Huy động bộ đội đắp đê ứng phó bão số 11

Huy động bộ đội đắp đê ứng phó bão số 11
TP - Để phòng cơn bão số 11 vào đất liền khu vực Thanh Hóa, đe dọa hàng nghìn hộ dân, huyện Thọ Xuân đã gia cố nhiều đoạn đê ở sông Cầu Chày, tại xã Thọ Thắng.
Huy động bộ đội đắp đê ứng phó bão số 11 ảnh 1

Gia cố đê, chuẩn bị ứng phó cơn bão số 11 tại huyện Thọ Xuân.

Đợt mưa lũ vừa qua, tuyến đê sông Cầu Chày, đoạn chảy qua địa phận xã Thọ Thắng, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nước tràn qua mặt đê khoảng 50cm.

Đê sông Cầu Chày bị nước lũ tràn vào đã khiến chính quyền phát lệnh di dân toàn xã Thọ Thắng. Nhiều thôn trên địa bàn xã đã bị ngập chìm trong nước lũ, nặng nhất là thôn Đại Thắng. Theo người dân, đây là trận lũ lịch sử từ trước đến nay trên địa bàn. Do nước lũ dưới sông vẫn còn nhiều, trong trường hợp mưa bão số 11 tiếp tục đổ vào lượng nước sẽ vượt đỉnh lũ vừa qua, đe dọa đến sự an toàn của hàng nghìn hộ dân nằm phía trong đê.

Trước tình hình trên, UBND huyện Thọ Xuân đã huy động các lực lượng tại chỗ, với sự hỗ trợ của hơn 100 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa tiến dành gia cố 4km đê qua địa bàn xã Thọ Thắng. Huyện đã huy động khoảng 500m3 đất từ địa phương khác đến để đắp đê theo hình thức đắp con chạch với độ cao khoảng 50cm.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều ngày 9/10 đến 11/10, trên địa bàn huyện Thọ Xuân xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài. Mưa lớn và hồ Cửa Đạt xả lũ đã gây ngập úng tại nhiều xã, thị trấn trong huyện, gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn huyện.

Cùng với khắc phục thiệt hại do đợt mưa lớn trên địa bàn huyện và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phòng chống cơn bão số 11, huyện Thọ Xuân yêu cầu tổ chức xử lý 5 điểm bị sạt, lở, sùi tại các tuyến đê trên địa bàn; hoàn thành việc xử lý sạt, lở, sùi, đắp chạch trên các tuyến đê, hoàn thành trước 17 giờ, ngày 15/10. Đồng thời, huyện Thọ Xuân cũng chỉ đạo khắc phục nhanh nhất về vấn đề môi trường và công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, không để môi trường ô nhiễm và dịch bệnh lây lan sau khi nước rút.

Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau mưa lũ, nhiều địa phương vẫn đang bị ngập nước, đời sống người dân còn rất khó khăn như các huyện Nông Cống, Vĩnh Lộc, Thạch Thành...

Giúp dân vùng lũ khắc phục khó khăn

Ngày 15/10, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp với Tập đoàn Bảo vệ Long Hoàng (trụ sở tại Tp Hồ Chí Minh) tặng 1.100 suất quà cho hộ dân tại các huyện Vĩnh Lộc; Thạch Thành, Thọ Xuân, Yên Định với tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, qua đó kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng lũ khi trở về nhà để bà con có sức khỏe khắc phục hậu quả lũ lụt, từng bước ổn định cuộc sống sau lũ lụt. Theo kế hoạch, ngày 16/10, đơn vị tiếp tục tặng 900 suất quà với tổng trị giá gần 500 triệu đồng cho hộ dân các huyện Nông Cống, Thường Xuân; tặng 60 suất, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho 60 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng tại 6 huyện.

Trong những ngày qua, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đã tình nguyện giúp người dân địa phương dọn dẹp lại nhà cửa, khắc phục những hậu quả do cơn lũ gây ra.

Tại huyện Hà Trung, đội sinh viên tình nguyện của trường Đại học Hồng Đức cùng ĐVTN tại địa phương tham gia giúp đỡ các gia đình chính sách, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại trường học, nhà văn hóa tại xã Hà Lâm, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, giúp đỡ người dân bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra, nhằm ổn định cuộc sống sau mưa lũ. Huyện đoàn Hậu Lộc đã huy động hơn 500 ĐVTN tại một số trường THPT tại địa phương tham gia giúp người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Huyện đoàn Thọ Xuân huy động hơn 1.000 lượt ĐVTN tham gia tình nguyện giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nặng nề sau bão, ưu tiên giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ neo đơn. Đồng thời tiến hành sửa chữa nhà, lau, quét dọn bùn đất đường làng, ngõ xóm...

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.