Hy vọng mới từ bò tót lai

Đàn bò tót lai F1 đứng nghếch mũi khụt khịt khi thấy người lạ lại gần. Ảnh: Ngô Bình.
Đàn bò tót lai F1 đứng nghếch mũi khụt khịt khi thấy người lạ lại gần. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Sau 7 năm chú bò tót “si tình” tách bầy xuống núi chung sống với bầy bò nhà ở Vườn Quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận, đã cho ra hàng chục chú bò lai thế hệ F1, đã mở ra hi vọng nhân giống được bò lai F2 có khả năng sinh sản tốt.

Vượt gần 100km đường rừng, đèo núi từ trung tâm thành phố Phan Rang, Tháp Chàm, chúng tôi cùng đoàn công tác nghiên cứu nhân giống bò tót lai bò nhà tìm đến Vườn Quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Nơi đây đang nuôi dưỡng 10 chú bò tót lai bò nhà thế hệ F1 với 5 con đực, 5 cái và gần chục bò Lai Sin để tìm cách nhân giống thế hệ F2.

Một khu vực rộng hơn 2ha được lập hàng rào che chắn cao hơn 3m để ngăn bò phá rào ra ngoài. Đàn bò tót lai thấy người đến gần liền dừng gặm cỏ, ngước đầu nhìn, mũi khịt khịt đánh hơi trông không khác gì những chú bò rừng cảnh giác con người. Dẫn chúng tôi ra thăm đàn bò, ông Não Ngọc En, người phụ trách chăm sóc đàn bò tót lai cho biết, đàn bò tuy đã được thuần hóa nhưng bản tính của bò tót vẫn không thay đổi. “Bình thường chúng khá hiền nhưng khi thấy người lạ lại gần thì cảnh giác và hung hăng lắm”, ông En nói.

Chỉ vào hàng rào chuồng trại cao hơn 3m, ông En cho biết, bò tót lai thường phi bay qua hàng rào để ra ngoài: “Trước đây hàng rào được làm cao khoảng 2m nhưng có những con vẫn lao bay qua để ra ngoài. Phải tốn công sức nhiều lắm mới bắt được chúng, tôi cùng mọi người phải chặt cây nới thêm cho cao lên để chống bò ra ngoài”, ông En nói.

Nhìn đàn bò tót lai F1 đang gặm cỏ, ông Nguyễn Công Văn, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết, sau thời gian dài cất công nghiên cứu, lai tạo với nhiều phương thức khác nhau, đến nay đã có một tia hi vọng khi chú bò tót lai F1 có dấu hiệu mang thai. Còn những chú bò đực lực lưỡng, khỏe mạnh thì phát triển rất tốt, chú lớn nhất hiện tại có trọng lượng trên 600kg, gấp 3 lần bò nhà bình thường.

Nhân giống bằng mọi giá

Thời gian đầu những chú bò lai F1 có giá bán chỉ tầm 10 đến 20 triệu đồng, nhưng khi đoàn nghiên cứu tâm huyết muốn mua thì người dân bất ngờ đẩy giá lên 40 triệu đồng, thậm chí có con phải mua với giá trên 65 triệu đồng. Ông Nguyễn Công Văn nói: “Người dân thấy mình có nhu cầu nên đẩy giá lên cao. Trong khi toàn bộ số bò lai khoảng gần 30 con đều của người dân nên đành phải mua trong khi kinh phí dự kiến chỉ 20 triệu mỗi con, phải mua với giá gấp 2, gấp 3. Thời gian ấy, ban dự án nghiên cứu gặp không ít khó khăn”.

Nói về dự án nghiên cứu lai tạo nhân giống bò tót lai F2, ông Vân cho biết, nguồn gen bò tót lai là rất quý hiếm và nếu nghiên cứu nhân giống thành công thế hệ F2 có khả năng sinh sản sẽ mở ra hướng bảo tồn nguồn gen quý hiếm này.  Dự án lai tạo bò tót thế hệ F2 vừa được Bộ KH-CN phê duyệt đầu tư kinh phí 13 tỷ đồng, sau khi đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò tót lai F1” được hai Sở KH-CN Ninh Thuận và Lâm Đồng cùng Vườn Quốc gia Phước Bình thực hiện thành công.

Để nhân giống, các nhà khoa học lập ra ba phương án lai tạo để thử nghiệm. Đầu tiên là cho lai giữa đực F1 với cái F1, sau một thời gian dài nhưng không có kết quả. “Phương án lai giữa bò lai F1 với nhau coi như đã phá sản, nhóm nghiên cứu dùng phương pháp thứ hai là cho lai giữa bò đực F1 với bò cái các giống khác như bò Lai Sin, Ra măng, bò Úc… Đến nay, có một vài dấu hiệu khả quan là chú bò cái F1 đã có dấu hiệu mang thai”, ông Vân nói.

Theo ông Vân, giai đoạn 2 của dự án nghiên cứu nhân giống bò tót lai F2 có khả năng sinh sản đã được Bộ KH-CN chấp thuận cấp vốn nhưng đến nay ban dự án vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu do chưa được giải ngân. “Mục đích của dự án nghiên cứu là chọn được giống bò F2 có đặc điểm của bò rừng như chống chịu được khí hậu, thiên nhiên, sức đề kháng bệnh cao và tầm vóc lớn…”, ông Vân nói.

Năm 2008, một con đực trong đàn bò tót gần 30 con cư trú ở rừng quốc gia thuộc hai huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, bỗng nhiên tách bầy, xuống núi khu bìa rừng thuộc Tiểu khu 20 của Vườn Quốc gia Phước Bình. Chú bò tót này đã gây biết bao phiền toái cho người dân khi húc bò đực nhà, phá hoa màu khiến nhiều người dân khi đó đã mang đơn đi kiện Vườn Quốc gia. Sau đó vài tháng, con bò tót này đã phối giống với bò cái chăn thả của người dân địa phương để cho ra đời những con bò tót lai đầu tiên có giá đắt hơn nhiều lần bò nhà.

MỚI - NÓNG