Hướng đến tương lai

Hướng đến tương lai
TP - Nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2012), Tiền Phong có cuộc trò chuyện với ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

>Cần chú trọng dân chủ trong Đảng
>Mùa Xuân & hy vọng

Ông Phạm Thế Duyệt nói: Ngày nay, thanh niên có trình độ cao hơn về mọi mặt. Các bạn có thể học hỏi nhiều cái mới nhưng phải luôn ý thức gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của cha anh.

Tôi rất tin tưởng và mong mỏi ở thanh niên, nếu lớp thanh niên sau này có những điều chưa tốt thì chính những người lớn tuổi cũng có phần trách nhiệm, nên nếu chê trách thanh niên một chiều tôi không đồng ý.

Thanh niên phải có hoài bão đưa đất nước đi lên. Mọi thành bại của Cách mạng, suy cho cùng đều là do thanh niên quyết định. Thanh niên phải dám có chính kiến và dũng khí, phải thẳng thắn góp ý cho Đảng chứ không phải chỉ biết chấp hành một chiều.

Chống lại sự trì trệ, lạc hậu

Như ông nói, thanh niên phải dám đấu tranh, dám có chính kiến, nhưng phải làm thế nào để ý kiến đó được lắng nghe?

"Phải khép lại quá khứ, cùng hướng đến tương lai tốt đẹp cho cả dân tộc. Để làm sao, khi đến những ngày này, tất cả mọi người cùng chung niềm vui đất nước độc lập, thống nhất" - ông Phạm Thế Duyệt

Mình có hiểu biết thì phải nói, nói trên nhiều lĩnh vực, tổ chức Đoàn phải thực sự thể hiện được vai trò tổ chức của mình. Cũng như Mặt trận mà không nói, không giám sát, phản biện thì sẽ là hình thức rồi còn đâu. Phải cùng góp sức để Đảng vững mạnh thì mới có ý nghĩa. Vừa rồi, Nghị quyết T.Ư 4 cũng đã nói rất rõ, Đảng cần phải tự chỉnh đốn, nếu không thì nguy.

Thanh niên phải xóa bỏ mặc cảm, tự ti, phải có hoài bão lớn. Không có hoài bão thì sẽ chẳng làm được gì cho đất nước, cho nhân dân. Thanh niên cũng là lực lượng bảo vệ Tổ quốc, nhưng ngày nay không phải chỉ mang sức đông đi mà đánh nhau rồi sẽ thắng. Bây giờ là cuộc chiến về kinh tế, về khoa học kỹ thuật, cuộc chiến chống lại sự trì trệ, lạc hậu và nghèo đói.

Kỷ niệm 37 năm ngày Thống nhất đất nước, nhìn lại tuổi trẻ của mình, ông có suy nghĩ, cảm xúc gì - nhất là vào đúng thời điểm ngày 30-4 ấy ?

Tôi vào Đoàn năm 1952, lúc 16 tuổi. Tôi tự hào vì mình được sinh ra và trưởng thành trong thế hệ Hồ Chí Minh. Tôi chịu ơn với cách mạng, với Đảng, với Bác nhiều lắm, từ khi vào Đoàn đã luôn luôn ghi nhớ và thực hiện gương xử thế mà Bác Hồ dạy:

Suy nghĩ trước khi nói

Cương quyết khi thi hành

Bình tĩnh sáng suốt khi nguy nan

Nhẫn nại ôn hòa khi tức giận

Cẩn thận khi cầm bút

Thẳng thắn quá hay mất lòng

Nguyên tắc quá không thành công

Giải quyết linh động tùy từng việc

Gác tình riêng mến sự nghiệp

Bỏ óc đa sầu đa cảm

Vui vẻ là liều thuốc sống

Còn cảm xúc vào ngày 30-4-1975 là rất hạnh phúc, vì chúng ta đã thực hiện được ước nguyện trong Di chúc của Bác Hồ, đó là thống nhất đất nước, non sông quy về một mối. Tôi cũng nghĩ về người con trai đang tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh không biết đang như thế nào.

Thời điểm đó, tôi đang làm quản lý khai thác mỏ ở Quảng Ninh, trên từng xe gòng, trên từng máy xúc, trên từng toa xe… ai cũng làm việc hăng say cho ngày đất nước độc lập, thống nhất. Tôi cũng như các anh em trên công trường rất vui sướng, vì bao nhiêu quyết tâm, nỗ lực, hy vọng vì miền Nam ruột thịt nay đã trở thành hiện thực.

Hướng đến tương lai

Đã 37 năm đất nước thống nhất, công tác đại đoàn kết dân tộc tiếp tục đạt nhiều kết quả, để cùng hướng về tương lai. Ông có chia sẻ gì?

Khi ông Nguyễn Cao Kỳ, người từng là Thủ tướng rồi sau đó là Phó Tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước đây về nước thì tôi là một trong những người tiếp ông ấy đầu tiên. Sau buổi tiếp hôm đó, Mặt trận Tổ quốc còn mời cơm ông ấy, cả vợ và con gái ông ấy nữa.

Trong lúc chuyện trò, ông Nguyễn Cao Kỳ đã nói rất thật lòng: "Tôi cảm thấy càng về càng hiểu được tình hình đất nước, lần đầu đến với các vị ở đây thấy rất gần gũi, thân tình.

Tôi về Việt Nam thế này cũng là mạnh dạn chứ ở nhà (ở Mỹ) khi tôi về thế nào cũng có những dư luận nghi ngờ, chỉ trích tôi. Bây giờ về Việt Nam tôi mong muốn hướng đến tương lai, cùng xây dựng đất nước, muốn góp phần vào làm cho quê hương ngày càng giàu mạnh hơn”.

