Huy động trực thăng, lưới quét tìm đồng đội

Huy động trực thăng, lưới quét tìm đồng đội
TP - Từ mờ sáng 26-12, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã huy động thêm 5 tàu cá của ngư dân địa phương dùng lưới giã cào quét quanh khu vực chìm thuyền QNa 0063 để tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích của vụ chìm thuyền xảy ra trưa 25-12 khiến 35 người bị chìm, trong đó 2 người chết, 5 mất tích.

Vụ chìm tàu ở Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam):

Huy động trực thăng, lưới quét tìm đồng đội

> Đặc công vào cuộc tìm kiếm 5 nạn nhân vụ chìm tàu
> Chìm tàu ở Quảng Nam, 7 người chết và mất tích

Phải tìm được bằng mọi giá

Đại tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Nam có mặt tại hiện trường cho biết, đã chỉ đạo Đồn BP 260 liên hệ với một số ngư dân am hiểu về con nước thủy triều trên biển và có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm người bị nạn để tham khảo, tìm phương án khả thi trong công tác tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích.

Tại hiện trường, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - Phó Tư lệnh Quân khu V và Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu họp bàn phương án triển khai tìm kiếm hiệu quả và thống nhất giao lực lượng BĐBP trực tiếp điều hành, đồng thời cho dựng lều bạt ra ngay chân sóng để túc trực chỉ đạo và theo dõi công tác cứu hộ.

Theo ghi nhận tại hiện trường vào lúc 5 giờ 30 sáng 26-12, tại khu vực 5 người còn mất tích có 2 tàu cứu hộ thuộc Hải đội 2 của BĐBP tỉnh, 6 tàu cá chia làm 3 tốp kéo lưới giã cào để quét tìm và gần 10 chiếc thúng chai của ngư dân giăng hàng ngang thả lưới câu để hi vọng tìm thấy các nạn nhân. Dù công tác tìm kiếm rất mong manh nhưng lực lượng cứu hộ và ngư dân vẫn không chịu bỏ cuộc.

Khi quay vào Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Đại lúc tờ mờ sáng để bàn phương án phối hợp tìm kiếm với các ngư dân, thiếu tá Nguyễn Văn Mỹ, Hải đội trưởng Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam chia sẻ: những người đang còn mất tích ngoài biển là đồng chí, đồng đội với chúng tôi nên tập thể cán bộ, chiến sĩ đã quyết tâm nổ máy, chong đèn tìm kiếm suốt đêm, dù chưa có kết quả. Trách nhiệm cả với những người thân đang căng mắt theo dõi từng ánh đèn quét qua mặt nước. Bây giờ cần có thêm những kinh nghiệm của ngư dân vì nước thủy triều đã rút, số nạn nhân trên có thể bị kéo ngược ra xa, rất khó khăn cho công tác tìm kiếm.

Theo đại tá Nguyễn Hữu Thắng, tối 25-12, ở khu vực trên biển hơn 100 cán bộ, chiến sỹ BĐBP, Tỉnh đội Quảng Nam và người dân đã thức trắng đêm men theo dọc bãi biển với nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích với hy vọng sóng lớn sẽ đưa những người bị mất tích dạt vào bờ. Do trời tối, gió lớn và trời rét lạnh nên các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Chiều 25-12, trực thăng cứu hộ của Sư đoàn 372 của Quân khu 5 cũng đã được điều động vào tham gia tiếp ứng.

Đến sáng 26-12, cuộc tìm kiếm những người lính mất tích trên biển vẫn chưa có kết quả. Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, đã có mặt tại khu vực bờ biển để chỉ huy lực lượng vũ trang quân khu nỗ lực tìm kiếm.

