Bà Thanou (65 tuổi) được xem là nữ thủ tướng đầu tiên của Hy Lạp, dù chỉ trên danh nghĩa tạm quyền.
Bà được TT Pavlopoulos bổ nhiệm trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 20 hoặc 27-9 tới sau những nỗ lực thành lập liên minh cầm quyền thất bại. Các nhà lãnh đạo đảng đối lập Hy Lạp đã kết thúc 1 tuần đàm phán không có kết quả với dự dịnh thiết lập chính phủ mới.
Sau khi đệ đơn từ chức, ông Tsipras kêu gọi một cuộc bầu cử sớm để hy vọng trở lại nắm quyền nhờ vào uy tín mạnh mẽ đối với hầu hết cử tri. 25 nghị sĩ trong Đảng Syriza cầm quyền của ông trước đó phản đối gói cứu trợ tài chính thứ 3 trị giá 86 tỉ euro ký với các chủ nợ châu Âu.
Trong một tuyên bố trên truyền hình hôm 20-8, ông Tsipras cho biết mình đã làm việc chăm chỉ để đảm bảo các gói cứu trợ tốt nhất cho đất nước nhưng bây giờ ông cần người dân Hy Lạp trao nhiệm vụ rõ ràng hơn để giải quyết tất cả khó khăn.
Dự kiến giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, ông Tsipras cũng đã bác bỏ việc liên minh với bất kỳ đảng đối lập nào, kể cả Đảng Dân chủ mới, Pasok và The River.
Đầu tuần này, một cuộc thăm dò ý kiến trên đài Vergina TV của Hy Lạp cho thấy tỉ lệ ủng hộ Đảng Syriza giảm xuống còn 24% so với 34% hồi tháng 7. Đảng Dân chủ mới đứng thứ 2 với 22%, trong khi Đảng Golden Dawn cực hữu chiếm vị trí thứ 3 (6%). Đứng thứ 4 là Đảng Popular Unity (tách ra từ Đảng Syriza), 4,5%.
Thủ lĩnh Đảng Popular Unity Panagiotis Lafazanis cũng là người cuối cùng trong 3 lãnh đạo các đảng phái chính trị Hy Lạp được trao cơ hội hình thành chính phủ mới. Tuy nhiên, các thông điệp chống cứu trợ tài chính của ông đã không mang lại hiệu quả.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis quyết định không tham gia Đảng Popular Unity dù ông cũng phản đối gói cứu trợ. Phát biểu với đài ABC News của Úc hôm 26-8, ông tuyên bố không ra tranh cử vào tháng 9 vì không còn tin vào những gì Đảng Syriza và ông Tsipras đang thực hiện.