Iran đang thử thách quyết tâm của Mỹ

Tổng thống Iran Hassain Rouhani tại nhà máy hạt nhân Bushehr. (Ảnh: AP)
Tổng thống Iran Hassain Rouhani tại nhà máy hạt nhân Bushehr. (Ảnh: AP)
TPO - Lên nắm quyền với tuyên bố sẽ giải quyết 2 cuộc khủng hoảng hạt nhân, Tống thống Mỹ Donald Trump giờ đây có vẻ đang rơi vào tình thế giống những người tiền nhiệm: tiến đến đối đầu với Iran và rơi vào bế tắc với Triều Tiên.

Thông báo của Iran hôm 17/6 rằng trong 10 ngày tới họ sẽ phá vỡ giới hạn về lượng nhiên liệu hạt nhân được phép sở hữu, mở ra một giai đoạn đối đầu nguy hiểm mới với phương Tây.

Sau 1 năm Iran kìm chế, bằng việc tiếp tục tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân mà ông Trump đã từ bỏ, đang có cảm giác ngày càng lớn rằng điều đã đưa Iran vào bàn đàm phán thực chất lại đang đẩy họ và Mỹ vào một cuộc xung đột mà lãnh đạo cả hai nước đều khẳng định họ không muốn.

Iran vẫn còn hơn 1 năm nữa, hoặc lâu hơn, mới đạt tới khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Triều Tiên đã có hơn chục, và có vẻ vẫn đang bổ sung thêm vào bộ sưu tập của họ, theo các chuyên gia tình báo Mỹ, dù ông Trump khẳng định đã có được sự bảo đảm từ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Chưa rõ ông Trump đang thu lại được gì. Hôm 17/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Bình Nhưỡng. Đây được coi là một chiến thắng ngoại giao lớn đối với ông Kim. Gần đây ông Kim đã có chuyến thăm Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin.

Thông điệp dường như rất rõ ràng: Ngay cả khi không đạt được thỏa thuận với Washington, ông Kim vẫn còn những quân bài khác, duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại với 2 cường quốc đã giúp ông nội của ông chống lại người Mỹ gần 7 thập kỷ trước.

Trong khi coi việc Iran dọa khôi phục sản xuất hạt nhân là một cuộc khủng hoảng cấp thiết và quyết định sẽ điều 1.000 quân  đến Trung Đông, ông Trump có vẻ đang đầu tư nhiều vào quan hệ mới thiết lập với ông Kim đến mức chủ động gạt bỏ bằng chứng rằng Triều Tiên vẫn đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa.

“Tôi không biết. Tôi hy vọng là không. Ông ấy hứa với tôi sẽ không làm như vậy”, ông Trump trả lời người dẫn chương trình George Stephanopoulos của ABC News vào cuối tuần qua khi được hỏi về việc Triều Tiên có phải vẫn đang sản xuất vũ khí hạt nhân.

Những lời hứa bị phá bỏ - dù là thật, tưởng tượng hay hiểu nhầm – đang là cốt lõi của cả hai cuộc đối đầu. Người Iran tin rằng họ đã đồng ý vào năm 2015 về giới hạn sản xuất nhiên liệu hạt nhân, và đổi lại sẽ được hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng ông Trump tuyên bố thỏa thuận này là một “thảm họa”, rồi ông từ bỏ nó cho dù vấp phải sự phản đối của các cố vấn, các đồng minh châu Âu, của Nga và Trung Quốc.

Nếu Iran làm đúng như tuyên bố của họ rằng sắp phá vỡ giới hạn nhiên liệu hạt nhân và họ được phép sản xuất theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, chỉ đến tháng sau là Tehran có thể sẽ đủ nhiên liệu để chết tạo 1 quả bom hạt nhân trong khoảng 1 năm tới.

Vùng đệm 1 năm là ngưỡng an toàn mà chính quyền Obama đặt ra vài năm trước và chính quyền Trump đã chấp nhận để cản trở Iran đạt đến ngưỡng chế tạo bom hạt nhân. Nhưng lãnh đạo Iran dường như đang kiểm tra xem các bên còn lại của thỏa thuận, đặc biệt là các nước châu Âu, có đứng về phía Washington không.

Liệu châu Âu sẽ tách khỏi chính quyền Trump và đồng ý giúp Iran đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt không, để Tehran có thể tránh phá vỡ thỏa thuận từ năm 2015. Điều đó khó có thể xảy ra.

Nhưng châu Âu đổ lỗi cho ông Trump đã đẩy Iran đến chỗ vi phạm thỏa thuận. Cho dù có những kêu gọi từ một số nhân vật diều hâu ở Washington rằng cần có hành động quân sự, Iran lần này đang đánh cược khả năng Washington sẽ tìm thấy ít động minh ủng hộ chuyện leo thang đối đầu, dù trên vịnh Ba Tư hay qua những cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân của Iran.

Đây là một ván cược, và tính toán sai lầm của bất kỳ bên nào đều có thể châm ngòi xung đột.

Giờ đây ông Trump đang đối mặt với 2 thách thức tức thì trong quan hệ với Iran: bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu chở dầu qua vịnh Ba Tư và giữ Iran đạt ngưỡng chế tạo bom. Cả hai nhiệm vụ đều không dễ dàng.

“Không may là chúng ta đang tiến tới đối đầu”, Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad nói với CNN hôm 17/6.

Câu nói này có vẻ đã được tính toán nhằm giữ châu Âu tránh xa ông Trump. Tình hình trong vài tuần qua đã gây nghi ngờ về lời hứa lúc tranh cử của ông Trump rằng khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông sẽ khôi phục lại quyền lực của nước Mỹ để các đối thủ phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

“Mỹ dường như đang tiếp tục biện pháp gây sức ép tối đa với vài nước ủng hộ và không nghĩ nhiều về những hậu quả khôn lường hoặc sẽ đáp trả như thế nào nếu mặc định của họ – rằng Iran sẽ nổ tung hay chịu thua để bước vào bàn đàm phán - thất bại”, ông Brett McGurk, cựu phái viên đặc biệt của ông Trump về liên minh toàn cầu chống lại IS, viết gần đây.

“Những mặc định đó giờ đang bị hoài nghi cao độ, nghĩa là toàn bộ nền tảng chính sách của ông Trump đã xói mòn. Iran dường như đã có quyết định chiến lược rằng sẽ chống trả sức ép kinh tế và đáp trả”, ông McGurk đánh giá.

Theo theo NYT
MỚI - NÓNG