Hưng Yên sẽ là 'nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hưng Yên sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng, theo tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 10/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.

Mục tiêu cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 278 triệu đồng.

Hưng Yên sẽ là 'nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng' ảnh 1
Thành phố Hưng Yên nhìn từ trên cao. Ảnh IT

Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2030 dự kiến lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản là 3,6%; trong khi đó công nghiệp, xây dựng đạt 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 6,9%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 - 65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Kinh tế số chiếm 35% GRDP.

Theo tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng.

Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0". Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Bản sắc văn hóa của Phố Hiến

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Hưng Yên sẽ cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, toàn diện trên các mặt thể chế, chính sách; thủ tục hành chính…

Hưng Yên cũng hướng tới phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nền tảng; công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải các bon thấp.

Trong tương lai, tỉnh cũng tập trung đầu tư, phát triển các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh kết nối với các đường cao tốc, quốc lộ; kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng; kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại của vùng.

Cùng với đó, Hưng Yên cũng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên cơ sở kết hợp giữa đào tạo, đào tạo lại và thu hút lao động chất lượng cao từ ngoài tỉnh để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Hưng Yên sẽ phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ngoài ra, Hưng Yên cũng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa của Phố Hiến - Hưng Yên và của vùng đồng bằng sông Hồng.

MỚI - NÓNG
Đường Vành đai 4 đang được thi công thế nào?
Đường Vành đai 4 đang được thi công thế nào?
TPO - Gói thầu số 9 (đoạn qua huyện Đan Phượng và Hoài Đức, thành phố Hà Nội) và gói thầu số 11 đi qua 3 xã Tiền Giang, Hòa Bình, Nhị Khê (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) đang được hàng trăm công nhân cùng máy móc thiết bị gấp rút thi công, xử lý nền đất yếu.