Huế sẽ có thêm một cuộc di dời ‘lịch sử’ trong Kinh thành Huế

Công trình cơ quan quân đội nằm sát bờ Kinh thành Huế.
Công trình cơ quan quân đội nằm sát bờ Kinh thành Huế.
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ, Bộ Quốc phòng đồng ý chuyển giao 42 ha đất thuộc Mang Cá nhỏ, Mang Cá lớn (bao gồm Trấn Bình Đài, Huế) về cho Di tích Huế. Nếu di dân dân sự ở khu vực Thượng Thành, Eo Bàu là lịch sử, thì việc quân đội giao lại 42 ha đất tại Kinh thành Huế là “lịch sử của lịch sử”.

Trong cuộc gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2021, khi đề cập đến cuộc “di dân lịch sử” trong Kinh thành Huế thực hiện từ 2019, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, bước sang 2021, khối lượng di dời, tái định cư người dân Thượng thành Huế sẽ rất lớn.

 VIDEO: Kinh thành Huế sẽ có thêm một cuộc di dời lịch sử.

Tỉnh TT-Huế cố gắng hoàn thành di dời và tái định cư xong dân cư thuộc giai đoạn 1 trong năm 2021, với số lượng hộ di dời được điều chỉnh là 3.516 hộ. Đây là khối lượng lớn công việc liên quan đến di dân cần được giải quyết trong năm mới này.

Huế sẽ có thêm một cuộc di dời ‘lịch sử’ trong Kinh thành Huế ảnh 1

Nếu di dân dân sự ở khu vực Thượng Thành, Eo Bàu là lịch sử thì việc quân đội giao lại cho tỉnh, giao lại cho di tích 42 ha đất trong Kinh thành Huế là “lịch sử của lịch sử”.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh đã đề xuất Chính phủ để điều chỉnh khung chính sách giải phóng mặt bằng có lợi nhất cho cư dân khi phải di dời khỏi Kinh thành Huế.

Cũng về Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế, một trong những vấn đề được tỉnh TT-Huế quan tâm hiện này là di dời, giải phóng mặt bằng và bàn giao khu vực Trấn Bình Đài - Mang Cá nhỏ và Mang Cá lớn (đất quân sự) về cho Di tích Huế.

Huế sẽ có thêm một cuộc di dời ‘lịch sử’ trong Kinh thành Huế ảnh 2

Trải qua hơn 130 năm là đất quân sự thuộc nhiều chế độ, khu đất Mang Cá đứng trước cơ hội lịch sử được giao về cho Di tích Huế quản lý, phát huy giá trị.

“Sau khi thống nhất với Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4, thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý chuyển giao 42 ha đất thuộc khu Mang Cá nhỏ, Mang Cá lớn bao gồm Trấn Bình Đài trả về cho tỉnh. Khu di tích Trấn Bình Đài có khoảng 120 hộ quân nhân đang sinh sống bên trong. Hiện nay, công tác kiểm đếm đang được tiến hành. Như vậy, khối lượng hộ di dời thuộc Kinh thành Huế tăng, diện tích, quy mô tái định cư tăng”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết.

Huế sẽ có thêm một cuộc di dời ‘lịch sử’ trong Kinh thành Huế ảnh 3

Sau hơn 100 năm bị bít kín, cửa Hậu - một trong những cổng vào ra Kinh thành Huế đã được tái khai thông vào tháng 12/2012. Phần đất phía bên trái nằm trong Kinh thành Huế hiện vẫn do cơ quan quân sự quản lý và có thể sớm được bàn giao về cho tỉnh TT-Huế.

Dù khối lượng công việc phát sinh rất lớn, tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, đó là điều rất đáng mừng, nếu di dân dân sự ở khu vực Thượng Thành, Eo Bàu là lịch sử thì việc quân đội giao lại cho tỉnh, giao lại cho di tích 42 ha là “lịch sử của lịch sử”.

Huế sẽ có thêm một cuộc di dời ‘lịch sử’ trong Kinh thành Huế ảnh 4

Cửa Hậu - một trong những cổng vào ra Kinh thành Huế ngày nay.

“Đây là một điều khó. Nhưng quan điểm của đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng rất rõ ràng. Cụ thể, khi chúng tôi tiếp xúc tại diễn đàn Quốc hội, đồng chí Bộ trưởng nói rằng: “Tôi đã nói với anh em, dân di dời đi được thì quân đội đi được, để trả lại di tích cho di sản Huế, di sản quốc gia”. Đến nay, về mặt xây dựng chủ trương để di dời thì Bộ Quốc phòng đã có chủ trương di dời các cơ quan quân sự tại Mang Cá, rồi di dời khoảng 120 hộ dân đến nơi định cư mới tại khu vực Hương Sơ. Tiến trình này liên tục, thì chúng ta hy vọng một ngày gần đây, di tích sẽ nhận lại toàn bộ 42 ha đất mà hiện nay do cơ quan quân đội quản lý. Đó là một hy sinh lớn của quân đội”, ông Phan Ngọc Thọ thông tin thêm.

Huế sẽ có thêm một cuộc di dời ‘lịch sử’ trong Kinh thành Huế ảnh 5

 Một bức tường do người Pháp "khoanh vùng" phần đất chiếm đóng, đồn trú quân sự phía Bắc Kinh thành Huế từ hơn 100 năm trước. Ngày nay, cạnh bức tường này là một con đường đã được khơi thông từ hướng đường Đinh Tiên Hoàng qua cầu Kho dẫn ra cửa Hậu.

Huế sẽ có thêm một cuộc di dời ‘lịch sử’ trong Kinh thành Huế ảnh 6

 Tuyến đường xuyên qua một phần khu đất quân sự trước đây, nối thông đường Đinh Tiên Hoàng qua cầu Kho dẫn ra cửa Hậu. Tuyến đường được khơi thông từ tháng 12/2012.

Liên quan di dân Kinh thành Huế, cuối năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để UBND tỉnh TT-Huế tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế và trùng tu, tôn tạo một số di tích xuống cấp nghiêm trọng từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương là 2.060 tỷ đồng.

Huế sẽ có thêm một cuộc di dời ‘lịch sử’ trong Kinh thành Huế ảnh 7

 Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế (bìa phải) - kiểm tra tình hình di dời dân Thượng thành Huế trong giai đoạn 1 - năm 2020.

Trong đó, 1760 tỷ đồng được dành cho dứt điểm hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng của 1.954 hộ và khoảng 300 tỷ đồng để bảo tồn, tu bổ, phục hồi khẩn cấp hai công trình di tích có nguy cơ cao là điện Thái Hòa và Thái miếu. Trước mắt, bằng nguồn này sẽ có 100 tỷ đồng được cấp ngay nhằm phục vụ sửa chữa điện Thái Hòa bị hư hại nghiêm trọng sau đợt mưa bão dồn dập vừa qua.

Trước đó, UBND tỉnh TT-Huế đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-UBND phê duyệt Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 4.201 hộ (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỷ đồng).

Mục tiêu cụ thể từ năm 2019-2021 (giai đoạn 1) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm Thượng thành, các Eo bầu, Hộ Thành hào và Tuyến phòng lộ (2.938 hộ).

Từ năm 2022-2025 (giai đoạn 2) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích: Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành… (1.263 hộ).

MỚI - NÓNG