Icom chuyển khúc biển khơi

Icom chuyển khúc biển khơi
TP - “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa, từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua…”. Giọng hát trong trẻo của nữ Đại úy biên phòng Hà Thị Phượng lẫn trong tiếng ầm ào gió biển qua Icom …

Nước mắt

Đại úy Hà Thị Phượng là nữ quân nhân duy nhất của Đồn Biên phòng 248 (BĐBP Đà Nẵng). Mới chuyển đến từ Đồn 252 (Sơn Trà) chừng 3 tháng và trực canh thông tin qua Icom, dường như Đồn 248 đang “hút” hết ngư dân toàn thành phố và các tỉnh liên lạc về đây bởi chất giọng trong trẻo, ấm áp và đặc biệt sẵn sàng hát cho ngư dân nghe qua Icom

Bỗng dưng mắt Phượng đỏ hoe. Lặng đi mấy giây, mới vỡ lẽ, ấy là khi tôi buột miệng hỏi rằng trong cơn bão Chanchu năm 2006 khiến trên 300 ngư dân miền Trung chết và mất tích giữa biển khơi, chị đang ở đâu. Phượng lau vội nước mắt, khẽ nói: Cứ mỗi lần nhắc đến Chanchu là những ám ảnh buồn lại ùa về. Thời điểm ấy, chị đang trực Icom ở đồn 252, ngày đêm cập nhật, động viên ngư dân. Nghe rõ mồn một qua hệ thống thông tin, từng tiếng thuyền trưởng đếm xác ngư dân, chị ở đầu dây bên này toát mồ hôi. Tiếng các thuyền trưởng thường ngày đanh gọn là thế, nhưng lúc đó giọng họ khan đục, y như một buổi điểm danh tang tóc giữa đại dương. Chị khóc: “Tôi còn nhớ như in câu nói của một thuyền trưởng, hét lên với anh em thuyền viên, rằng. Ướp chút muối vào mặt nó đi, để khi về người thân còn biết mà nhận dạng. Câu nói như một mũi dao thọc vào tim tôi, và nếu không cố gắng, có lẽ tôi ngã quỵ. Với bất kỳ ai, đó là một nỗi đau ngoài sức chịu đựng”.

Nhưng chị không bao giờ khóc qua Icom, cũng không bao giờ rơi nước mắt trước đồng đội, chị thương ngư dân đến quặn lòng, chỉ biết âm thầm khóc và dốc hết nhiệt huyết để kết nối, động viên ngư dân 24/24 trong ngày.

Đại úy Hà Thị Phượng đang hát cho ngư dân qua ICOM
Đại úy Hà Thị Phượng đang hát cho ngư dân qua ICOM .

… và tiếng hát

Nhắc chuyện hát cho ngư dân nghe qua Icom, đôi mắt sáng của nữ Đại úy Biên phòng lại long lanh: Ngư dân yêu cầu là chị hát. Thích thú và đam mê luôn. Nghĩ cũng buồn cười, mình hát không hay, nhưng khi Icom mở ra, họ lại hét lên trong máy: Chị Phượng ơi, hát đi! Làm sao mà từ chối được những yêu cầu tha thiết như thế được?

Chị hát, chỉ một chút thôi, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được giai điệu giục giã lòng người của bài Nơi đảo xa: “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba, đã vượt qua vượt qua…”.

Chị hát, chỉ một chút thôi, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được giai điệu giục giã lòng người của bài Nơi đảo xa: “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba, đã vượt qua vượt qua…”. Rồi chị chuyển qua giọng mượt mà, truyền cảm với một giai điệu dân ca: “Tình yêu em như sóng biển chiều hôm. Đã trao anh dạt dào bao kỷ niệm. Như vầng trăng sáng tỏ giữa khơi xa. Như hàng dương gió reo suốt bốn mùa. Em yêu anh như yêu bờ cát trắng. Lòng lo âu khi mùa bão qua đây. Em yêu anh như yêu câu ví dặm. Giận thì giận mà thương cũng thật nhiều”… (Yêu anh như yêu câu hò ví dặm).

Bài hát với lời mượt như nhung này là một trong những ca khúc yêu thích từ thủa học trò của chị Phượng. Chị cũng không ngờ được rằng, mấy chục năm sau, trong cuộc đời binh nghiệp, chị lại thường xuyên say sưa hát như thế. Bài “Thuyền và biển”, một ca khúc tình yêu mà ngư dân nằm lòng cũng thường xuyên được yêu cầu. Có những thuyền trưởng lúc cao hứng còn hát theo chị, cùng hòa điệu ca, một bên là phòng Icom giữa thành phố, đầu bên kia giữa Hoàng Sa mịt mù, hai giọng hát hầu như không còn khoảng cách.

Thuyền trưởng Lê Văn Chiến (tàu ĐNa 90251) không chỉ là một sói biển thực thụ mà còn là giọng ca có hạng trong giới ngư phủ. Mỗi lần anh cất giọng cùng chị Phượng qua Icom lời bài “Thuyền và biển”, cả Hoàng Sa dường như lặng phắc. Rất nhiều lần, chị hát cho cánh lưới vây, câu mực, nhưng cánh đi lưới cản nghe được, ngay lập tức phàn nàn, rằng, sao chị thiên vị thế. Thật dễ hiểu, nghề lưới vây, câu mực phải bật Icom 24/24, nên hầu như lúc nào rảnh rỗi, anh em ngư dân ở Hoàng Sa lại quây quần bên máy để được nghe chị Phượng hát. Lúc nào đó chị mệt thì ít nhất, những người đàn ông xứ biển cũng được ấm lòng phần nào khi chất giọng mềm mại trong trẻo lên tiếng an ủi. Còn nghề lưới cản, có những lúc phải tắt Icom, vì thế, chị phải ưu tiên và lại hát thật nhiều cho cánh này. Một chiến sĩ thông tin ở Đồn 248 nói rằng, trước đây, sự trao đổi giữa các anh và ngư dân chỉ đơn giản là: tọa độ nào, vùng biển nào, nhiều cá không…, rồi báo cáo hết. Hơi cứng nhắc và khô khan. Kể từ ngày có chị Phượng, không những ngư dân được an ủi, được động viên khích lệ bằng giọng nói mà cả tiếng hát, vì thế công tác tuyên truyền hiệu quả hơn hẳn.

Thuyền trưởng Lê Xuân Dũng và Nguyễn Văn Dũng: Nghe chị Phượng hát, anh em được tiếp thêm sức mạnh
Thuyền trưởng Lê Xuân Dũng và Nguyễn Văn Dũng: Nghe chị Phượng hát, anh em được tiếp thêm sức mạnh .

Kéo Hoàng Sa gần với đất liền

Cuốn sổ tay trên bàn làm việc của Đại úy Phượng dày đặc những cái tên thuyền trưởng, ngư dân: Lê Văn Chiến, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Phước, Lê Xuân Dũng, Nguyễn Văn Dũng, Lê Dũng, Đinh Văn Côi, Phan Văn Bổng… Những thuyền trưởng này nhiều lần được nghe chị hát giữa biển, khiến tâm hồn họ lắng dịu, như được tiếp thêm sức mạnh, xua đi cảm giác mệt nhọc bất an.

Thuyền trưởng Lê Xuân Dũng (tàu ĐNa 90305), kể: Mười mấy anh em quây quần trên tàu, tứ bề biển xanh sóng dữ, ngoài chuyện phiếm với nhau thì chiếc Icom là phương tiện khả dĩ nhất để nghe được giọng nói trực tiếp. Bọn tui ai cũng thích nghe chị Phượng hát. Hôm nào mệt thì chị nói cũng được. Lúc nào cũng mở Icom. Nghe được giọng chị thì anh em vui hẳn, hăng say lao động. Vì chị biết động viên tụi tui. Cần chừng đó thôi là quá sướng rồi”. Ngồi kế bên, anh Nguyễn Văn Dũng cười, tiếp lời: Mà kể cũng lạ nghe, được nghe chị Phượng động viên, hát cho vài câu, y rằng chuyến biển đó tổn (lời) nhanh hơn nhiều”. Với ngư dân, những câu hỏi ở đâu, tọa độ nào dường như khiến họ trả lời như máy, nhưng với chị Phượng, ngoài hỏi xác định vị trí, thì những an ủi, những lời “chúc các anh mau tổn” như một hiệu ứng sức mạnh tinh thần vô giá. Ngư dân vui, chị vui. Ngư dân buồn, chị âm thầm buồn không để lộ ra ngoài. Cũng có khi, một vài chiếc tàu rong ruổi mấy chục ngày không gặp luồng cá, bực tức quay sang cáu với cả Đại úy Phượng qua Icom. Chị vẫn nhẹ nhàng ai ủi: “Nói cho tôi biết, các anh có thì tôi mừng lắm, các anh chưa may, tôi buồn ghê gớm. Tôi nói chuyện để chúc các anh mau gặp cây (gặp luồng cá).

24 năm làm quân nhân, nhiều năm trực canh Icom làm bạn với ngư dân, giờ đây chị Phượng không những thông thạo nghề biển mà còn hiểu được những tiếng lóng của ngư dân. Thuyền trưởng Lê Văn Chiến bảo: Được nghe chị Phượng hát qua Icom, chúng tôi ở Hoàng Sa mà cảm thấy gần gũi với đất liền.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG