Huyện 'nghèo nhất nước' xây tượng đài hơn 14 tỷ đồng: Lãnh đạo huyện giãi bày

 Tượng đài chiến thắng Khâm Ðức đang được huyện nghèo Phước Sơn (Quảng Nam) đầu tư xây dựng với dự toán kinh phí 14 tỷ đồng Ảnh: Nguyễn Thành
Tượng đài chiến thắng Khâm Ðức đang được huyện nghèo Phước Sơn (Quảng Nam) đầu tư xây dựng với dự toán kinh phí 14 tỷ đồng Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Một tượng đài có dự toán hơn 14 tỷ đồng, quy mô đang được huyện nghèo Phước Sơn  đầu tư xây dựng.

Một tượng đài có dự toán hơn 14 tỷ đồng, quy mô đang được huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đầu tư xây dựng. Ðiều đáng nói, Phước Sơn là huyện nghèo nằm trong nhóm 1 (gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh) đang hưởng chính sách 30a của Chính phủ. Việc huyện này đầu tư xây dựng tượng đài hoành tráng, khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Tượng 14 tỷ xây 3 năm chưa xong

Tượng đài chiến thắng Khâm Đức được khởi công xây dựng từ năm 2017, sau 3 năm thi công đến nay vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện. Tượng đài nằm bên trục đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn), để có mặt bằng thi công, huyện phải đền bù đất cho một số hộ. Cả một quả đồi đã được hạ thấp để phục vụ việc thi công.

Ông Nguyễn Quảng, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: Dự kiến tháng 8/2020 tượng đài hoàn thành. Việc tượng đài sau 3 năm chưa xây dựng xong do vướng giải phóng mặt bằng. Giá đền bù thấp nên một số hộ dân không đồng ý, huyện phải vận động, thuyết phục.

“Dự toán ban đầu, tượng đài khoảng 14 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Từ lúc khởi công, mỗi năm huyện bỏ 3 đến 4 tỷ đồng để phục vụ việc xây tượng. Để hoàn thiện công trình có nhiều chi phí phát sinh anh em chưa tính toán được”, ông Quảng cho biết.

Xây tượng để phát triển du lịch?

Việc xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức để “giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng và góp phần phát triển du lịch, thay đổi cơ cấu kinh tế” là giải thích của lãnh đạo huyện Phước Sơn. Điều đáng nói, hiện tại huyện Phước Sơn đang là 1 trong 3 huyện nghèo của Quảng Nam nằm trong nhóm 1 (gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh) đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của Phước Sơn là 25,61%, theo ông Quảng, thời gian qua vốn 30a của Chính phủ được huyện sử dụng hiệu quả, 100% xã đã có đường giao thông nông thôn, các công trình điện đường trường trạm đã được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 5 - 7%/năm. Việc xây dựng tượng đài huyện không lấy từ nguồn vốn 30a của Chính phủ.

Việc huyện đầu tư xây dựng tượng đài quy mô, ông Quảng cho biết: “Đây là tâm nguyện của chính quyền và nhân dân huyện nhà”. Tuy nhiên, khi được hỏi  trước khi đầu tư xây dựng huyện có lấy ý kiến người dân và các địa phương hay không? Ông Quảng cho hay: Lâu rồi nên không rõ việc này!

“Ngoài việc giáo dục truyền thống, mục tiêu của huyện muốn làm nơi đây thành một quần thể để phát triển du lịch, thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương”, ông Quảng nói. Đồng thời cho biết, ngoài tượng đài, theo quy hoạch nơi đây sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm công viên hồ Mùa Thu, khu bảo tồn văn hoá người Bhnong và khu du lịch tâm linh chùa Yên Sơn.

Trước đây, báo Tiền Phong từng phản ánh nhiều công trình được đầu tư tiền tỷ nhưng bỏ hoang, chậm tiến độ ở huyện nghèo Phước Sơn như: Trạm kỹ thuật nông nghiệp huyện, bến xe Khâm Đức… Để tránh tình trạng lãng phí công trình tượng đài sau khi hoàn thành như những công trình trên, ông Quảng cho biết: Tổng quần thể khu vực đang xây rộng khoảng 10ha, huyện sẽ tiếp tục đầu tư theo từng năm, và hoàn thiện dần dần. Dự án cải tạo công viên hồ Mùa Thu huyện đang kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia. Khu bảo tồn văn hoá người Bhnong theo kế hoạch sẽ được xây dựng, ở đó mỗi địa phương sẽ làm một nhà làng, cùng với đó sẽ đầu tư để khôi phục nghề thổ cẩm truyền thống. Đồng thời, chùa Yên Sơn sẽ được đầu tư xây dựng thêm để người dân du khách đến du lịch tâm linh.

Ông Quảng cho rằng, nếu có tiền làm cả một tổng thể thì bà con sẽ thấy rất đẹp. Tương lai sau khi hoàn thành công trình tượng đài và các công trình khác, nơi đây sẽ là địa điểm thu hút khách du lịch. “Đó là mục tiêu lâu dài. Còn trước mắt sau khi hoàn thành đây sẽ là nơi để người dân có chỗ thể dục, vui chơi, dạo mát, ngắm cảnh…”, ông Quảng cho biết.

Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nơi có 75% là người dân tộc Bhnong. Cùng với các huyện Tây Giang, Ðông Giang, Nam Trà My, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, huyện Phước Sơn nằm trong danh sách các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG