IS hành quyết con tin Anh, lợi dụng Facebook

Hình ảnh con tin David Haines và tay súng IS trong clip hành quyết man rợ. Ảnh: NBC News
Hình ảnh con tin David Haines và tay súng IS trong clip hành quyết man rợ. Ảnh: NBC News
TP - Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa tung ra đoạn phim ghi lại cảnh cắt cổ một nhân viên cứu trợ người Anh, để trả đũa Thủ tướng Anh David Cameron hứa vũ trang cho lực lượng đối lập. Tại Đông Nam Á, IS đang lợi dụng mạng xã hội để tuyển dụng, gây quỹ và tuyên truyền.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết, đang xác minh đoạn phim được đưa ra đêm thứ Bảy. Nạn nhân nói trong clip: “Tên tôi là David Cawthorne Haines. Tôi muốn tuyên bố rằng, ông David Cameron phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tôi bị hành quyết”, vì ông Cameron đã gia nhập liên minh với Mỹ chống lại IS “giống như người tiền nhiệm Tony Blair”. 


Kẻ hành quyết sau đó tuyên bố với giọng Anh: “Người đàn ông Anh này phải trả giá cho lời hứa của ông Cameron rằng sẽ vũ trang cho lực lượng Peshmerga chống lại IS”. Ông David Haines, 44 tuổi, bị bắt làm con tin khi đang ở Syria năm 2013. Đoạn phim vừa được tung ra cũng kèm theo lời đe dọa sẽ giết con tin người Anh thứ hai. 

Trước khi chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Khẩn cấp của chính phủ Anh, Thủ tướng David Cameron nói rằng, vụ giết hại ông Haines là “kinh khủng và đáng khinh bỉ”. 

“Chúng ta sẽ làm mọi thứ trong quyền lực của chúng ta để truy tìm những kẻ giết người và bắt chúng phải đối mặt với công lý, dù mất bao lâu đi nữa”, BBC dẫn lời ông Cameron. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, nước này đã cung cấp nhiều súng máy hạng nặng và đạn dược cho chính quyền Iraq để giúp sức chống IS. Các lực lượng người Kurd, còn gọi là Peshmerga, đang tham gia trận chiến ác liệt chống lại IS.

Phản ứng trước đoạn phim, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Chúng tôi dành cả trái tim cho gia đình anh Haines và người dân nước Anh”. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố trong một thông báo rằng, Mỹ sẽ phối hợp với Anh và “một liên minh quốc gia rộng lớn” để “bắt thủ phạm của hành động tàn nhẫn này đối mặt công lý”. 

Văn phòng Tổng thống Pháp nói trong một thông báo: “Vụ giết hại tàn bạo David Haines cho thấy một lần nữa cộng đồng quốc tế phải được huy động chống lại IS như thế nào”. 

Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng, vụ giết hại ông Haines “càng cho thấy nhóm khủng bố đặc biệt này không chỉ làm điều ác mà còn hân hoan khi làm điều ác”. 

Thủ tướng Abbott còn cho biết Úc sẽ cử 600 lính tới Trung Đông để tham gia các chiến dịch chống lại IS tại Iraq. Gần 40 quốc gia, trong đó có 10 nước Ảrập, đã đăng ký tham gia kế hoạch do Mỹ đứng đầu để chống lại nhóm khủng bố này. Đức thông báo sẽ đưa 40 lính dù tới Iraq để hỗ trợ chiến dịch chống IS.

IS truyền bá tư tưởng cực đoan tại Đông Nam Á

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, chính phủ Indonesia và Malaysia phải vất vả chống lại ảnh hưởng của IS khi lực lượng này đang tích cực truyền bá tư tưởng cực đoan của chúng trên các mạng xã hội và liên tục tuyển dụng thành viên. 

Chính phủ Indonesia đã cấm người dân nước này tham gia các hoạt động của IS. 

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Chống tội phạm quốc gia, đã có 34 người Indonesia tham gia IS. Con số này không bao gồm những người Indonesia đã tham gia những nhóm thánh chiến khác ở Syria và Iraq. 

Gần đây, Thủ tướng Malaysia Najib Razak dùng những lời lẽ mạnh mẽ để lên án hành động của IS là đi ngược lại niềm tin Hồi giáo, văn hóa và nhân loại. 

IS biện minh cho những lý lẽ cực đoan của họ bằng các biểu tượng và sự kiện Hồi giáo. IS cho rằng, Syria được coi là trung tâm của Vương quốc Hồi giáo cuối cùng, và trận chiến cuối cùng chống lại những nhà tiên tri giả mạo sẽ xảy ra tại Syria. 

Nhưng hoạt động của những người ủng hộ IS tại Malaysia trên Facebook lại cho thấy sự pha trộn các yếu tố chính trị, tài chính, hệ tư tưởng. Chính quyền Malaysia cho biết, những người ủng hộ IS tại đất nước này đang thu hút một số lượng nhỏ người Malaysia thuộc đủ thành phần xã hội thông qua Facebook và cũng huy động tiền tài trợ thông qua những kênh này. 

Đầu tháng 8, những bức ảnh của một tay súng cực đoan người Malaysia được lan truyền trên mạng xã hội. Bức ảnh nhận được vài nghìn “like”, và nhiều cư dân mạng nước này còn chúc mừng tay súng được cho là đã chết này. 

Các chuyên gia cho rằng, những động lực và bối cảnh đa dạng này ở Indonesia, Malaysia đòi hỏi chính quyền phải có cách đối phó linh hoạt.

Nghiên cứu cho thấy, những người trẻ dễ bị lung lay bởi những thông điệp cực đoan hơn cả. 

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, chính phủ cần định hướng các cuộc tranh luận trên Internet và thông qua mạng xã hội để lan truyền những thông điệp tích cực. Không nên coi nhẹ vấn đề các nhóm cực đoan sử dụng mạng xã hội để tuyển dụng, gây quỹ và tuyên truyền.

Nhân viên cứu trợ Haines có một con gái (hiện 17 tuổi) với người vợ thứ nhất và một con gái (hiện 4 tuổi) với người vợ thứ hai. Ông tham gia trợ giúp chuyển thực phẩm, nước sạch, lều bạt để xử lý tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại trại tị nạn Atmeh gần khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ông cùng nhân viên cứu trợ người Ý Federico Motka bị bắt cóc hôm 12/3/2013, chỉ 10 ngày sau khi tới Atmeh. Ông Motka được trả tự do sau khi gia đình trả tiền chuộc.

MỚI - NÓNG