Hotgirl mạng Trung Quốc và trào lưu bị lên án

0:00 / 0:00
0:00
Các Foyuan chụp ảnh khoe khoang
Các Foyuan chụp ảnh khoe khoang
TP - Gần đây một số người nổi tiếng trên mạng ở Trung Quốc đã gây nên một cơn sốt gọi là “Foyuan” nhằm tìm kiếm lượng truy cập trên Internet. Nhưng kết quả họ đã chuốc lấy sự phản ứng, mọi người cho rằng họ “giả Phật sự để khoe giàu có”.

“Foyuan”(Phật Viện – người đẹp kiểu Phật), tức là chụp ảnh hoặc quay video theo chủ đề “Lễ Phật danh viện” (quý cô lễ Phật). Mặc quần áo Phật tử, mang đồ hàng hiệu, họ đến chùa để chép kinh, ngồi thiền và ăn chay, cố tạo ra một hình ảnh “sen mọc từ bùn”. Người được gọi là "Foyuan" thực ra không phải là những “danh viện” (người đẹp nổi tiếng), mà là những cô gái tìm kiếm nổi tiếng trên Internet để thu hút lượng truy cập.

Họ trang điểm theo kiểu Phật tử, đi đến các chùa chiền với những thương hiệu nổi tiếng trên tay, thậm chí còn chép kinh Phật lên móng tay để “bản thân trở nên thanh tân thoát tục hơn”. Để thu hút khán giả, một số người thậm chí còn tiêm axit hyaluronic lên tai để tai đầy đặn và nom giống "Phật" hơn. Lại có cả những “Foyuan” tay cầm túi xách Dior, cố ý hé mở tăng phục lộ ra y phục thế tục bên trong.

Tờ Tân Kinh Báo đưa tin, với sự nổi lên của phong cách “Foyuan”, nhiều hotgirl nổi tiếng trên mạng đã tụ tập xếp hàng chờ chụp ảnh ở các đền chùa miếu mạo, biến chốn thanh tịnh thành điểm “check-in”, đặc biệt là tại một số ngôi chùa nổi tiếng.

Hotgirl mạng Trung Quốc và trào lưu bị lên án ảnh 1

Một Foyuan trang điểm trước khi chụp ảnh khoe lên mạng

Ngày 21/9, Công nhân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng hội Công đoàn Trung Quốc đã đăng một bài bình luận với tiêu đề “Làm sao có thể giấu chiếc đuôi cáo trong chiếc áo cà sa” viết về trào lưu sống ảo mới nổi của các hotgirl, blogger, người nổi tiếng trên mạng, mượn danh Phật giáo để thu hút lượng truy cập. Điểm chung giữa các “Foyuan” này đều là các cô gái có ngoại hình nổi bật, giàu có và lối sống thường ngày được tô vẽ với thưởng trà, ngồi thiền, chép kinh, đi chùa, cúng lễ... Cuộc sống của một "Foyuan" trên tài khoản mạng xã hội là như thế này: sáng thức dậy trong một biệt thự sang trọng rồi thưởng trà sớm, ôm một chiếc túi hàng hiệu lớn ngồi thiền, chép kinh và thắp hương cúng bái, trang điểm để tạo hình cho có tướng Phật, mặc quần áo phật tử, ngày rằm mồng một lái xe lên núi dâng hương, lâu lâu lại chia sẻ video quay chùa nào đẹp nhất. Video nào cũng phải ghi mấy câu theo ngôn ngữ nhà Phật để tạo không khí thanh tịnh vô vi.

Theo The Paper, ngày 23/9, Công ty Douyin (nền tảng video ngắn TikTok phiên bản Trung Quốc) đã thông báo xử phạt 48 tài khoản liên quan đến sử dụng hình ảnh “Foyuan” để tiếp thị quảng cáo bán hàng sai lệch, trong đó 7 tài khoản bị đóng cửa vĩnh viễn, 148 video bị xóa. Xiaohongshu cũng thông báo loại bỏ 70 bài viết vi phạm và đóng cửa 3 tài khoản. Có vẻ, giới chức Trung Quốc đã bắt đầu ra tay để dẹp bỏ trào lưu sống ảo này.

Tuy nhiên, những hoạt động trên không phải do họ sùng kính Phật pháp, yêu thích kinh kệ hay muốn tu tập mà chỉ là một hình thức kinh doanh. Mọi hình ảnh liên quan đến chùa chiền được những cô gái trẻ đẹp này đăng lên mạng xã hội, chỉ nhằm đánh bóng hình ảnh và hướng tới mục tiêu cuối cùng là quảng cáo, bán hàng.

Theo phân tích của bài bình luận trên Công nhân Nhật báo, mặc dù loại hình ảnh, video này tràn ngập trên mạng xã hội, nhưng chỉ cần nhìn thấy một trong những “Foyuan” là nhìn thấy tất cả họ. Nếu để ý sẽ thấy hương án, chùa chiền và xe sang, các bản kinh chép cũng là sản phẩm trên cùng dây chuyền. Mấy ngày trước, họ còn uống trà chiều ở một khách sạn năm sao với giá 99 nhân dân tệ theo trào lưu khoe giàu, hôm nay đã lại ăn chay và tụng kinh theo kiểu “Foyuan”.

Bài bình luận viết: “Chốn cửa Phật vốn thanh tịnh bỗng dưng lọt vào nhóm những cô gái “Foyuan” tưởng như không liên quan gì đến chuyện thế gian nhưng thực chất lại thiên về ham hố vật chất, thật là tội lỗi. Nhìn vào đủ loại các liên kết mua sắm khác nhau phía bên dưới tài khoản mạng của họ thì thấy, nào là bán mỹ phẩm, bán quần áo, bán sản phẩm thực phẩm chức năng và giới thiệu nhà hàng, người ta không thể không nghĩ đến những loại yêu ma khác nhau trong Tây Du Ký; Hồ Ly sao có thể giấu được đuôi dưới lớp áo cà sa?”.

Bài viết cho rằng, không ít cô mặc trang phục thiền nhưng lại để lộ đùi hay thậm chí hé lộ những phần cơ thể nhạy cảm cho người xem nhìn thấy. Bài viết phê phán, dưới ống kính máy quay các “Foyuan” muốn sắm vai tiên nữ siêu phàm thoát tục, nhưng lại không quên tỏ ra mình là lớp người vinh hoa phú quý, có Phật đường nhưng cũng phải có hàng hiệu nổi tiếng, không có Phật tâm cũng được nhưng phải có nhiều người truy cập, thỏa mãn được lòng hư vinh, thu hút được lượng truy cập cao hơn. Dù sao thì với họ, niềm tin vào Phật giáo là giả, các thương hiệu nổi tiếng cũng giả, chỉ có ý nghĩ lừa đảo câu view và kiếm tiền nhanh chóng là thật và không thay đổi.

Bài báo của Công nhân Nhật báo kết luận: Trên mạng xã hội giờ đây thật giả lẫn lộn, hình thành một thế lực xấu xa - bạn có thể xem nếu muốn xem nó, nhưng dù không muốn xem cũng không thể tránh nó. Tóm lại, trò hề “Foyuan” cần phải kết thúc, và hy vọng rằng thuật ngữ “Mingyuan” (Danh Viện – người phụ nữ đẹp) tới đây sẽ được trả lại ý nghĩa đẹp đẽ vốn có của nó.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.