Lời kể của người sống sót

Theo lời kể của anh Huỳnh Văn Lộc, một người dân ở thôn Bãi Làng (xã đảo Tân Hiệp) - đi nhờ trên chiếc thuyền gặp nạn, hành trình từ đảo Cù lao Chàm vào gần đến Cửa Đại vẫn bình thường, cán bộ chiến sĩ cùng với người dân nói chuyện rôm rả. Lúc vào đến cách bờ khoảng 6-7 trăm mét gặp sóng lớn, chiếc thuyền bị đánh bạt lái quay ngang, sau đó bị lật úp trong tích tắc khiến mọi người không kịp trở tay.

Anh Lộc kịp bám vội vào một cái phuy dầu cùng với 4 chiến sĩ. Sau gần 20 phút vừa bám vừa lăn tròn theo chiếc phuy dầu, nước biển lạnh cắt da, anh Lộc còn nghe rõ tiếng răng va vào nhau kêu cộp cộp của mấy người lính vì lạnh. Thấy mình còn sức, lại sợ phuy dầu tiếp tục lăn tròn nên anh bảo với các chiến sĩ cố bình tĩnh, bám chắc rồi vơ vội một ba lô đang trôi lềnh bềnh, tách ra khỏi nhóm. Cùng lúc, anh bị sóng lớn ập đến cuộn xuống tận đáy. Chới với, đuối sức anh giơ tay cầu cứu, rồi sau đó may mắn được một người dân cứu đưa vào bờ.

Anh Lộc kể tiếp, lúc tàu chìm, chỉ trong vòng hơn một phút, mọi người đều rơi ra khỏi tàu mà không kịp lấy phao cứu sinh. Tội cho 2 người phụ nữ bị say sóng nằm trong ca bin, bị bất ngờ nên đuối nước. Sau đó, người dân và lực lượng cứu hộ đã có mặt kịp thời nên số người thương vong không nhiều.

Dũng cảm cứu người

Anh Pham Sơn (ở khối Phước Hải, phường Cửa Đại), kể: “Đang ăn cơm nghe tin, tôi cùng anh em chạy ra, thấy người ta chới với liền nhảy xuống vớt. Lúc đầu chưa có phao, dây kéo, tôi còn khỏe nên vớt được 2 người. Sau bà con trên bờ kéo, tôi đưa thêm một số anh em bộ đội đang bu trên thùng phuy vào”. Cùng với Sơn là hàng chục thanh niên và ngư dân vùng biển Cửa Đại, Cẩm Thanh - Hội An và Duy Hải - Duy Xuyên đã bất chấp cả tính mạng cứu sống nhiều nạn nhân ngay sau khi tàu chìm. Riêng anh Nguyễn Cường, ở phường Cửa Đại, người trực tiếp cứu cả chục người vào trưa 25-12 bị sóng đánh bật ra ngoài cửa biển và được tàu cứu hộ vớt lên. Trong đêm 25-12, anh đã bị sốt do vết thương ở chân khâu 4 mũi, nhưng mới tờ mờ sáng hôm sau lại ra bãi biển tiếp tục tham gia tìm kiếm.

Thêm vụ chìm tàu tại cửa biển

* Sáng 26-12, tại cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi), tàu cá QNg 44072 TS của ngư dân Nguyễn Văn Biết (SN 1968, ở xã Phổ Thạnh) công suất 20CV hành nghề lưới vây rút khi xuất bến đi qua cửa biển đã bị mắc cạn, sau đó bị sóng đánh vào kè đá làm chìm tàu. Sáu ngư dân được người dân cứu vớt kịp thời, riêng ông Biết bị sóng lớn đánh văng khỏi tàu rơi vào kè đá, gãy xương đùi phải.

* Tại Quảng Bình, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đêm 25-12, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể em Nguyễn Thị Lài (nữ sinh lớp 7), trong vụ chìm thuyền đêm Noel của 21 học sinh THCS xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch. Thi thể của em Lài được tìm thấy cách điểm chìm thuyền chừng 50m về phía hạ lưu và cách bờ gần 20m. Gia đình nạn nhân đề nghị không khám nghiệm tử thi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG