Cho đến một ngày những nhát búa phá tan bức tường vô tri gieo đầy bất trắc và cản ngăn tình nghĩa xóm giềng. Kiệt nhỏ mở ra…
Ám ảnh cấp cứu
“Đây là bức tường cá biệt nhất, hai con hẻm này cũng hi hữu nhất trong số vô vàn kiệt hẻm ở địa bàn”, ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) lắc đầu khi nhắc chuyện. Kiệt 225 đường Đống Đa (quận Hải Châu) thẳng tưng, dài độ năm chục mét, cuối kiệt bị bức tường bê tông rào dây thép gai chắn lại, mặc nhiên thành hẻm cụt. Phía sau ấy là hàng chục hộ dân thuộc kiệt 211. Bức tường như nút giao chữ T, chia cắt hai kiệt này. Ông Duy nói bức tường này có từ trước năm 1975, khi ấy khu vực kiệt 225 là khu biệt lập của lực lượng quân cảnh của chính quyền cũ.
Bức tường ngăn cách hai kiệt được đập bỏ trong sự đồng thuận của người dân. Ảnh: C.C |
Sau giải phóng, quân đội ta tiếp quản và bố trí cho các gia đình quân nhân. Người dân sống quanh đó nhớ lại, hồi ấy nhà cửa còn ít, đường sau kiệt 211 rộng rãi, nhu cầu đi lại chưa nhiều nên chẳng ai thấy bức tường này cấn cái. Rồi đô thị hóa, đất không “nở” ra mà người thì đổ về kiệt ngày một đông, nhà cửa xây liên tục làm con kiệt nhỏ lại, xô bồ. Bà con bắt đầu thấy bất tiện khi phải đi vòng vèo mới ra được đường lớn, trong khi chỉ cần đập bỏ bức tường nơi nút giao giữa 2 kiệt thì tiện lợi biết bao. Nhất là những trường hợp khẩn cấp như chữa cháy, cứu thương.
“Đập bỏ bức tường ngăn cách không chỉ làm đường thông kiệt thoáng để đi lại dễ dàng, thuận tiện trong cấp cứu, chữa cháy, mà hơn thế là để người dân biết chia sẻ, cảm thông cho nhau. Từ đó sống đoàn kết, hỗ trợ nhau mới trở thành một khu dân cư văn hóa, văn minh, đáng sống”.
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu bày tỏ
Bà Nguyễn Bạch Cẩm nhà ở kiệt 211, giọng run run: “Hồi đầu năm, con gái tôi bị tai biến, tôi cuống cuồng chạy ra ngoài đường kêu cứu. Nhìn qua bức tường thấy bên kiệt 225 có người nhưng có kêu thì họ cũng phải chạy vòng ra đường lớn đã mới vào được nhà mình nên tôi không kêu. May có hai chú hàng xóm sát bên. Lúc xe cứu thương tới, xe tới đỗ tuốt đầu kiệt 211, không vào được, bác sĩ, y tá chạy vô nhà sơ cứu cho con bé, xong lại nhờ hai chú chạy ra xe cầm cáng vào. Mọi người hớt hải khiêng con tôi ra đầu kiệt đưa lên xe cứu thương. Tôi chạy ngược vô nhà lấy ít đồ và khoá cửa, lúc ra thì xe đi mất vì không chờ được”.
Những người buôn bán, người già cũng toát mồ hôi mỗi lần muốn ra khỏi kiệt. Không ít lần, các hộ dân kiến nghị, gửi đơn lên tổ, lên phường bày tỏ mong muốn đập bỏ bức tường để đi lại thông suốt, nhưng những hộ ở kiệt 225 không chịu bởi con kiệt vốn bình yên, an toàn với 14 hộ dân bao lâu nay. Bên nào cũng có cái lý của mình. Vậy là quận “ra tay”, gọi bà con ở hai kiệt lên đối thoại, để họ nói lên hết lý lẽ, nguyện vọng. Có lẽ đó là lần đầu tiên người dân ở hai phía bức tường thẳng thắn với nhau.
