Huyền thoại về Đội nữ lái xe Trường Sơn

Bà Vân (ngoài cùng bên phải) tham dự chương trình Ký ức màu cờ
Bà Vân (ngoài cùng bên phải) tham dự chương trình Ký ức màu cờ
TP - Là đội nữ lái xe duy nhất trên đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ, 45 nữ tài xế ngày ấy nay chỉ còn 31 người. Khi xung phong ra chiến trường, họ đều mới chỉ 16, 17 tuổi. Những người giản dị ấy, nhưng là chứng nhân của lịch sử, là những người góp phần làm nên Tổ quốc.

Khi phụ nữ cầm vô lăng

Để đảm bảo an toàn và bí mật, đội xe chủ yếu hành quân vào ban đêm, xuất phát từ 5h chiều hôm trước, quay về đơn vị lúc 5h sáng hôm sau. Tất cả đèn xe đều tắt, lái xe chỉ căn cứ vào cái “đèn rùa” bằng ngón tay dưới gầm xe để lái. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, trước mặt, sau lưng có thể bị dội bom bất cứ lúc nào, và chở trên xe là 30 tân binh (đường vào), chừng 20 thương binh (đường ra), bà Vân bảo: Lúc ấy trẻ, thần kinh vững nên cứ đi phăm phăm. Hôm nào có trăng là mừng lắm, vì nhìn đường rõ. Lúc có pháo sáng người ta thì sợ, lái xe lại mừng, vì nhìn đường rõ hơn.

Lái xe nam vất một thì lái xe nữ phải vất năm vì chênh lệch thể lực. Bà Vân chia sẻ: “Khổ nhất là mỗi lần làm lốp, nhíp, có chị em khóc lên vì bất lực. Dần dần chúng tôi cũng nghĩ ra cách khắc phục. Nếu nam giới thay lốp chỉ cần dùng tay vặn một hơi, thì nữ giới không có sức, chúng tôi phải dùng hai chân đạp để nới ốc lỏng ra mới vặn được bằng tay. Hút xăng cũng thế, xe có thùng xăng ở trên, đến điểm nghỉ, lái xe phải cắm vòi hút xuống. Nam giới khỏe chỉ cần hút một hơi, thì chị em hút mấy hơi mới xuống, nhiều chị uống xăng liên tục. Sau này hơn mười người trong đội chúng tôi đều mất vì ung thư”.

Ở đội nữ lái xe ngày ấy, bà Vân được gọi là Vân “hoa lá” bởi lúc nào cũng cài lá và hoa rừng trong cabin. Để cho tiện, các lái xe nữ thường cuốn gọn mái tóc dài rồi đội mũ mềm lên khiến nhiều anh bộ đội không nhận ra, cứ tưởng là lái xe nam. Mềm mại thế, nhưng lúc đối mặt sinh tử, trong lần xe đang đi qua ngầm thì gặp máy bay ném bom, tiểu đội trưởng mới ngoài hai mươi tuổi Bùi Thị Vân lại rất bình tĩnh chỉ huy, vận chuyển thương binh vượt qua ngã ba Đồng Lộc, kiên quyết không bỏ xe, bỏ đồng đội.

“Các anh ấy vỗ vào thùng xe ầm ầm, kêu chúng tôi chạy trước, còn các anh bị thương rồi thì hy sinh cũng được. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ họ đã mất một phần máu xương nơi chiến trường rồi, mình không đảm bảo được an toàn cho cả người và xe thì có tội nên bẻ lái, tăng ga chạy khỏi trận pháo kích trên đầu. May sao công binh trực ở ngầm giúp cõng thương binh vào nơi trú ẩn, ngớt bom rồi thì lại chạy tiếp”, bà kể.

Cũng vì áp lực và cường độ công việc cao, sau ba năm cầm vô lăng, sức khỏe của các lái xe nữ đều xuống cấp. Lúc này họ được cấp trên điều về hậu phương, “lái trên đường bằng” cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Chúng tôi đều từng được “truy điệu sống”

Tôi gặp bà Bùi Thị Vân, nguyên là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 của đội nữ lái xe Trường Sơn khi bà vừa tham dự chương trình “Ký ức màu cờ” của Đài Truyền hình Việt Nam. Người phụ nữ hơn 70 tuổi, từng trầm cảm nặng vì sự ra đi của người chồng – vốn cũng là một anh lái xe ở Trường Sơn, phải thường xuyên dùng thuốc chống trầm cảm, thế nhưng trong ký ức của bà, những câu chuyện gắn liền với các chuyến xe trên cung đường đầy bom đạn lại rõ ràng, mạch lạc như những thước phim quay chậm, từng chi tiết nhỏ đều được ghi nhớ rõ ràng.

Giống như nhiều đồng đội khác, bà Vân đi thanh niên xung phong từ 16 tuổi. Sau ba năm chuyên san lấp hố bom bà được binh trạm 12 cho đi học lái xe. “Lúc ấy sướng lắm, dù học cực lắm. Tôi phải đệm một cái chăn dưới ghế cho đủ độ cao, lại chèn một cái can 20 lít sau lưng để có thể đẩy người phù hợp với độ cao vô lăng. Học tất cả 45 ngày, sau đó cứ hai người một xe, hoặc là Zin130, hoặc là Gaz 51, Gaz 69… ngày nào cũng đi đi về về hơn trăm cây số đường núi, bom cày liên miên”, bà nhớ lại.

Huyền thoại về Đội nữ lái xe Trường Sơn ảnh 1 Bà Vân tập lái trên chiến trường

Về đội lái huyền thoại này, Thiếu tướng - AHLLVT Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn 12 cho biết: Năm 1968, trên tuyến đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ huy động lực lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm, nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam càng trở nên cấp bách, lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu.

Trung đội đảm nhận vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường miền Nam; đưa thương binh, bệnh binh, cán bộ từ chiến trường ra miền Bắc điều dưỡng, học tập…, với tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn, trong đó có nhiều trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt như Ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại, 050, Cổng Trời... “Có khi trên đường, thấy bom dội xuống, nguyên một xe đi trước mình không còn ai. Nói thật là không còn nước mắt để khóc nữa. Chính vì thế mà trước nhiều chuyến đi, chúng tôi được đơn vị làm lễ “truy điệu sống”. May thế nào, sau ba năm cống hiến, cả 45 chị em đều an toàn trở ra”,
bà Vân kể.

Cuộc sống hiện tại

Đầu năm 1972, trung đội nữ lái xe Trường Sơn được điều về Trường đào tạo lái xe D255, thuộc Cục quản lý xe máy. 45 cô gái lái xe trở thành giáo viên đào tạo cho 2 khóa học viên gồm 300 lái xe nữ. Đội quân này tiếp tục phục vụ tại các kho xe, kho hàng, bệnh viện quân đội thay cho các lái xe nam ra trận. Trong lễ duyệt binh mừng đất nước hoàn toàn giải phóng, trong đội hình duyệt binh có các nữ lái xe thông tin, xe kéo pháo 37 ly, xe chở dân quân tự vệ.

Huyền thoại về Đội nữ lái xe Trường Sơn ảnh 2  Đội xe gặp mặt sau nhiều năm mất liên lạc

Năm 1975, nhiệm vụ hoàn thành, bà Vân xin chuyển ngành nhưng nữ lái xe lúc ấy là một hình ảnh lạ lẫm nên “không ai nhận”, tìm việc hành chính thì lương cao vì lúc đó bà đã là đại đội phó, xin mãi chả được, thế là bà về phục viên, không có chế độ gì ngoài khoản lương thương binh 1,4 triệu đồng mỗi tháng (tính ở thời điểm hiện tại).

Năm đứa con lần lượt ra đời, cô hoa khôi đội lái năm xưa phải đi làm ruộng, mò cua bắt ốc, đi khâu giầy ở hợp tác xã, buôn thúng bán bưng... để cùng chồng nuôi con. Tay lái lụa lẫy lừng đường Trường Sơn một thời chỉ còn hữu dụng ở những lúc chồng lái xe chở hàng về mệt quá chưa kịp đỗ cho chỉnh tề thì bà lên xe, đỗ lại.

45 nữ lái xe bận rộn với mưu sinh, cũng bẵng đi mất liên lạc. Mãi sau này, họ được vợ chồng nhà văn Chu Lai tìm đến và đưa câu chuyện về đội xe độc nhất vô nhị này lên đài, các tổ chức mới biết đến. Bà Vân vẫn nhớ, lần gặp mặt đầu tiên của mấy chị em là với tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ông Nguyên thấy chị em gầy gò khó khăn quá, mới điện cho cục hậu cần tặng mỗi người bộ quân phục để dùng đi họp hành, gặp mặt.

Cũng từ đó, hàng năm đến ngày truyền thống 18/12, đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa vẫn gặp mặt nhau ôn lại chuyện cũ và luôn ghi nhớ lời đội trưởng Phùng Thị Viên: “Đời có thể quên chúng mình, nhưng chị em chúng mình đừng bao giờ quên nhau”. 

Trung đội nữ lái xe Trường Sơn là đội nữ duy nhất trong hai cuộc kháng chiến. Năm 1970, trung đội nữ lái xe được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng ba, 28 người được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng ba, nhiều người là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. Năm 2014, đại đội nữ lái xe C13 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đại đội trưởng Phùng Thị Viên được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

 

Tình yêu từ chuyến xe

Bà Vân gặp tình yêu của đời mình trên một chuyến xe chở thương binh về quân khu điều trị. Anh Nguyễn Trần Đừng (cũng là lái xe) lúc ấy bị thương ở chân, không đi được, phải nhờ lái xe Vân cõng. Trúng tiếng sét ái tình, về trại an dưỡng đến khi tập tễnh đi được, anh Đừng chống nạng, mượn xe đạp đi từ Đông Anh xuống Thường Tín để thăm người thương. 

“Có khi tôi đi công tác 11h mới về vẫn thấy anh đứng ở cổng đơn vị, hỏi sao anh không về đi, mưa gió rét rồi, anh bảo chờ bao giờ trông thấy em về thì anh về. Có hôm tôi đang học lớp chính trị viên buổi tối đã thấy anh đứng ở ngoài, chân chống nạng, đội áo mưa đứng đợi chỉ để đến khi nào giải lao tôi ra gặp được một lát rồi về”, bà Vân nhớ lại. Ba năm sau hai người làm đám cưới. Khi đó bà 27 tuổi.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.