Hồng Thanh Quang và 'Chút sen còn lại'

0:00 / 0:00
0:00
Bìa "Chút sen còn lại"
Bìa "Chút sen còn lại"
TP - Mới gặp Hồng Thanh Quang, tôi mừng vì thấy sắc diện, giọng nói của anh đã trở lại phong độ gần như xưa. Anh khoe: Thời điểm này có thể nói bệnh ung thư trong cơ thể anh đã được khống chế.

Mấy tháng nay tác giả “Khúc mùa thu” không còn phải dùng thuốc đặc trị như trước. Tinh thần vui vẻ, không vướng víu việc gia đình, việc cơ quan, Hồng Thanh Quang của hôm nay mới đích thực là người tự do, sung sướng. Anh vừa cho ra mắt tập thơ, gồm 30 thi phẩm.

“Chút sen còn lại” là những bài thơ về sen, hoặc ít nhất có chữ “liên”, chữ “sen” trong bài. 30 bài thơ được Hồng Thanh Quang sáng tác trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, lai rai cỡ vài chục năm thì phải: “Đến giai đoạn này, đến tuổi này, trong mùa sen năm nay tự nhiên tôi cảm nhận sâu sắc hơn tính biểu tượng của sen. Sen có lẽ là biểu tượng của nữ tính, như cây tùng là biểu tượng của nam tính. Gần bùn là định mệnh của sen. Trải qua bao nhiêu bão táp vẫn trắng trong, thơm ngát, ấy cũng là sen…”. Nói đến đây, Hồng Thanh Quang đọc bài thơ mở đầu của tập thơ: “Họ chỉ thấy bao lần bão táp/Cánh trắng em lấm láp bùn đen… /Riêng anh vẫn đinh ninh sau trước/Em còn nguyên vẹn là sen…”. Thi phẩm được nhà thơ sáng tác năm 1990. Anh giải thích: “Cách đây khoảng 30 năm khi tôi nghe người ta gièm pha về người phụ nữ nào đó trải nghiệm, từng trải. Tôi suy nghĩ: Tại sao người ta chỉ nghĩ đến những sự cố, những chuyện nọ, kia của người phụ nữ? Nếu là người đàn ông thực sự yêu thương, xót xa cho phụ nữ thì phải hiểu: “Riêng anh vẫn đinh ninh sau trước/Em còn nguyên vẹn là sen”. Chính bông sen ấy mới là giá trị. Người đàn ông đích thực không cần một cô thiếu nữ run run đôi mắt khép, mà cần người thiếu phụ đã trải qua mọi sự trên đời…”.

Hồng Thanh Quang đã trải qua những tháng ngày chiến đấu để giành giật sự sống. Bác sỹ từng tiên liệu, anh chỉ sống được khoảng 2 tháng. Hơn 2 năm đã trôi qua, Hồng Thanh Quang vẫn làm thơ, vẫn vui bên bạn bè. Thật đáng gọi là hồi sinh. Sự hồi sinh mang đến một Hồng Thanh Quang mới.

Hồng Thanh Quang đã đi qua thời “Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc/Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em”… Song chưa bao giờ anh thôi say sưa khi luận về phái đẹp.

Tôi có thói quen dạo facebook Hồng Thanh Quang mỗi khi đêm về. Bởi thăm “ngôi nhà ảo” của anh tôi bỗng dưng nguôi quên cuộc đời ngoài kia, nào giãn cách, nào thất nghiệp, nào những đứa trẻ mồ côi… Hồng Thanh Quang hay khoe món ăn ngon miền sơn cước, khoe không gian sống đẹp từng centimet, khoe cái sự thanh thản của mình… Chơi facebook kiểu anh vừa vô hại, vừa truyền cảm hứng. Tất nhiên, Hồng Thanh Quang không quên khoe “đặc sản” thơ, hoặc những đoạn “Viết ra để tự nhắc mình”. “Viết ra để tự nhắc mình” chính là những chiêm nghiệm mà tác giả chắt lọc được trên hành trình sống. Thí dụ: “Nên rèn luyện thói quen hoài nghi trước tất cả những gì miễn phí…”. Hoặc: “Những tình yêu nồng nàn nhất của người phụ nữ không hiện lên mặt”. Trong những chùm “Viết ra để tự nhắc mình” của Hồng Thanh Quang, đôi khi bắt gặp cả những bài thơ ngắn: “Em mời ta đi uống rượu/Nhưng ta phải chối từ thôi/Bởi chính ta đang là rượu/Lên men muôn nỗi đau đời”…

Facebook của Hồng Thanh Quang thực ra là cuốn nhật ký đính kèm hình ảnh của chính tác giả. Mà, không ai chăm ghi chép diễn biến một ngày như anh. Việc này cũng đem lại rất nhiều lợi ích.

