Iraq: Phiến quân bị đẩy lùi, tàu sân bay Mỹ tới vùng Vịnh

Lực lượng nổi dậy ở Iraq đang bị quân chính phủ đẩy xa khỏi thủ đô Baghdad. Ảnh: New York Times
Lực lượng nổi dậy ở Iraq đang bị quân chính phủ đẩy xa khỏi thủ đô Baghdad. Ảnh: New York Times
TP - Được sự hỗ trợ của dân quân Hồi giáo dòng Shiite và người Kurd, lực lượng chính phủ Iraq hôm qua đẩy lùi các tay súng dòng Sunni về phía bắc thủ đô Baghdad. Trong khi đó, một tàu sân bay của Mỹ được đưa tới vùng Vịnh để đối phó tình trạng bạo lực leo thang. 

Quân chính phủ Iraq đã chiếm lại một số thành phố từ quân nổi dậy, nhưng vẫn chưa kiểm soát được hai thành phố trọng điểm là Tikrit và Mosul. Tại thành phố Ishaq vừa giành lại, lực lượng an ninh cho biết họ vừa phát hiện thi thể 12 cảnh sát bị đốt cháy đen. Quân chính phủ đang xây dựng lực lượng ở thành phố Samarra để chuẩn bị cho một cuộc tấn công đẩy lùi quân nổi dậy khỏi Tikrit - quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein, BBC đưa tin ngày 15/6. 


Một vụ tấn công tự sát ở trung tâm Baghdad xảy ra chiều qua khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, 23 người bị thương, BBC dẫn các nguồn cảnh sát và y tế địa phương cho biết. Sáng qua, 3 lính Iraq và 3 tay súng người Shiite bị giết hại trong một cuộc tấn công bằng súng cối tại trung tâm tuyển lính gần thành phố Baquba ở phía đông bắc Baghdad. Trong cuộc xung đột đêm trước đó ở thị trấn Jalawla, một máy bay trực thăng của chính phủ tiêu diệt 7 tay súng người Kurd. Giới chức Iraq nói rằng, cuộc tấn công này là sự nhầm lẫn. Nhiều tay súng người Sunni đang chiến đấu trong hàng ngũ của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIS) - một nhánh của mạng lưới al-Qaeda.

Người dân Mỹ lại bị lừa?

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vừa nói với BBC rằng, cuộc xâm chiếm của Anh và Mỹ năm 2003 vào Iraq không phải nguyên dân dẫn đến tình trạng bạo lực căng thẳng hiện nay ở nước này. Các nhà phê bình cho rằng, ông Blair muốn “phủi tay” . Theo cựu Thủ tướng Anh, ý kiến cho rằng Iraq ngày nay sẽ ổn định nếu ông Saddam Hussein vẫn được giữ quyền lãnh đạo “đơn giản là không tin được”. 

“Ngay cả khi để Saddam tại vị vào năm 2003 thì đến năm 2011, cuộc cách mạng Ảrập vẫn quét qua Tunisia, Libya, Yemen, Bahrain, Ai Cập và Syria và vẫn có một vấn đề lớn còn tồn tại ở Iraq”, ông Blair nói. Cựu Thủ tướng Anh cho rằng, tình hình bạo lực hiện nay ở Iraq “có thể đoán trước được và là hệ quả xấu” từ tình hình Syria chưa được giải quyết, và rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Iraq “ảnh hưởng đến tất cả chúng ta” và thúc giục phương Tây can thiệp sâu hơn vào khu vực này. 

Trong khi đó, quân nhân Mỹ Chelsea Manning, người đang thụ án 35 năm tù giam vì tội tiết lộ 700.000 tài liệu tình báo và ngoại giao bí mật cho trang web WikiLeaks, lại vừa thu hút sự chú ý của dư luận khi đưa ra cảnh báo rằng, người dân Mỹ lại một lần nữa bị chính phủ nói dối về Iraq. Lời cảnh báo này được đăng trên báo Mỹ The New York Times. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần trước cho biết đang “cân nhắc mọi lựa chọn” nhằm giữ quân nổi dậy ngoài bán kính 80km của Baghdad, nhưng bác bỏ khả năng đưa bộ binh trở lại. Ông chủ Nhà Trắng đang bị phe Cộng hòa chỉ trích dữ dội trước sự sụp đổ quá nhanh của hệ thống an ninh Iraq mà Mỹ đã chi nhiều tỷ USD để đào tạo và trang bị vũ khí trước khi rút quân khỏi đây vào năm 2011. 

Quân đội Mỹ lạc quan trước đợt bầu cử nghị viện Iraq vào năm 2010, rằng đó là dấu hiệu đất nước này đã ổn định và có dân chủ. Nhưng Manning viết rằng “những người lính đóng quân tại đó như chúng tôi mới hiểu chính xác về thực tế cực kỳ phức tạp ở đó”. “Các báo cáo quân sự và ngoại giao đi qua bàn tôi nêu chi tiết chiến dịch truy quét tàn bạo chống lại những người bất đồng chính trị do Bộ Nội vụ và cảnh sát liên bang đại diện Thủ tướng Nuri Al-Maliki thực hiện. Những người bị giam thường bị tra tấn, thậm chí giết hại”, bài báo viết.  

Manning, cựu nhân viên tình báo của quân đội Mỹ, nói rằng anh “bị sốc vì quân đội Mỹ đồng lõa với những hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử. Nhưng những sự việc đáng lo ngại này lại không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Mỹ”. Chỉ trích sự can thiệp của quân đội Mỹ đối với báo chí, Manning cáo buộc “những giới hạn tự do báo chí hiện nay và bí mật quá lớn của chính phủ khiến người dân Mỹ không thể nào biết đầy đủ về những cuộc chiến mà chúng ta (Mỹ) đang rót tiền vào”.

Giáo sĩ Grand Ayatollah Ali al-Sistani, lãnh tụ tinh thần của người Shiite ở Iraq, đã ra lời kêu gọi các tín đồ cầm súng. Nhiều báo cáo nói rằng, hàng nghìn người đã tham gia lực lượng dân quân. Washington đã điều một tàu sân bay đến vùng Vịnh. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo, sự trợ giúp của Mỹ sẽ chỉ thành công nếu giới lãnh đạo Iraq sẵn lòng gạt bất đồng sang một bên.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.