Sự thật hành trình trần ai: Nhà báo ơi, cứu bệnh nhân

"Nhà báo Hoàng Thiên Nga chứng minh ông Doãn Hữu Long báo cáo sai sự thật với lãnh đạo tỉnh".
"Nhà báo Hoàng Thiên Nga chứng minh ông Doãn Hữu Long báo cáo sai sự thật với lãnh đạo tỉnh".
TP - Sau gần 5 năm kể từ ngày Tiền Phong đăng bài đầu tiên phản ánh dấu hiệu tham nhũng trong việc đấu thầu thuốc chữa bệnh 2014-2015 do Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức, 10 người liên quan vừa bị khởi tố. 

Từ số này, báo Tiền Phong khởi đăng loạt ghi chép của nhà báo Hoàng Thiên Nga kể lại hành trình 5 năm đấu tranh tìm sự thật. 

Từ đầu năm 2015, nhiều bác sĩ đã gửi cho tôi (khi đó là trưởng Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên) những tin nhắn về việc thiếu thuốc chữa bệnh nghiêm trọng trong hệ thống cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh Đắk Lắk. Có người nhắn khẩn thiết “nhà báo ơi, cứu bệnh nhân”…

Lúc bấy giờ, Sở Y tế Đắk Lắk mới công bố kết quả trúng thầu đợt đấu thầu mua thuốc khám chữa bệnh năm 2014-2015 hơn 2 tháng trước. Vừa đấu thầu xong, sao lại thiếu thuốc? Tôi đi tìm câu trả lời, không ngờ ngày càng phải chứng kiến nhiều góc khuất về chuỗi hành vi tiêu cực, tham nhũng và những thủ đoạn che giấu hành vi xấu của “nhóm lợi ích y tế”.

Sự thật hành trình trần ai: Nhà báo ơi, cứu bệnh nhân ảnh 1 Ông Doãn Hữu Long báo cáo sai sự thật trong cuộc họp báo tại UBND tỉnh

Trong cuộc dấn thân truy lùng sự thật kéo dài 5 năm qua, tôi đã phải đối mặt với các thủ đoạn mua chuộc, đe dọa, bôi nhọ, vu khống, khủng bố tinh thần, phải vượt qua vô số chông gai, thử thách để không phụ niềm tin của bạn đọc vào một nhà báo, một tờ báo đi đầu trong sự nghiệp chống tiêu cực, tham nhũng. Thật không dễ chút nào để chứng minh với các cơ quan chức năng, đồng nghiệp và cộng đồng xã hội rằng mình đã chiến đấu cho một sự nghiệp y tế lành mạnh, trong sạch, không chút tư lợi.

Giữa năm 2015, tôi bắt đầu điều tra về vụ đấu thầu thuốc 2014-2015. Điều này đối với tôi không quá khó khăn, vì gần 10 năm trước đó, vào đầu nhiệm kỳ giám đốc sở của bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, tôi cũng từng viết loạt bài phanh phui việc đấu thầu thuốc đầy sai phạm. Họ dành “miếng bánh to” cho các công ty dược “sân sau” tại sở y tế tỉnh này, khiến lãnh đạo tỉnh buộc sở phải hủy kết quả trúng thầu để tổ chức đấu thầu lại, có sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng. Một số công ty dược bất bình vì bị “chơi xấu” tại cuộc đấu thầu thuốc 2014-2015 đã không ngần ngại cung cấp cho tôi các bộ hồ sơ đấu thầu, kèm nhiều tài liệu liên quan, để chứng minh nhóm lợi ích tại Sở Y tế Đắk Lắk phạm pháp như thế nào.  

Kết quả xác minh cho thấy danh mục mời thầu có 1.197 mặt hàng, nhưng chỉ 666 mặt hàng trúng thầu. Tham mưu của phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế bất chấp nội dung dự trù thuốc của các bệnh viện, khiến danh mục và số lượng thuốc bị xáo trộn, không còn theo nhu cầu thực tế do các bệnh viện đề xuất. Có mặt hàng số lượng ít tới vô lý, như ống chích giảm đau Diclofenac cả tỉnh chỉ có 20 ống, thuốc điều trị ung thư Tyracan 100 chỉ có 148 viên... Trong khi nhiều mặt hàng khác nhiều tới mức bất thường như thuốc tim mạch Dobutamin trúng thầu tới 44.118 ống; thuốc gây mê Bupivacain trúng tới 70.600 ống...

