|
Trọng tâm vào 4 Nghị quyết lớn
Bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biến động do dịch COVID-19, huyện Ia Grai của Gia Lai cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, với nội lực của mình, Ia Grai đã vươn mình, đưa ra những quyết sách đầu tư đúng đắn, đem lại những thành tựu kinh tế - xã hội đáng nể.
Bốn Nghị quyết (NQ) được huyện Ia Grai “đóng” làm bộ khung, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế- xã hội. 4 NĐ “xương sống” lần lượt là: Phát triển du lịch; phát triển đô thị; phát triển công nghiệp và thu gom rác thải sinh hoạt. Đồng hành với 4 NQ là 2 khâu đột phá, đó là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Về du lịch, Ia Grai là địa phương rất giàu tiềm năng, có lợi thế lớn của tỉnh Gia Lai. Huyện này có nhiều thắng cảnh do thiên nhiên ban tặng như: Thác Mơ nằm trên một nhánh của dòng sông Pô Cô. Trên dòng sông có lòng hồ thủy điện lớn nhất tỉnh Gia Lai (hệ thống sông Sê San); giữa lòng hồ lại có di tích lịch sử bến đò A Sanh. Sản vật các loài cá ở sông Sê San rất lớn (cá lăng) nức tiếng miền Trung – Tây Nguyên. Đến nỗi, nhiều ngư dân ở miền Tây lên đánh bắt, chỉ với khâu truyền thống (thả lưới, câu…) đã đem lại thu nhập khoảng 1 triệu đồng một ngày. Mỗi năm, huyện còn tổ chức thành công Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, cùng liên hoan văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên thu hút hàng vạn du khách. Đến nay, khẳng định rằng hướng đi của NQ du lịch ở Ia Grai đã đúng hướng và thành hiện thực.
Để tạo sức bật cho ngành du lịch, huyện Ia Grai đang điều chỉnh quy hoạch phân khu Bờ Đông sông Pô Cô để thu hút các dự án du lịch sinh thái nghĩ dưỡng, kết hợp tham quan trải nghiệm, sau khi hoàn thành quy hoạch sẽ có tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư của huyện nói riêng và cả tỉnh Gia Lai nói chung. Một lời gọi mời rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh về tiềm năng du lịch ở huyện này.
Về Nghị quyết phát triển đô thị, huyện Ia Grai được hình thành vào những năm 1980. Với vị trí đặc biệt là căn cứ chuyển quân cho chiến trường miền Nam. Sau giải phóng, nhiều công ty, doanh nghiệp (Binh đoàn 15, các Công ty cao su, cà phê…) đã góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn huyện. Cho đến hôm nay, các doanh nghiệp này tiếp tục giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao dân trí gắn với đầu tư hạ tầng, an sinh cho xã hội rất lớn cho địa phương. Thị trấn Ia Kha của huyện Ia Grai được thành lập khá sớm, tuy nhiên hạ tầng vẫn phát triển chưa như kỳ vọng. Tình hình này đặt ra nhiều trăn trở cho lãnh đạo huyện, từ đó NQ phát triển đô thị được huyện Ia Grai ban hành vào năm 2019-2020, đóng khung cho sự tăng tốc thời gian tới. Mục tiêu đặt ra đến cuối nhiệm kỳ, phấn đấu đủ điều kiện lên đô thị loại IV. Huyện Ia Grai đã điều chỉnh quy hoạch đô thị được UBND tỉnh phê duyệt, mở rộng theo hướng Đông và Đông bắc. Cụ thể, đầu tư các con đường hiện có, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp nước sạch… hình thành thêm các con đường mới, đặt tên tại 50 con đường, lắp tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng công cộng và lắp camera trên các con trường trung tâm thị trấn.
|
Đô thị Ia Grai đang trên đà sầm uất
Lâu nay, Ia Grai được biết đến là huyện nông nghiệp, chuyên xuất thô các sản phẩm cao su, cà phê, điều, cây ăn trái, sản phẩm cá sông… dù lực lượng lao động rất dồi dào, nhưng khâu chế biến tại chỗ, tạo việc làm tại chỗ lại chưa được phát huy.
Để tháo “điểm nghẽn” này, huyện Ia Grai đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp phía Đông và cụm công nghiệp phía Tây). Về Cụm công nghiệp phía Đông, huyện cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư, diện tích khoảng 54 ha, hiện Sở Kế hoạch - Đầu tư đang hoàn thiện báo cáo UBND tỉnh để các nhà đầu tư vào hoạt động. Trong năm 2023, huyện Ia Grai sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm hoàn chỉnh khu công nghiệp phía Đông này, tổng mức đầu tư trên dưới 300 tỷ đồng.
Cụm công nghiệp hình thành nằm trên quốc lộ 14C và tuyến tránh pleiku rất thuận lợi cho việc giao thông, vận chuyển hàng hóa. Các sản phẩm giày da, may mặc, sản phẩm nông nghiệp tập trung về đây sơ chế, đóng gói, xuất đi các tỉnh thành trong cả nước, làm tăng giá trị mặt hàng hóa rất lớn cho tỉnh Gia Lai. Các nhà đầu tư đã sẵn sàng đầu tư ngay khi có mặt bằng và được cấp phép đầu tư của tỉnh. Khi huyện Ia Grai chào đón các nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp rất hài lòng vì huyện đã được tạo quỹ đất sạch dành cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Các công ty ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… đã chờ sẵn mở công ty, chi nhánh tại Ia Grai để sản xuất giày da, may mặc.
Hiện UBND huyện Ia Grai đang chỉ đạo rà soát các cơ sở đầu tư, kinh doanh nhỏ lẻ có nhu cầu đăng ký về Cụm công nghiệp; khuyến khích các ý tưởng, đề án kinh doanh để cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo cú hích phát triển cho huyện và tỉnh nói chung.
Tạo đòn bẩy cho kinh tế, Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và UBND huyện cùng các cấp ngành đang từng ngày tác động, nâng cao nhận thức, sự đồng thuận trong lãnh đạo đến các cán bộ, đảng viên… để chung tay xây dựng kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích cho nhân dân.
Đối với Nghị quyết thu gom rác thải sinh hoạt, theo huyện Ia Grai, một môi trường đầu tư thuận lợi, một đô thị đáng sống, gắn liền với bảo vệ môi trường… mà biện pháp lâu dài, là phải xử lý, thu gom được rác thải. Huyện Ia Grai đang tiến tới xử lý rác thải tuần hoàn, phân loại tái chế, chia tách rác hữu cơ để làm phân vi sinh. Ở huyện này, mỗi xã đều có bãi thu gom rác tập trung; có hợp tác xã đi thu gom tận từng tổ dân phố, thôn bản; còn người dân có trách nhiệm đóng thuế. Ở các khu vực dân cư xa, cán bộ đến tận nhà hướng dẫn cách xử lý rác thải chôn lấp tại nhà. Điều dễ nhận thấy ở huyện này là rất nhiều cây xanh ở đô thị, không khí cực kỳ trong lành.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Ngọc Quý - Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, với sự chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh của huyện được cải thiện rõ nét. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được huyện triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch sôi động, tạo cú hích cho sự phục hồi kinh tế khi COVID-19 đi qua.
4 NQ cùng 2 khâu đột phá được huyện Ia Grai tiếp tục thực hiện, đã và đang đi đúng hướng, đưa vào nhận thức để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đã từng bước đưa Ia Grai chuyển mình, biến những tiềm năng, lợi thế thành hiện thực.
Minh chứng cho những thành tựu đạt được, trong năm 2022, huyện Ia Grai đạt 24/25 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) ước đạt 12.849 tỷ đồng, đạt 101,52%KH, tăng 12,42% so với năm 2021.
Tương lai, với sự phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch khu vực biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia; các cửa khẩu Đức Cơ (Gia Lai với Campuchia); Bờ Y (Kon Tum với Lào) được mở mang và tuyến QL14C dọc biên giới nối liền các cửa khẩu được nâng cấp, hòa nhập với các tuyến QL19, QL24, QL25 và QL22 nối các cửa khẩu trên với các cảng biển: Vân Phong, Quy Nhơn, Dung Quất và Đà Nẵng… đây là một trong những điều kiện đặc biệt thuận lợi để huyện Ia Grai phát triển nhanh kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, cùng những Nghị quyết đúng đắn, huyện Ia Grai đang vươn mình, trở thành vùng kinh tế động lực, đưa nền kinh tế của tỉnh Gia Lai đi lên tại duyên hải miền Trung- Tây Nguyên.