Người dân đi lại thuận tiện hơn khi bức tường án ngữ 50 năm bị xóa sổ. Ảnh: Thanh Trần |
Ông Duy nghe xong, hỏi bà con đã có khi nào thử đặt mình ở phía bên kia chưa? Người dân ở kiệt 225 nếu ở kiệt 211, chẳng may người nhà phải đi cấp cứu, chỉ vì đường vòng vèo xa xôi mà không đến được bệnh viện trong “giờ vàng” thì nghĩ sao? Nhà cháy xe cứu hỏa đậu ở ngoài xa, bị tường cản trở chiến sĩ chữa cháy và đường ống nước, tính sao? Ngược lại, bà con kiệt 211 cũng phải tôn trọng và cùng “bảo vệ thành quả” là một con kiệt văn minh, bình yên, hiền hòa, sạch đẹp mà kiệt 225 đã xây dựng gìn giữ bao năm qua. “Bức tường không chỉ ngăn cách như chính tác dụng của nó mà đã gây trắc trở và chia cắt tình xóm giềng nữa. Dẫu nói gì, thì vẫn phải ưu tiên sự an nguy của những hộ dân phía sau hơn cả. Khi nghe chúng tôi phân tích, bà con hiểu ra và gật đầu đồng ý đập bỏ bức tường”, ông Duy không giấu được nỗi mừng vui.
Thông đường sá, mở lòng dân
Dân thuận lòng, lực lượng chức năng tới ngay hẻm, lập tức đập bỏ bức tường vô tri phiền toái tồn tại mấy chục năm, tháo hết dây kẽm gai rườm rà trên đó. Chuyện đập bức tường nghe cũng bình thường mà với mấy chục hộ dân trong kiệt 211 là khoảnh khắc “lịch sử”. Bà con mừng đến nỗi căng tấm băng rôn đỏ chói in dòng chữ “Hoan hô quyết định của UBND quận Hải Châu - UBND phường Thạch Thang, về việc mở thông kiệt 225 nối thông kiệt 211 Đống Đa”. Những hộ dân kiệt 225 trước nay muốn giữ lại bức tường cũng tươi cười có mặt lúc đó. Khi từng mảng bê tông cuối cùng dọn khỏi nút giao, cả xóm vỗ tay rần rần, mặt ai nấy hân hoan vì từ nay đường thông kiệt thoáng.
Bà Nguyễn Bạch Cẩm không cầm được nước mắt, nghẹn ngào: “Con bé không sống được tới bây giờ để coi đường được mở ra”. Sau lần cấp cứu “cồng kềnh” ấy, con gái bà đã mất. Bà đau đớn, kể hồi còn ở nhà cũ, chiều nào con cũng ra đường, ra sân hóng gió, trò chuyện với hàng xóm. Về đây 3 năm trời, nhiều lần thấy con cứ đứng bên bức tường nhìn ra phía xa đầu ngõ, bà quặn cả lòng. “Đường thông thoáng rồi thì con không còn nữa. Trong xóm vẫn còn nhiều người đau ốm, giờ kiệt mở ra rồi, những lúc khẩn thiết chắc chắn họ sẽ được tiếp cận y bác sĩ, tới bệnh viện nhanh hơn, không như con tôi hôm nào”, bà Cẩm ngậm ngùi. Cũng như bà, người dân đã trút bớt nỗi lo cho những trường hợp S.O.S như cấp cứu, hoả hoạn…
Những chiếc xe đẩy, gánh hàng, xe máy, người đi bộ…đi ngang qua nơi bức tường án ngữ ngày xưa trong chừng nửa tiếng đồng hồ đếm không xuể. Nhất là những hộ buôn bán, phải “cõng” xoong nồi, bát đũa, thau chậu mỗi ngày đi vòng nay đã bớt một quãng đường dài. Vậy mới hay, hàng chục hộ dân phía sau bức tường thiệt thòi biết bao. Ông Đoàn Nhơn (kiệt 211) tính xa, rằng sau này ai xây dựng, sửa chữa nhà cửa sẽ bớt đi một khoản rất lớn chi phí vận chuyển. Nội cái chuyện thuê xe chở vật liệu từ ngoài đường lớn vào như trước đây cũng đủ chóng mặt. Ở phía đầu kiệt 225, cánh cổng sắt bao năm qua mỗi đêm đều khóa kín để bảo vệ bình yên cho 14 hộ nay đã mở toang để người dân phía sau kiệt 211 cùng chung lối. Kiệt nhỏ mở ra, nối cả tình hàng xóm, cộng đồng nơi phố thị, người người mở lòng với nhau hơn.