Sự thật hành trình trần ai: Nhà báo ơi, cứu bệnh nhân ảnh 2 Bệnh nhân suy thận mãn thiếu thuốc tới kể khổ tại VP báo Tiền Phong
Nước mắt ông giám đốc

Chưa đầy một tháng sau khi Sở Y tế công bố kết quả đấu thầu thuốc 2014-2015, nhiều mặt hàng mới trúng thầu vừa cung ứng xong đã hết. Các bệnh viện phải liên tục gửi công văn xin bổ sung hàng trăm loại thuốc điều trị cấp bách. Tình trạng hỗn loạn vì thiếu thuốc xảy ra khắp nơi. Nhiều bệnh nhân nặng cần được điều trị tại chỗ phải xin chuyển viện về TPHCM. Các bệnh nhân suy thận mãn đến báo Tiền Phong kể khổ, nói rằng vì sở y tế không quan tâm mua vật tư và dung dịch thẩm phân phúc mạc, khiến họ phải lênh đênh xe đò hằng tháng vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM điều trị.

Có bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh kể: “Bệnh viện liên tục gửi công văn xin bổ sung thuốc gấp nhưng không được đáp ứng kịp thời, chúng tôi đau lòng chứng kiến không ít bệnh nhân chết oan. Vậy mà còn bị Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long đe nẹt, bảo kêu gì mà kêu lắm thế, hết loại kháng sinh này thì lấy loại thuốc khác cho họ uống. Thử hỏi ông ấy là bác sĩ chuyên khoa 2, thừa biết việc đổi loại kháng sinh trong điều trị gây hại cho bệnh nhân như thế nào, đạo đức nghề nghiệp ở đâu mà tàn nhẫn chỉ đạo như thế”?

Được ai đó “mách” về việc tôi đang tìm hiểu thực trạng thiếu thuốc tại cơ sở, ông Doãn Hữu Long nhiều lần điện thoại cho tôi, năn nỉ xin gặp dù tôi dứt khoát từ chối. Cho tới khi một cán bộ phòng PA83 Công an tỉnh biết rõ việc này, đề nghị: “Chị cứ gặp, rồi cho chúng tôi biết nội dung trao đổi. Chúng tôi sẽ cử người theo dõi, bảo vệ”. Tôi cho ông Long biết tôi đồng ý gặp, với điều kiện không ăn nhậu, chỉ cà phê trò chuyện, ông Long không được hối lộ, gài bẫy, không mang theo bất cứ phong bì quà cáp gì, và phải trả lời đúng sự thật những điều tôi sẽ hỏi.

Sáng cuối tuần đó ông Long lái ô tô vòng vèo chạy trước, tôi lái xe theo sau. Những điểm hẹn tôi chọn ông đều “xin đừng” vì ở nơi đông đúc, “sợ người ta thấy”. Tới gần trưa ông mới dừng xe dưới bóng cây một nhà hàng khuất sâu trong khối 7 phường Tân Lợi rồi bước nhanh, khuất ngay vào dãy phòng phía sau. Sân vườn thênh thang hoàn toàn vắng vẻ khiến tôi ít nhiều ngại ngần, cảnh giác.

Bước vào căn phòng mờ tối mà ông Long ngồi đợi sẵn, tôi đề nghị ông tự đứng lên mở toang các ô cửa ra cho ánh sáng tràn vào, gọi nhân viên phục vụ đến rồi mới bắt đầu câu chuyện. Tôi vừa hỏi: Anh đã thấy hậu quả bệnh nhân cả tỉnh này đang gánh chịu vì cuộc đấu thầu thuốc sai trái do anh làm chủ tịch hội đồng chưa? Ông Long cúi đầu im lặng, rồi bất ngờ bật khóc. Ông sụt sịt, nức nở mãi tới nỗi tôi đành phải nhắc: Anh ạ, tôi tới đây có phải để nghe anh khóc đâu...

Tôi vừa hỏi: Anh đã thấy hậu quả bệnh nhân cả tỉnh này đang gánh chịu vì cuộc đấu thầu thuốc sai trái do anh làm chủ tịch hội đồng chưa? Ông Long cúi đầu im lặng, rồi bất ngờ bật khóc. Ông sụt sịt, nức nở mãi tới nỗi tôi đành phải nhắc: Anh ạ, tôi tới đây có phải để nghe anh khóc đâu... 

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG