thiên Tân, Vô Tích, Chu Hải, Thái Nguyên và Đại Liên, có 2 biệt thự trị giá 500 triệu USD ở Kyodo (Nhật). Lệnh Kế Hoạch cũng giao nộp 12 tài khoản tiết kiệm có trên 8,2 triệu NDT…Báo Hong Kong đưa tin Lệnh đã nhận hối lộ 130 triệu tệ. Với tội trạng như thế, khả năng Lệnh có thể bị án tù chung thân, thậm chí “tử hình hoãn thi hành”.

Ít nhất 10 năm tù cho quan tham Lệnh Kế Hoạch ảnh 1

Phùng Trác, một người tình trẻ của Lệnh Kế Hoạch.

Về tội “thu thập bí mật quốc gia, tình tiết nghiêm trọng”, báo chí hải ngoại từng đưa tin, Lệnh Kế Hoạch đã lấy cắp, tàng trữ hơn 2.700 văn kiện cơ mật gồm cả 3 mức: bí mật, cơ mật và tuyệt mật, liên quan đến nhiều mặt chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao và văn hóa. Khung hình phạt cho tội này và “lạm dụng quyền hạn” nhẹ hơn, từ 3 đến 7 năm tù giam.

Ngoài các tội hình sự, Lệnh Kế Hoạch còn có lối sống tha hóa: có tới 27 người tình, trong đó duy trì quan hệ kiểu “định kỳ sống chung” với 7 người, có 5 đứa con riêng mang họ mẹ. Người nổi tiếng nhất trong số 27 người đẹp này là Phùng Trác, Phó chủ nhiệm Ban tin thời sự quan trọng của CCTV.

Từ cán bộ huyện đoàn lên đến vị trí “người lãnh đạo đảng, nhà nước”

Sinh tháng 10/1956, Lệnh Kế Hoạch quê huyện Bình Lục, Sơn Tây, có bằng Thạc sĩ quản lý công thương. Từ một ủy viên Ban chấp hành Huyện Đoàn Bình Lục, năm 1979, khi 23 tuổi Lệnh được điều lên làm cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đoàn, làm thư ký cho Bí thư TW Đoàn Cao Chiếm Tường, năm 1985 được bổ nhiệm Trưởng phòng; 1988 là Chủ nhiệm Văn phòng Ban Bí thư TW Đoàn, Phó Văn phòng TW Đoàn, chủ biên tạp chí “Đoàn TNCS Trung Quốc”, Trưởng Ban Tuyên huấn…Tại Đại hội 18 (11/2012), Lệnh tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương, nhưng thôi Bí thư TW. Tại kỳ họp Chính Hiệp khóa 12 tháng 3/2013, Lệnh được bầu làm Phó chủ tịch Chính Hiệp. 

Về mức án Lệnh Kế Hoạch có thể phải nhận, theo báo chí phân tích, trong 3 tội nhận hối lộ, thu thập trái phép bí mật quốc gia và lạm dụng chức quyền thì tội nhận hối lộ nặng nhất. Theo khung hình phạt, cá nhân nhận từ 100 ngàn tệ trở lên là đã bị phạt 10 năm tù giam đến chung thân, tịch thu tài sản, nếu nghiêm trọng có thể bị tử hình.

MỚI - NÓNG