Được biết, yêu cầu đặc biệt này đã được chuyển đến cho hai trong số tám quốc gia, bao gồm 35 tỷ USD đối với Tunisia và 15 tỷ USD đối với Lybia, theo truyền thông Israel. Trong số các quốc gia nói trên còn có Morocco, Iraq, Syria, Yemen, Ai Cập và Iran.
Bộ trưởng Công bằng xã hội Israel Gila Gamliel, người dành nhiều công sức cho công việc này, cho biết đây là lúc để "đòi lại công bằng cho hàng trăm nghìn người Do Thái là nạn nhân của trục xuất, những người đã bị cướp mất của cải trên đường ra đi, và giờ là lúc để đòi lại quyền tài sản cho họ".
Với sự hỗ trợ của các cơ quan kế toán quốc tế, Chính phủ Israel đang âm thâm điều tra tổng giá trị của những tài sản bị thất lạc. Được biết, nếu nhận được khoản bồi thường tài sản trên, Chính phủ Israel sẽ sung vào Quỹ đặc biệt, thay vì phân phát cho các nạn nhân và gia đình của họ.
Hành động này diễn ra không lâu sau khi chính quyền Mỹ chuẩn bị ban hành thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine, một nỗ lực mà các nhà phân tích nhận định là "chết từ trong trứng nước", sau khi Mỹ đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời chuyển đại sứ quán của mình đến đây, mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Palestine và nhiều quốc gia trên thế giới.
Ước tính có khoảng 856.000 người Do Thái bị trục xuất khỏi 10 quốc gia Arab, sau khi Israel thành lập nhà nước vào năm 1948, theo Ủy ban Công lý cho người Do Thái từ Arab (JJAC). Thế nhưng trong một khoảng thời gian dài, Israel chưa bao giờ đưa ra yêu cầu bồi thường chính thức cho những người Do Thái bị trục xuất khỏi các quốc gia Arab.