Cảnh sát Indonesia gần đây bắt giữ ít nhất 4 đối tượng liên quan đến vụ đánh bom tự sát tại bến xe buýt ở thủ đô Jakarta ngày 24/5. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 2 kẻ đánh bom và 3 sĩ quan cảnh sát. Các đối tượng bị bắt có thể đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho những kẻ đánh bom.
Giới phân tích cho rằng việc IS tổn thất nặng nề ở Syria và Iraq có thể đã thúc đẩy những đối tượng ủng hộ tổ chức này tấn công ở các nơi khác, như vụ đánh bom ở Jakarta và cuộc khủng hoảng Maute ở Philippines.
Ông Rodolfo Mendoza, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Khủng bố, Bạo lực và Hòa bình tại Manila (Philippines), cho biết các cơ quan tình báo đã phát hiện những đoạn chat về việc IS muốn lập ra cái gọi là "Tỉnh Nhà nước Hồi giáo Đông Á" ở khu vực Đông Nam Á.
Những nỗ lực của Maute, một nhóm ảnh hưởng của IS, nhằm giành quyền kiểm soát ở thành phố Hồi giáo Marawi ở Mindanao, Philippines, có thể là tín hiệu cho thấy Philippines được chúng coi là điểm hội tụ. “Chúng tôi cho rằng sẽ còn có thêm những vụ tấn công nữa”, ông Mendoza nói.
Ông Nasir Abbas, một nhà quan sát về khủng bố và là cựu thành viên Jemaah Islamiyah - mạng lưới khủng bố khu vực nay đã ngừng hoạt động, cũng nhìn thấy những điểm giống nhau trong các vụ tấn công gần đây ở Đông Nam Á.
Cảnh sát Indonesia cho biết vụ đánh bom tự sát ở Jakarta có thể bắt chước vụ tấn công ở TP. Manchester, Anh, ngày 22/5 và đợt bạo lực đang diễn ra ở Philippines.
Một quả bom nổ khiến 24 người bị thương tại một bệnh viện ở Bangkok diễn ra cùng ngày với vụ đánh bom ở Manchester và vào dịp tròn 3 năm chính quyền quân sự Thái Lan điều hành đất nước. Nghi ngờ nhằm vào những người bất mãn với chính quyền quân sự hoặc những người Hồi giáo ly khai ở miền nam của đất nước có phần đông dân số theo đạo Phật.
Ông Abbas cho rằng các mạng lưới khủng bố có thể tổ chức khác nhau nhưng có chung tư tưởng nên chúng “có cảm giác gắn kết”. Nhiều nhóm có quan hệ hoặc ủng hộ IS “muốn chứng tỏ chúng vẫn tồn tại, rằng chúng không sợ chết và sẵn sàng hy sinh bản thân”, ông Abbas nói.
Viện Phân tích xung đột có trụ sở tại Jakarta vừa cảnh báo các nhóm cực đoan ở Đông Nam Á và Bangladesh có liên hệ với nhau. Cơ quan này cảnh báo những người tị nạn Rohingya, trong đó có nhiều người đang mắc kẹt ở Malaysia, có nguy cơ dễ bị tuyển mộ.
7 vụ tấn công xảy ra trong năm 2016 và 2017 ở Đông Nam Á là do những kẻ liên quan đến IS thực hiện. Ảnh: CNA
Singapore lo sốt vó
Báo cáo đánh giá nguy cơ khủng bố do Bộ Nội vụ Singapore vừa đưa ra cảnh báo các phần tử cực đoan đang là mối lo ngại lớn nhất ở nước này. Không chỉ thế, Singapore cũng lo sợ các phần tử khủng bố khu vực hoặc một mạng lưới khủng bố có tổ chức tấn công.
“Hiện tượng tự cực đoan hóa ở Singapore không phải điều mới vì đã xuất hiện trước khi IS ra đời, nhưng IS đã ảnh hưởng đến những phần tử này nhiều hơn bất kỳ nhóm khủng bố nào từ trước đến nay”, báo cáo viết.
Báo cáo cho biết 2 người Singapore đã đến Syria để tham gia chiến đấu, còn số đối tượng bị bắt theo Đạo luật An ninh nội bộ tăng từ con số 11 trong năm 2007 lên 14 trường hợp năm 2015.
IS cũng ảnh hưởng đến những người nước ngoài ở Singapore, vì thế 34 người Bangladesh đã bị cho hồi hương và 6 đối tượng khác phải ngồi tù từ cuối năm 2015. Những đối tượng này bị phát hiện lên kế hoạch tấn công bạo lực nhằm vào chính phủ Bangladesh. Một đối tượng nói rằng anh ta sẽ tấn công bất kỳ đâu nếu IS chỉ đạo.
Trong 2 năm qua, 8 người Indonesia giúp việc gia đình ở Singapore cũng bị trục xuất sau khi bị phát hiện cực đoan. Những người này chưa có kế hoạch tấn công nhưng tư tưởng cực đoan và quan hệ của họ và với các phần tử khủng bố nước ngoài khiến giới chức Singapore lo ngại.