Tôi hỏi Hồng Thanh Quang: “Anh tuyển chọn 30 thi phẩm cho “Chút sen còn lại” có khó không?”. Tác giả “Khúc mùa thu” cười, đáp: “Rất không khó. Trong 9, 10 năm qua, tôi cũng đã đưa rất nhiều bài thơ về sen lên facebook. Trong một sự ngẫu hứng tôi tập hợp lại, rồi dùng kỹ thuật để lọc ra những bài có từ “sen” và “liên”. Trên cơ sở đó tôi mới chọn ra những bài ưng ý. Vì thế tập thơ có tên “Chút sen còn lại”. Cũng hiếm thi sĩ nào lại đưa sen vào thơ nhiều như Hồng Thanh Quang. Mà anh làm việc này hết sức tự nhiên, không hề có dấu hiệu của sự gượng gạo, cố gắng: “Bùa nào ám cả bình minh/Tôi nghe nắng tắt trong bình hoa sen…” (Bùa nào em thả về tôi); “Đêm tất niên. Anh mơ mình gặp lại/Em. Bốn bề ngan ngát ánh sen hồng/Anh bối rối như năm mười sáu tuổi/Nói rụt rè: Sẽ không để đau em” (Ta có mặt để yêu và để hát); “Bông sen vẫn trắng trong bùn/Rễ quỳnh còn ấm giữa mùn cưa nâu…” (Lục bát gieo màu)…

Hồng Thanh Quang đã trải qua những tháng ngày chiến đấu để giành giật sự sống. Bác sỹ từng tiên liệu, anh chỉ sống được khoảng 2 tháng. Hơn 2 năm đã trôi qua, Hồng Thanh Quang vẫn làm thơ, vẫn vui bên bạn bè. Thật đáng gọi là hồi sinh. Sự hồi sinh mang đến một Hồng Thanh Quang mới. Anh nhâm nhi hưởng thụ cuộc sống, không còn vương vấn những ồn ào, náo động của thời làm báo say mê. Thi sĩ bật mí: Trong tập “Chút sen còn lại” có những bài anh viết trong giai đoạn ốm đau. Phùng Quán viết: “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Hồng Thanh Quang cũng “vịn câu thơ mà đứng dậy” trong khoảng tối tăm của cuộc đời.

“Chút sen còn lại” vẫn ngọt ngào những “anh” và “em”, vẫn là những câu thơ “thả bùa” phái đẹp: “Đường phía trước có quá nhiều bất trắc/Anh chỉ còn muốn tin ở em thôi/Cho anh được nắm tay em nhé/Đỡ chua cay trong phút lẻ loi đời..”. Hỏi Hồng Thanh Quang: “Một số người nói anh cạnh tranh vị trí “thi sĩ tình yêu” của Xuân Diệu?”. Anh chỉ cười, chẳng đáp, lại tiếp tục đọc đoạn cuối của bài thơ “Cho anh được nắm tay em nhé”: “Dù nước mắt, dù nghẹn ngào câu hát/Hai chúng mình không thể tách rời nhau/Chỉ cần khẽ chạm thịt da từng ngón/Sẽ từ từ nguôi bớt những niềm đau…”.

Nhiều thi sĩ không thể thuộc nổi thơ mình viết. Hồng Thanh Quang thì trái lại. Đã vậy, anh còn có giọng đọc thơ đầy sức lôi cuốn. Không cần nhìn thấy hình, chỉ nghe giọng đọc cất lên: “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/Em tìm gì khi thất vọng về tôi”, đã đủ biết cuộc vui ấy có Hồng Thanh Quang.

Nhớ cách đây gần chục năm, lần đầu tiên tôi phỏng vấn nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ông tự khai: “Tôi bận lắm”. Hỏi: “Ông bận gì”. Tác giả “Ngõ lỗ thủng” thản nhiên đáp: “Tôi còn bận đi chơi nữa”. Câu trả lời ấn tượng về cái sự bận của Trung Trung Đỉnh khiến tôi nhớ mãi không quên. Gặp lại Hồng Thanh Quang sau chuỗi ngày giãn cách dai dẳng, bất chợt thấy anh giống Trung Trung Đỉnh năm nào: Thi sĩ còn bận đi chơi lắm!

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.