Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ tại Tọa đàm.
Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc xây dựng mối quan hệ 3 bên trong đào tạo là nhà trường – doanh nghiệp – nhà nước là đặc biệt quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Hàn Quốc đã rất thành công với cơ chế này, Việt Nam đang dần hình thành, mang lại lợi ích cho các bên, đặc biệt là người học.
“Chúng ta có nhiều quy định về liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, song vẫn chưa thực sự rõ ràng, còn nhiều điểm nghẽn khiến doanh nghiệp không thiết tha với giáo dục nghề nghiệp”, ông Giang nói.
Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai Lê Anh Đức chia sẻ, việc kết nối giữa doanh nghiệp với các trường nghề từ trước đến nay chủ yếu vẫn là đưa học sinh đến thực tập, rất ít doanh nghiệp tham gia xây dựng chuẩn đầu ra.
“Thực tế có rất nhiều rào cản, nên doanh nghiệp chưa mặn mà trong hợp tác đào tạo nghề. Điều này một phần do tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra rất cao, trong khi quy định nhà trường lại yêu cầu người dạy phải có các loại bằng cấp, chứng chỉ khiến người của doanh nghiệp khó tham gia trực tiếp giảng dạy”, ông Đức nói.
Đại diện trường đào tạo nghề của Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học JeoJu.
Còn ông Ryu In-Pyong – Trưởng ban Quan hệ quốc tế (Đại học Jeonju) cho biết, hiện trường có quan hệ đào tạo với 174 trường trên thế giới, trong đó có một số trường đại học tại Việt Nam. Với việc hợp tác đào tạo cùng các trường nghề, trong đó có Việt Nam, sẽ giúp học viên đáp ứng được ngay yêu cầu của công việc sau khi ra trường của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đào tạo phải gắn với yêu cầu doanh nghiệp
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty LG Display Hải Phòng cho rằng, tiêu chí tuyển dụng của công ty đối với lao động là phải thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Hàn). Ngoài ra, là doanh nghiệp Hàn Quốc, nên cũng yêu cầu người lao động phải am hiểu văn hóa Hàn Quốc. Việc người lao động được đào tạo thông qua liên kết Việt Nam – Hàn Quốc sẽ giúp giải quyết được các khuyết điểm trên.
Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu cũng chia sẻ về kinh nghiệm của trường mình. Khi đa số các trường nghề của Việt Nam tập trung đào tạo các nghề doanh nghiệp cần hoặc đặt hàng, đây là những nghề cơ bản, phổ biến tại địa phương trường đứng chân. Khi liên kết doanh nghiệp, các trường thường thực hiện phương thức 1 buổi đi học – 1 buổi đi làm, học viên được trả lương. Điều này giúp người học tiếp cận môi trường làm việc của doanh nghiệp từ sớm, và cũng có thêm thu nhập.
Đại diện trường đào tạo nghề của Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học JeoJu.
Tuy vậy, các trường cũng chia sẻ, có một số ngành nghề đòi hỏi cấp độ quốc tế, chất lượng cao, doanh nghiệp thường tuyển dụng khi đã tốt nghiệp, thay vì tham gia đào tạo ngay từ đầu. Do đó, việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và trường nghề ngay từ đầu là yêu cầu cấp thiết, mang lại lợi ích cho các bên.
Tại buổi Tọa đàm, Trường Đại học JeoJu và một số trường cao đẳng nghề của Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo.