Tháo gỡ khó khăn
Ngày 17/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quyết định, Tổ công tác do ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng. Các tổ phó gồm ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổ công tác do ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng. |
Đồng thời, Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Tổ công tác cũng tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Tổ công tác còn có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan.
Về quyền hạn, Tổ công tác được yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương; kiến nghị giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại một số tỉnh, thành phố.
Tổ Công tác cũng được mời lãnh đạo các cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.
Về nguyên tắc, chế độ làm việc, Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quyết định này.
Thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để... tồn tại. |
Tổ công tác làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công...
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành. Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Kiến nghị nhiều vấn đề
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững.
Chủ tịch HoREA cho biết, thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để... tồn tại. Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO) và điều này sẽ tác động đến sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp bất động sản cũng phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.
Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng), tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Chưa kể, việc bán dự án với giá hời có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính thị trường, có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.
Để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản, HoREA kiến nghị Chính phủ 10 giải pháp liên quan đến việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nới tín dụng, tháo gỡ cho thị trường trái phiếu, tăng nguồn cung nhà ở xã hội...
Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”. |
“Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới room tín dụng thêm khoảng 1% để có nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm”, ông Châu nói.
HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.
Đồng thời, cần “có kết luận dứt điểm” các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án.
Ngoài ra, HoREA kiến nghị xem xét, tháo gỡ “vướng mắc” về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.