Chưa văn minh đến thế?
Xin trích một đoạn bày tỏ thái độ phản đối hợp đồng hôn nhân của một thành viên trên một diễn đàn công khai: “Một khi đã yêu ai và tự nguyện đến với nhau thì làm gì có chuyện tính toán với nhau và sau đó lại thể hiện sự tính toán đó bằng một bản hợp đồng. Hợp đồng làm rồi, ký tên, đóng dấu thì cũng có thể bị hủy, làm sao có thể ký hợp đồng khi hai người nam và nữ yêu nhau thực sự (…). Nếu tính toán kỹ như thế thì đừng đến với nhau làm chi nữa, vì đó đã trở thành một hợp đồng mua bán tình yêu rồi”.
Chúng tôi gặp gỡ một số phụ nữ. Chị Dương Mai Liên, hiện đang công tác ở Bệnh viện Quân y 175 thành phố Hồ Chí Minh, đã lập gia đình 15 năm nay, chị cho biết: Chưa từng nghĩ đến hợp đồng hôn nhân, dù gia đình cũng từng có những thời khắc sóng gió, bởi “tay trắng đến với nhau thì hợp đồng làm gì”. Chị Liên khẳng định: “Việc ký hợp đồng hôn nhân ở Việt Nam chắc chắn chưa phổ biến vì không cần thiết. Người lao động bình thường thì không giàu. Người giàu lại đủ khôn để bảo toàn tài sản khi “tai nạn”. Khi phóng viên hỏi, chị có biết vụ li dị liên quan tranh chấp tài sản nào không, chị trả lời nhanh: “Vụ tranh chấp giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên, vợ chồng bác sỹ thẩm mỹ Chiêm Quốc Thái, người mẫu Ngọc Thúy và chồng cũ…”.
Chị bình luận: “Chắc mấy người này không làm hợp đồng hôn nhân”. Tuy nhiên, đó vẫn là câu chuyện của “giới siêu giàu” không làm thay đổi quan niệm của chị Liên. Chị sẽ tự ái, nếu trước khi kết hôn, chồng sắp cưới đề nghị làm hợp đồng. Chị Liên so sánh việc người đàn ông đưa hợp đồng hôn nhân đề nghị bạn gái ký vào trước khi hai người về chung nhà với chuyện sử dụng… bao cao su: “Lần đầu làm tình với ai đó, họ tự chủ động dùng bao cao su, mình có tự ái không? Cần nhấn mạnh đó là một mối quan hệ đã có thời gian tìm hiểu, không phải mối quan hệ qua đường. Mặc dù biết dùng bao cao su an toàn cho cả hai, là biện pháp tự bảo vệ mình nhưng là phụ nữ mình ít nhiều vẫn tự ái, vì mình chưa văn minh được đến thế”.
Đồng quan điểm với chị Mai Liên, chị Huyền My, ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, một nhân viên văn phòng, 44 tuổi trả lời hài hước: “Vấn đề này 4.0 quá! Có vẻ không hợp với văn hóa Á Đông. Đồng ý kết hôn mà còn tính làm hợp đồng là không yêu thật lòng, tính toán. Không trong sáng”.
Tin gì mai sau?
Chuyện quá khứ của một cô giáo dạy văn ở Quảng Ninh. H. T tốt nghiệp khoa văn, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Chị từng được biết đến như một thi sĩ của khoa, ngay từ thời sinh viên đã có thơ đăng báo, chủ yếu là những dòng thơ tình lai láng.
Sau khi ra trường, chị trở về quê hương làm giáo viên dạy văn và lập gia đình với một người đàn ông lái máy xúc. Khi con gái lên 6 tuổi, hai người quyết định đường ai nấy đi. Chị kể: “Tài sản chung chẳng có gì, ngoài 85 triệu đồng gửi tiết kiệm, với ti vi, tủ lạnh. Tôi để lại hết. Xách mỗi cái vi tính bàn hồi đẻ được tiền chế độ thai sản mua. Trong đơn tôi nói rõ: Tôi xin nuôi con, tài sản không lấy. Đóng góp tùy tâm”. Chúng tôi hỏi: Vì sao chị hào phóng thế? Chị cười: “Hồi đó, muốn dứt nhanh nên chẳng thiết”. Tuy nhiên, những năm qua, chồng cũ có lúc “sực nhớ ra” trong 2 năm chỉ góp cho chị 2 triệu đồng để phụ nuôi con, khiến chị ít nhiều tủi thân.
Nỗi buồn khiến chị thêm nghị lực, sống trong cảnh một mình nuôi con, chị tích cực đi dạy thêm, chi tiêu dè sẻn, vay mượn một ít, cuối cùng cũng xây được ngôi nhà 2 tầng xinh xắn trên mảnh đất nhà ngoại cho. Chúng tôi hỏi: “Nếu bây giờ lập gia đình lần nữa, chị có làm hợp đồng hôn nhân không?”. Chị thẳng thắn: “Có chứ. Tin gì mai sau”. “Nếu đối phương tự ái không đồng ý làm hợp đồng hôn nhân thì sao?”, chúng tôi hỏi tiếp. H. T đáp: “Người ta không nhận thức văn minh thì thôi. Chẳng dây nữa”.
Chúng tôi tìm đến một nữ giảng viên đại học. Chị sinh năm 1980, đã lấy bằng tiến sỹ. Câu chuyện của chị khiến những người, nhất là phái yếu, phải lung lay quan niệm nói không với hợp đồng hôn nhân. Chị là người dân tộc Tày, sinh ra trong một gia đình khá giả, chỉ có hai chị em gái. Người Tày vốn coi trọng con rể, tin con rể, nên khi chị sinh con trai đầu lòng, bố mẹ vợ ở quê tặng cả bao tải tiền mặt cho con rể để mua một căn hộ ở Hào Nam (Hà Nội), gần cơ quan chị. Vài năm sau, chị sinh đứa con thứ hai, hai vợ chồng mâu thuẫn sâu sắc, họ tìm cách li dị nhanh chóng và êm thấm.
Nhưng sau khi li dị, người chồng kiên quyết không dọn ra khỏi căn hộ. Chị và chồng cũ sống trong cảnh mỗi người một phòng, chung không gian sinh hoạt là phòng khách và bếp. Nhưng cảnh sống đó không thể kéo dài, vì chồng cũ cứ trông thấy mặt vợ cũ, lại chửi. Chị cũng tức giận cãi lại. Có lần, chồng cũ túm tóc chị đánh. Chị sợ, không cố giữ căn hộ, đành ôm con ra ngoài thuê nhà: “Khi lấy nhau không ai nghĩ đến cảnh chia lìa, nên hồi đó tôi ở cữ, anh ấy làm mọi thủ tục mua nhà, đến khi chia tay tôi hỏi giấy tờ nhà, mới biết anh đã cầm để đi vay nặng lãi”. Nhiều người khuyên chị kiện chồng cũ để đòi lại nhà nhưng chị không muốn ồn ào và đã quá mệt mỏi nên buông xuôi. Coi như đó là bài học cho mình. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Theo chị, có nên làm hợp đồng hôn nhân không?”. Chị cười buồn: “Có. Rất nên làm”, và không muốn bình luận gì thêm.
Một số người thuộc phái mạnh có vẻ thoáng hơn với hợp đồng hôn nhân. Chúng tôi hỏi anh Nguyễn Sỹ Hoàng, một nhà nghiên cứu trẻ, chưa lập gia đình, anh nói: “Về phía bản thân, tôi không tính đến hợp đồng hôn nhân. Nhưng nếu phía bạn gái yêu cầu, tôi cũng sẽ thực hiện và không tự ái”. Cử nhân luật Vũ Lâm, thuộc thế hệ 6x bày tỏ quan điểm: “Rất nên làm làm hợp hôn nhân để tránh tranh chấp khi có tài sản phải phân chia nếu hôn nhân tan vỡ. Bản thân tôi đã chứng kiến những cuộc chia tay tranh chấp tài sản, mà phần thiệt thòi thường rơi về phía chị em”.
Tuy nhiên, ngay cả các nước phương Tây việc thực hiện hợp đồng tiền hôn nhân cũng không quá phổ biến. Thông tin từ một văn phòng công chứng Việt: Ở châu Âu, chỉ 10-15% các đôi ký kết hợp đồng hôn nhân. Ở Việt Nam, văn phòng công chứng này cũng chưa tiếp nhận trường hợp nào đến công chứng hợp đồng hôn nhân. Bởi suy cho cùng, đây vẫn là một vấn đề tế nhị, dễ làm đôi bên mất lòng, thậm chí xa hơn, làm hai bên nội, ngoại tương lai có cái nhìn khác về nhau.
Minh Hương, thạc sỹ Luật, sinh ra trong một gia đình khá giả, vui vẻ chia sẻ: “Nên làm hợp đồng hôn nhân, cho rõ ràng. Nhất là những đối tượng có tiềm lực mạnh hơn “nửa kia”. Ai nhiều tài sản hơn mà chẳng muốn thế”. Nhưng cô cũng thừa nhận, không dễ dàng để biến hợp đồng hôn nhân thành hiện thực vì “chưa hợp văn hóa Á Đông. Chuyện này gần như xa lạ ở Việt Nam”.
Ở Việt Nam là thỏa thuận tài sản
Một số ý kiến cho rằng, hợp đồng hôn nhân đã được luật hóa ở Việt Nam. Cụ thể điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.
Chúng tôi trao đổi với luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trưởng văn phòng luật sư Hạnh Nguyễn, Đoàn luật sư TP Hà Nội. Chị khẳng định: Luật Việt Nam chưa đụng đến hợp đồng hôn nhân. Về điều 47, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, chị giải thích: “Cái đó không gọi là hợp đồng hôn nhân, gọi là thỏa thuận tài sản, nghĩa là trước khi kết hôn tôi với anh cam kết về tài sản riêng: Nhà này của riêng mình tôi, nhà kia của riêng mình anh… Đại khái vậy. Khái niệm hợp đồng hôn nhân ở nước ta chưa có, chỉ tồn tại ở một số nước phát triển thôi”. Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh: “Hôn nhân là tự nguyện, nó bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, mà yếu tố tình cảm là quan trọng nhất. Tình cảm lại không thể thỏa thuận bằng văn bản nào đó”. Theo chị, ra hợp đồng hay không ra hợp đồng không giúp hạn chế tỷ lệ li hôn hay giải quyết triệt để những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân: “Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên, hợp đồng chỉ tồn tại khi các bên đều tôn trọng thỏa thuận đó. Nếu như một trong các bên không tôn trọng, đương nhiên hợp đồng bị chấm dứt, có nhiều điều kiện để chấm dứt hợp đồng”.