“Cố đấm” mà chẳng được… “ăn xôi”
Vụ việc hy hữu này xảy ra tại Quận Ninh Kiều – TP. Cần Thơ vào năm 2013, bà Phạm Thị Thanh (58 tuổi) đã làm đơn yêu cầu tòa án chia lại tài sản chung với người chồng cũ là ông Trần Văn Vân, 63 tuổi.
Bà Thanh và ông Vân lấy nhau từ những năm 70 của thế kỷ XX. Nhưng đến năm 1985, cả hai người đều đồng ý ly hôn. Lúc đó TAND Cần Thơ là đơn vị trực tiếp đứng ra giải quyết đơn ly hôn của hai người, đồng thời phân chia tài sản chung của hai người là mảnh đất rộng 160m2 nằm ở phường An Khánh bây giờ.
Bà Thanh được 30m2, còn ông Vân được 130m2. Đến năm 2005, cả hai người đều được chính quyền cấp sổ đỏ mà không có bất kỳ khiếu nại gì. Nhưng không ngờ đến năm 2010, bà Thanh bất ngờ làm đơn gửi đến cơ quan chức năng yêu cầu đòi phải phân chia lại tài sản của hai người
Theo bà Thanh, quãng thời gian chung sống cùng với ông Vân gần 10 năm, bà đã phải hy sinh rất nhiều. Ngoài vấn đề sức khỏe, còn tuổi thanh xuân của bà cũng bị lãng phí vì đã chọn nhầm người chồng. Chính vì thế số diện tích 30m2 đất chẳng thấm tháp vào đâu so với công sức mà bà đã hy sinh. Nên nay muốn đòi lại sự công bằng cho mình.
Tuy nhiên, vì trước đó TAND Cần Thơ (cũ) đã tiến hành phân chia tài sản, cả hai người đều không có khiếu nại gì. Giấy tờ cho số tài sản phân chia đó cũng được làm xong nên TAND Q. Ninh Kiều bác yêu cầu của bà Thanh, đình chỉ vụ việc và ghi nhận ý kiến ông Vân hỗ trợ cho bà Thanh 30 triệu đồng.
Không đồng tình, bà Thanh làm đơn phúc thẩm. Nhưng HĐXX một lần nữa thấy bà Thanh không có căn cứ vì sự việc đã xảy ra trong một thời gian dài. Do đó, HĐXX đã bác bỏ đơn khiếu nại của bà Thanh, đồng thời chấp thuận với cách giải quyết trong phiên xử sơ thẩm tại TAND quận Ninh Kiều trước đó.
Tuy nhiên, lúc này ông Vân lại không chấp nhận hỗ trợ cho bà Thanh 30 triệu đồng như lúc trước đã nói ở TAND quận Ninh Kiều. Bởi ông cho rằng, bà Thanh đã “cố đấm ăn xôi”, không nghe lời ông rút đơn mà vẫn cố tình khiếu nại đòi chia tài sản.
Phải chứng minh được thiệt hại
Nhận định về vụ kiện của bà Thanh, Luật Trần Quốc Đạt – Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, nguyên đơn khó nhận được phần thắng bởi vụ việc đã xảy ra quá lâu. Hơn nữa, tại thời điểm khởi kiện, bà Thanh không có bằng chứng chứng minh thiệt hại.
“Bà Thanh nói hi sinh tuổi thanh xuân vì chồng nhưng mấu chốt của vấn đề là kết quả của sự hi sinh đó như thế nào, việc đó đã gây hại cho bà ra sao. Ngoài ra, bà Thanh lấy ông Vân là tự nguyện chứ không phải là gượng ép nên không thể nói là hy sinh được” – ông Đạt nói.
Trong khi đó, Luật sư Phạm Xuân Nam – Đoàn Luật sư Bến Tre lại có ý kiến khác khi cho rằng, bà Thanh hoàn toàn có quyền khởi kiện, yêu cầu phân chia lại tài sản khi thấy chưa thỏa đáng.
Ông Nam nói: “Mặc dù vụ việc xảy ra đã lâu nhưng có thể do một nguyên nhân nào đó khiến bà Thanh không thể khiếu nại trong thời gian ngắn. Nếu như bà Thanh đưa ra được những bằng chứng thì tòa án cấp phúc thẩm có thể hủy bản án trước đó mà phân xử lại từ đầu. Khi đó, bà Thanh hoàn toàn có cơ hội lấy thêm một phần tài sản từ người chồng”.