Tôi cũng nhấn mạnh là, bây giờ không nói nhiều chuyện thắng thua gì nữa, chuyện đó đã là của quá khứ, cần khép lại để cùng hướng đến tương lai, cốt làm sao đất nước này đi lên. Qua những cuộc gặp đó nó có sức thuyết phục, sau này ông Nguyễn Cao Kỳ còn mang 100 triệu đồng về ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của Mặt trận và đích thân tôi nhận khoản tiền này.

Nhiều người ở quê tôi bảo rằng tôi mất lập trường khi nhận khoản tiền đó, nhưng tôi chỉ cười với những suy nghĩ như vậy. Đó cũng là đường lối của Đảng mình, người ta đã về với mình là đều có ý thức dân tộc, mong muốn những điều tốt đẹp cho quê hương. Đại đoàn kết là truyền thống cần luôn được gìn giữ và phát huy của dân tộc ta.

Thưa, ông có thể nói rõ hơn về chính sách đại đoàn kết dân tộc của ta đối với đồng bào Việt Nam mình đang ở xa Tổ quốc?

Chúng ta đã có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX, trong đó nhấn mạnh hơn 3 triệu đồng bào ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời khỏi dân tộc Việt Nam.

Thời gian làm Chủ tịch, tôi và các đồng chí lãnh đạo Mặt trận đã mạnh dạn đề xuất với Đảng là Mặt trận nên có sự tham gia của những thành viên tiêu biểu đang sống và làm việc ở nước ngoài. Sau Đại hội Mặt trận toàn quốc năm 2004, nhiều đại biểu Việt kiều thuộc nhiều thành phần đã tham gia vào Mặt trận.

Lúc đó còn có cả những người trước đây phục vụ trong chế độ cũ, trong đó đặc biệt phải kể đến ông Nguyễn Hữu Có, từng là Bộ trưởng Quốc phòng chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Chúng ta phải thực sự dân chủ, tôn trọng những người có tâm huyết trí tuệ muốn góp phần vào phát triển đất nước. Đảng dù sao cũng chỉ có hơn 3 triệu đảng viên, trong khi cả đất nước gần 90 triệu người, làm sao có thể nói cái gì chúng ta cũng đúng.

Sức mạnh của Đảng là ở chỗ tập hợp được trí tuệ và phát huy được ý chí của các tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, dù có những chính kiến khác nhau, nhưng nếu đều vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì còn có gì mà phải băn khoăn.

Bầu cử Quốc hội khóa vừa rồi, có ý kiến tại Mặt trận là nên có một tỷ lệ nhất định đại biểu là Việt kiều, nhưng chưa thực hiện được?

Tôi nghĩ, điều quan trọng là hiệu quả thực chất của việc này. Vào Quốc hội thì phải có điều kiện làm việc, đóng góp như thế nào, rồi cũng phải đảm bảo nhiều điều khác nữa.

Ngay cả vào Mặt trận cũng thế thôi, nếu chỉ vào cho đẹp, ghi tên rồi nhưng chẳng đóng góp được gì thì cũng chưa phải là điều hay. Vì vậy, nếu việc đó chưa thành hiện thực được thì cũng không nên coi là do chính sách của chúng ta hẹp hòi hay phân biệt này nọ.

Đại đoàn kết dân tộc

Ngày 30-4, trong niềm vui chung của dân tộc, vẫn còn những giọt nước mắt ngậm ngùi của những đau thương, mất mát - từ người dân cả hai bên chiến tuyến, ông có suy nghĩ gì mỗi khi nhắc đến điều này?

Cả dân tộc đã đánh đổi rất nhiều máu xương để có được ngày độc lập, thống nhất: 30-4 là ngày thống nhất đất nước, ngày dân tộc chiến thắng kẻ thù Đế quốc xâm lược!

Ngay cả với những người Việt đã từng ở bên kia chiến tuyến, với gia đình và người thân của họ, cũng đều có những mất mát, đau thương. Những điều này suy cho cùng là do hoàn cảnh lịch sử, do kẻ thù xâm lược gây ra.

Sau 37 năm, một thế hệ mới cũng đã lớn lên và trưởng thành. Vì vậy, trong cách nhìn nhận, cách đánh giá, ứng xử hôm nay chúng ta cũng không nên thành kiến với những người từng ở phía bên kia, với gia đình và người thân của họ.

Phải khép lại quá khứ, cùng hướng đến tương lai tốt đẹp cho cả dân tộc. Để làm sao, khi đến những ngày này, tất cả mọi người cùng chung niềm vui đất nước độc lập, thống nhất.

Nhiều năm là Chủ tịch Mặt trận, theo ông tới đây chúng ta cần làm gì thúc đẩy chính sách đại đoàn kết dân tộc để thu được nhiều kết quả hơn nữa?

Đường hướng trong Nghị quyết nói rõ cả rồi. Về mặt nhận thức thì lúc này phải hiểu và làm đúng tinh thần của Nghị quyết, phải coi đồng bào ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt không tách rời của dân tộc Việt Nam. Trong ứng xử thì mình không được nặng đề phân biệt quá khứ, người ở trong hay ở ngoài…

Bà con Việt kiều đi ra nước ngoài trong nhiều hoàn cảnh lịch sử khác nhau, cũng là vì chiến tranh, vì kẻ thù chia rẽ. Tôi có cơ hội gặp bà con Việt kiều ở nhiều nước, thấy có một tâm tư chung là ở đâu, bà con cũng đều hướng về Tổ quốc, muốn góp sức để cùng xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG