Trên mạng xuất hiện đoạn phim dài 22 phút ghi lại hình ảnh một người đàn ông được cho là viên phi công Jordan, Trung úy Maaz al-Kassasbeh, bị nhốt trong lồng, chìm trong lửa. Trước đó, IS đòi đổi nữ tử tù Sajida al-Rishawi lấy con tin Nhật Bản - người sau đó cũng bị giết hại. Bị kết án tử hình năm 2005 sau khi tham gia đánh bom tự tử tại thủ đô Amman của Jordan nhưng không thành, Rishawi hôm qua bị treo cổ lúc rạng đông. Jordan cũng hành hình một chỉ huy cấp cao của al-Qaeda tên là Ziyad Karboli, bị kết án tử hình năm 2008. Viên phi công Kassasbeh bị IS bắt hồi tháng 12/2014 khi chiếc F-16 mà anh này điều khiển gặp nạn ở đông bắc Syria.
Giận dữ trước vụ IS giết phi công Jordan, Al-Azhar, Trung tâm Hồi giáo dòng Sunni danh tiếng nhất Ai Cập, vừa kêu gọi “tiêu diệt, đóng đinh và chặt chân tay những kẻ khủng bố IS”. Quốc vương Jordan Abdullah cắt ngắn chuyến thăm đến Mỹ hôm 3/2. Trong thông báo được phát trên truyền hình, Quốc vương nói rằng, việc giết người phi công là hành động khủng bố hèn hạ của nhóm tội phạm không có quan hệ gì với đạo Hồi, Reuters đưa tin. Ông kêu gọi đoàn kết dân tộc. Quân đội Jordan tuyên bố sẽ trả đũa, và một số nhà phân tích cho rằng, sự việc có thể làm leo thang can dự vào chiến dịch chống IS, khi phiến quân đã chiếm nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria, hai nước láng giềng của Jordan ở phía đông và phía bắc.
Bố của phi công Kassasbeh nói rằng, việc hành hình hai tử tù là chưa đủ, đồng thời thúc giục chính phủ Jordan làm nhiều hơn nữa để trả thù cho cái chết của con trai ông. Theo các nguồn tin an ninh, hai tử tù bị hành hình ở nhà tù Swaqa, cách thủ đô Amman 70km về phía nam. “Chúng đều rất bình tĩnh và không biểu hiện cảm xúc gì, chỉ cầu nguyện”, AP dẫn một nguồn tin an ninh. Nữ tử tù Rishawi, hơn 40 tuổi, nằm trong một mạng lưới của al-Qaeda nhằm vào 3 khách sạn ở Amman trong đợt tấn công tự sát năm 2005. Đối tượng này định liều chết trong cuộc tấn công tồi tệ nhất lịch sử Jordan, nhưng đai gắn bom của chị ta không hoạt động.
Giận dữ trước vụ giết hại Kassasbeh, nhiều người Jordan tụ tập lúc nửa đêm trên quảng trường chính ở Amman để đòi trả thù và đòi nhanh chóng hành hình nữ tử tù. Jordan hôm 3/2 nói rằng, thông tin tình báo họ thu thập được cho thấy người phi công đã bị giết 1 tháng trước. Việc công bố thông tin này được cho là nhằm phản hồi chỉ trích của người dân trong nước về việc chính phủ đáng lẽ có thể làm nhiều hơn để thỏa thuận với IS việc trao đổi tù nhân.
Đồng minh của Mỹ phản ứng
Jordan là một đồng minh lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Jordan cũng là nơi đóng quân của lính Mỹ trong các chiến dịch dẫn tới cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Đây là nơi hàng trăm huấn luyện viên quân sự của Mỹ đang củng cố phòng thủ ở biên giới Syria và Iraq. Truyền hình Jordan phát đi đoạn phim tư liệu về các cuộc diễn tập quân sự trên nền nhạc yêu nước, kèm theo bức ảnh phi công Kassasbeh mặc quân phục ở góc màn hình. Jordan quyết tâm không để lực lượng thánh chiến ở Syria vượt qua biên giới, nên đã thắt chặt an ninh dọc biên giới từ khi Syria rơi vào nội chiến năm 2011, và đang góp phần đẩy lùi IS ra khỏi miền nam Syria.
Giới chức Mỹ hôm 3/2 nói rằng, vụ hành hình Kassasbeh có thể sẽ khiến quan điểm của Jordan cứng rắn hơn trong liên minh chống IS. Nữ tử tù bị hành quyết đến từ tỉnh Anbar của Iraq, nơi giáp biên giới Jordan. Họ hàng của đối tượng này là trợ thủ thân cận thủ lĩnh người Jordan của al-Qaeda tại Iraq, Abu Musab al-Zarqawi. Tên này đã bị giết, và từ đó nhóm IS đã nổi lên.
IS đòi Jordan đổi mạng nữ tử tù với nhà báo Nhật Bản Kenji Goto. Nhưng con tin Goto sau đó bị nhóm này hành quyết. Jordan khăng khăng đòi IS thả phi công trước khi họ thả nữ tử tù. Nhiều chính trị gia kêu gọi chính phủ Jordan rút lui khỏi liên minh chống IS. Nhưng chính quyền nước này nói rằng, cái chết của người phi công sẽ không làm suy yếu quyết tâm của họ trong việc chống lại IS.
Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) rút khỏi chiến dịch không kích chống IS sau khi phi công Jordan bị bắt, báo Mỹ New York Times dẫn lời quan chức Mỹ cho biết. Đồng minh chủ chốt của Mỹ đã ngừng không kích từ tháng 12/2014 vì lo sợ cho số phận của các phi công. UAE muốn Mỹ gia tăng nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ, trong đó có sử dụng máy bay V-22 Osprey ở bắc Iraq, nơi gần với trận địa.
Giới chức Mỹ nói rằng, các phi công UAE sẽ không tái tham gia cho đến khi các máy bay Osprey được triển khai. Phi công Jordan bị IS bắt chỉ vài phút sau khi máy bay của anh này đâm xuống Raqqa. Quan chức UAE nghi ngờ liệu các đội cứu hộ quân sự của Mỹ có khả năng cứu phi công này không, ngay cả khi có thêm thời gian. Ngoại trưởng UAE đã chất vấn Đại sứ Mỹ tại sao Mỹ chưa đầu tư nguồn lực đúng mức vào miền bắc Iraq để cứu hộ các phi công gặp nạn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án vụ giết hại phi công Jordan là hành động “tàn nhẫn” và “không thể tha thứ”. “Nhật Bản đoàn kết với Jordan trong thời điểm khó khăn này… Tôi cực kỳ giận dữ trước những hành động vô nhân đạo và đê hèn của chủ nghĩa khủng bố”, hãng tin Kyodo dẫn lời ông Abe. Mới đây, IS hành quyết 2 con tin Nhật Bản.
Post by Báo Tiền Phong.